Mỹ: Lầu Năm Góc thời Tổng thống Trump
Trang Lu 03/28/2017 10:00 AM
Theo giới quan sát, Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump được tự do tiến hành nhiều chiến dịch quân sự mà không cần phải có sự phê chuẩn của Nhà Trắng.

Ngày 27/03, hãng AFP (Pháp) đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nới lỏng chính sách đối với Lầu Năm Góc và trao quyền tự quyết cho cơ quan này. Việc này được thể hiện trong việc Lầu Năm Góc được tự do tiến hành nhiều chiến dịch quân sự mà không cần phải có sự phê chuẩn của Nhà Trắng, được thể hiện rõ nhất trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ đứng đầu ở bắc Syria.

Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) của Nhà Trắng - bộ phận điều phối các chính sách đối ngoại và quân sự của Mỹ, cũng như thực thi các vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đã quyết định cách tiếp cận thông thoáng hơn, trong bối cảnh các chương trình bố trí binh lính và nhiệm vụ tác chiến gia tăng đã dồn thêm gánh nặng cho Bộ quốc phòng.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể những dân thường thiệt mạng trong cuộc không kích ngày 17/03 ở Mosul. Ảnh: Reuters

Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, mọi động thái từ nhỏ đến lớn của quân đội Mỹ ở Syria đều phải được Nhà Trắng thông qua. Nhưng kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/01, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã đưa một khẩu đội pháo với những loại pháo hạng nặng đến Syria mà không cần đến sự phê chuẩn của Nhà Trắng. Và quân đội đã triển khai thêm hàng trăm lính biệt kích, nâng tổng số binh sĩ Mỹ tại đây lên gần 1.000 người. 

Hệ quả của sự leo thang các vụ đột kích được tiến hành bởi những đơn vị tác chiến tinh nhuệ của Mỹ tại Yemen là con số dân thường thiệt mạng tăng nhanh chóng, và đã có 1 lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng trong chiến dịch đầu tiên tại đây do chính Tổng thống Trump ra lệnh.

Trong khi đó, các chỉ huy quân đội cũng đang cân nhắc khả năng triển khai thêm hàng trăm binh sĩ đến Syria. Lầu Năm Góc trong tuần này cũng tuyên bố đã yểm trợ bằng pháo và trực thăng cho lực lượng địa phương trong nỗ lực tái chiếm một con đập chiến lược.

Dưới thời ông Obama, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) chịu trách nhiệm điều phối chính sách quân sự và ngoại giao, giám sát mọi thứ liên quan đến cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Syria và Afghanistan cũng như thực hiện những kế hoạch về an ninh quốc gia của Tổng thống. Và Bộ trưởng quốc phòng Ash Carter khi đó có rất ít không gian để hoạt động theo chủ trương của mình. Tuy nhiên, ông Trump đã tái cơ cấu NSC và cơ quan này không cần phải “nhúng tay” vào các chiến dịch quân sự, theo tờ The New York Times.

Bên cạnh đó, ông Trump nhiều lần phó thác cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hiện nay quyết định về các chiến dịch quân sự, giao quyền định đoạt cho các chỉ huy ở chiến trường. "Mattis được trao quyền tiến hành những chiến dịch quân sự theo cách mà ông nhận định là tốt nhất", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Chris Sherwood khẳng định. 

Mỹ đang tham chiến chống IS ở Iraq, Syria và Taliban ở Afghanistan thông qua lực lượng địa phương được Washington hậu thuẫn và không lực của quân liên minh. Chiến lược này dưới thời ông Trump vẫn không thay đổi so với người tiền nhiệm, nhưng các chỉ huy hiện được tự do làm theo ý mình trong việc triển khai binh sĩ và vũ khí.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, đã hoan nghênh chuyển biến mới của NSC. Trước đó, ông luôn lên tiếng chỉ trích quản lý vi mô của NSC dưới thời Tổng thống Obama. Ông McCain tuyên bố ủng hộ việc mở rộng quyền tự quyết cho các chỉ huy chiến trường. Đồng quan điểm với ông McCain, còn có nghị sĩ đảng Cộng hòa Mac Thornberry.

Nhiều chỉ huy trong quân đội Mỹ hoan nghênh quyền tự quyết mới được cấp, nhưng giới quan sát cho rằng điều này có thể làm gia tăng tỷ lệ thường dân thiệt mạng, đe dọa tính mạng binh sĩ Mỹ và dẫn đến mất kiểm soát những cuộc chiến mà Mỹ khơi mào, khi chính sách buông lỏng sẽ dẫn đến hệ lụy quân đội Mỹ tự do hành động và có thể "gây chiến tùy ý".

Các quan chức quân đội Mỹ nhấn mạnh đảm bảo an toàn cho dân thường là ưu tiên hàng đầu khi phê chuẩn bất kỳ cuộc không kích nào. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hồi đầu tháng 3 đã phải thừa nhận có 220 dân thường thiệt mạng kể từ khi chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt IS ở Iraq và Syria bắt đầu vào cuối mùa hè 2014. Theo Airwars, một tổ chức bao gồm các nhà báo và nhà nghiên cứu ở Anh cho biết, con số thương vong thật sự cao hơn gấp 10 lần.

Xe bọc thép của quân đội Mỹ ở Manbij, Syria. Ảnh: AFP/Getty Images

Mới đây nhất, Lầu Năm Góc ngày 25/03 thừa nhận chính liên minh do Mỹ dẫn đầu đứng sau cuộc không kích vào một khu vực do IS chiếm giữ ở Mosul ngày 17/03 mà theo các cư dân và giới chức địa phương khẳng định đã khiến hơn 200 dân thường thiệt mạng. Giới chức Mỹ đưa ra xác nhận sau khi Chính phủ Iraq quyết định tạm ngưng chiến dịch giải phóng Mosul do tỷ lệ thương vong của dân thường tăng cao. Phía Mỹ đã lên tiếng xác nhận liên minh đã không kích theo yêu cầu của lực lượng Iraq vào "địa điểm khớp với nơi có các cáo buộc về thương vong của dân thường". Tính đến ngày 25/03, giới chức Iraq đã khai quật được 83 thi thể từ một khu nhà bị sập trong cuộc không kích, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em và quá trình đào bới tìm kiếm thi thể vẫn đang diễn ra.

Tác giả: Trang Lu

Tin mới trong ngày