Ngư dân Bình Định ra Đà Nẵng tố cáo vụ tàu vỏ thép nằm bờ
Nhuận Thân 08/31/2017 02:00 PM
Cùng 6 ngư dân khác lặn lội từ Bình Định ra Đà Nẵng dự hội thảo ngày 29/8, ngư dân Đinh Công Khánh bức xúc tố cáo đơn vị đóng tàu là công ty TNHH MTV Nam Triệu phớt lờ trách nhiệm.

Ngư dân Bình Định ra Đà Nẵng tố cáo vụ tàu vỏ thép nằm bờ

Ông Khánh - chủ tàu BĐ 99086 - TS cùng nhóm ngư dân nêu thông điệp yêu cầu doanh nghiệp phải sửa chữa tàu và bồi thường thiệt hại.

Ngư dân Đinh Công Khánh bức xúc vì công ty Nam Triệu thất hứa, phớt lờ trách nhiệm. Ảnh: vietnamnet.vn

Hôm 16/3, con tàu ra khơi được 10 hải lý thì máy hỏng, phải quay vào và nằm bờ tới bây giờ. Chúng tôi đề nghị công ty Nam Triệu cung cấp đầy đủ giấy tờ xuất xứ của 2 máy phát điện, và đối chiếu bản vẽ thiết kế”, ông Khánh nêu kiến nghị. Ngư dân Khánh cũng bức xúc tố cáo công ty Nam Triệu đã thất hứa.

Lãnh đạo công ty Nam Triệu phải trực tiếp vào Bình Định để giải quyết. Họ hứa đến ngày 30/8 là tàu tôi ra khơi hoạt động, nhưng giờ vẫn chưa được sửa chữa, đang nằm tại cảng. Thiệt hại là vô cùng lớn, là lỗi của doanh nghiệp đóng tàu”, ngư dân này bức xúc.

Thay mặt nhóm ngư dân Bình Định, ông nêu kiến nghị ngân hàng có phương án giãn nợ, chờ tàu được sửa chữa xong để ra khơi kiếm tiền trả nợ.

Tàu vỏ thép hỏng, một phần lỗi của ngư dân

Bên lề hội thảo “Sửa đổi nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” tổ chức tại Đà Nẵng hôm nay, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, thực trạng hàng loạt tàu vỏ thép nằm bờ có trách nhiệm của ngư dân.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn. Ảnh: vietnamnet.vn

Theo ông Môn, ngư dân là chủ thể nhưng không tham gia vào việc thiết kế, đóng tàu. Có lý do khách quan và chủ quan.

Về chủ quan, một là do trình độ kiến thức của ngư dân, hai là không được ai mời tham gia ngay từ đầu hoặc không được xem thiết kế. Vì vậy có một số con tàu phải nằm bờ; lý do là bị hỏng hóc, han rỉ, không đúng với chủng loại, không đúng thiết kế. 

"Nếu ngư dân trình độ nhận thức, kỹ năng tay nghề yếu thì phải thuê người tham gia từ đầu để giám sát. Rõ ràng như vậy sẽ không xảy ra việc hơn 40 con tàu phải nằm bờ”, ông Môn khẳng định.

Theo ông Môn, bên cạnh trách nhiệm của ngư dân, còn có trách nhiệm của các bộ ngành, các doanh nghiệp. 

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hội sẽ chủ trì hội thảo sửa đổi nghị định 67 với 5 vấn đề: hạ tầng, tín dụng, trách nhiệm của ngư dân (ngư dân phải là chủ thể và phải được tham gia trực tiếp ngay từ đầu), bảo hiểm, cơ sở vật chất, thông tin liên lạc...

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, với tư cách là đơn vị chiếm phần lớn tổng dư nợ cho vay theo nghị định 67, cũng cho rằng, cảm thấy không an tâm khi ngư dân không được tham gia vào quá trình thiết kế, đóng tàu, nghiệm thu.

 

Tác giả: Nhuận Thân

Tin mới trong ngày