Mỹ để ngỏ khả năng nối lại các chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông
Dư Hoàng 01/29/2018 01:00 PM
Sau khi công bố Chiến lược quốc phòng mới năm 2018, trong đó xác định Nga, Trung Quốc là trọng tâm cần phải đối phó, giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố quân đội nước này có thể lại thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải (FONOPS) trên biển Đông trong năm 2018.

Đây được cho là động thái mở màn trong "loạt pháo" Chiến lược quốc phòng mới của Tổng thống Donald Trump.

Ngoài sự kiện đang thu hút nhiều quan tâm trong tuần này là chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Việt Nam thì mới đây nhất, trong Báo cáo thường niên của Hải quân Mỹ về hoạt động tự do hàng hải (FON) cho thấy Washington thách thức yêu sách trên biển của Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Tàu chiến USS Fort Worth của hải quân Mỹ. Ảnh: CNN

Trong Báo cáo FON được công bố từ ngày 31/12/2017 nhưng mới được đăng tải trên trang USNI vào ngày 25/1 gần đây cho thấy, Mỹ đã thách thức 6 yêu sách hàng hải của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) ở biển Đông.

Mặc dù Ngũ Giác Đài chỉ để ngỏ khả năng mà không công bố chi tiết về sự nối lại FONOPS hay trong bản Báo cáo không nêu nói rõ liệu các tàu Hải quân Mỹ có tới vùng biển nằm trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của những hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ luôn chỉ trích và phản đối Trung Quốc có các hoạt động tôn tạo, xây dựng trái phép tại các vùng biển tranh chấp.

Hồi tháng trước, các bức ảnh vệ tinh của Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng trái phép trạm ra đa tần số cao tại khu vực Đá Chữ Thập và các hầm chứa đạn dược tại Đá Subi trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong Báo cáo của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ (DOS) phản đối các quy định ngoại giao hoặc các tuyên bố của những quốc gia ven biển được cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế còn Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) thách thức các yêu sách hàng hải "quá đáng" của Trung Quốc ở biển Đông. Nhiều lần, Ngũ Giác Đài công bố các bằng chứng về việc Trung Quốc đặt các tên lửa, cũng như việc các máy bay chiến đấu nước này bay qua những khu vực tranh chấp cũng là những điểm căng thẳng và điểm nóng xung đột tiềm tàng giữa Washington và Bắc Kinh. Qua đó, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã lên lịch trình cho các cuộc tuần tra hải quân bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông, nhằm tăng cường sự hiện diện thường xuyên của Mỹ tại vùng biển này, thể hiện rõ quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tàu tấn công đổ bộ của Mỹ ở biển Đông. Ảnh: AP

Cũng theo USNI, FON giúp Mỹ củng cố lợi ích lâu dài về tự do hàng hải, tức là quyền sử dụng biển và không phận hợp pháp - áp dụng cho cả tàu và máy bay quân sự - đối với tất cả quốc gia.

Như đã nêu trong Chính sách Đại dương của Mỹ năm 1983, Washington "sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động đơn phương nhằm hạn chế quyền và sự tự do của cộng đồng quốc tế nào" và DoD đảm bảo quyền tự do hàng hải bằng cách bảo vệ hoạt động đi lại thông suốt và giúp thương mại không bị cản trở.

Hằng năm, DoD công bố báo cáo FON để xác định các quốc gia ven biển và những yêu sách hàng hải "quá đáng" đang bị Mỹ thách thức đồng thời các thông tin địa lý chung để làm dẫn chứng trong khi vẫn đảm bảo duy trì hoạt động của các lực lượng vũ trang Mỹ.

Tác giả: Dư Hoàng
Từ khóa: khả năng quân sự

Tin mới trong ngày