Người phụ nữ Mông đưa thổ cẩm xuất ngoại
Yuki (Tổng hợp) 03/19/2017 02:00 PM
Mới đây nghệ nhân người H’Mông - Vàng Thị Mai (Quản Bạ, Hà Giang) đã được Tạp chí Forbes Việt Nam chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.

Cách đây 20 năm, nghề thổ cẩm ở xã Lùng Tám bắt đầu bị thờ ơ. Không còn nữa những thửa ruộng trồng lanh, tiếng máy dệt, tiếng thoi càng xa lạ với họ.

Khâu hoa văn trên thổ cẩm. Ảnh: baomoi.com

Những người giỏi, thợ khéo tay ở thung lũng chỉ còn tiếc nuối nhớ lại. Trong đó có cụ Má A Minh, một người đã bước vào ngưỡng 90 và từng là một thợ giỏi nhất nhì của thung lũng. Cụ bồi hồi nhớ lại những ngày tháng còn trẻ ai nấy trong vùng cũng biết thêu vải, thêu túi nhiều hoa văn. Cả vùng Lùng Tám lúc nào cũng như hội, quần áo sặc sỡ, người tỉnh kéo về chợ phiên mua bán thổ cẩm.

Không muốn cái nghề thổ cẩm bị thất truyền, nên Ủy ban nhân dân xã Lùng Tám đã họp để bàn phương án khôi phục làng nghề truyền thống. Đến năm 2001, Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Hợp Tiến được thành lập. Chủ nhiệm HTX là bà Vàng Thị Mai.

Bà Vàng Thị Mai (người dân tộc Mông, xã Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang) đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người với mức thu nhập từ 3 đến 9 triệu một tháng.

Bà Vàng Thị Mai. Ảnh: nguoiduatin.vn

Gặp gỡ bà Mai sau khi được vinh danh, bà cho biết: "Gần 200 đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ giờ rất vui và yên tâm vì đã khôi phục và phát triển thành công nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá một nét văn hóa của dân tộc tới người tiêu dùng cũng như du khách trong và ngoài nước. Hiện xưởng của chúng tôi giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người chưa có việc, đặc biệt là phụ nữ." 

Bước ngoặt trên con đường đưa hàng thổ cẩm xuất ngoại của bà diễn ra vào năm 2008, khi bà được Đại sứ quán Pháp mời tham dự “Hội chợ phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu”. Ngay lập tức, các họa tiết hoa văn tinh xảo trên các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của bà đã có sức hút lớn với những đối tác ở nhiều nước trên thế giới. Cũng từ đó, các mặt hàng này bắt đầu thâm nhập vào nước Pháp, Italia, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, Nhật Bản...

Thổ cẩm được nhiều nước biết đến. Ảnh: nguoiduatin.vn

"Chúng tôi được nhiều nhà thiết kế thời trang quan tâm và đưa sản phẩm của mình sang nhiều nước trên thế giới như Singapore, Nhật, Pháp. Một lần, khi được đi cùng Nhà thiết kế Minh Hạnh sang Pháp, tôi đã rất hồi hộp. Để chuẩn bị những sản phẩm mang sang Âu châu, tôi đã cùng với các nghệ nhân của HTX chuẩn bị rất lâu. Những sản phẩm được chuẩn bị kỹ lưỡng, vì cô Hạnh nói khách Tây khó tính lắm!”, bà Mai nói tiếp, “Cũng may, lần đó sang Pháp được khách bên đó rất ưng ý và sản phẩm nhận được nhiều lời khen”.

Theo baonguoiduatin.vn, gần 200 con người đang ngày đêm làm việc tại HTX nhưng cũng không đủ sản phẩm để bán cho khách du lịch. Mỗi ngày, có khoảng chục xe chở khách du lịch tới HTX thăm quan và mua sắm. Đó là chưa kể những đơn hàng được gửi từ các nơi về.

“Tính trung bình mỗi người làm việc tại HTX có thu nhập khoảng 3 triệu một tháng. Đó không phải là số tiền lớn với người miền xuôi, nhưng đối với đồng bào, đó là số tiền lớn. Ngoài việc có thu nhập, có việc, họ còn được trò chuyện với khách du lịch, từ đó tăng thêm nhận thức và trau dồi văn hóa. Tuy nhiên, thành công lớn nhất trong lòng tôi nghĩ, đó là đưa được sản phẩm của dân tộc đi rộng rãi. Những tinh hoa được duy trì và phát triển", bà Mai cho biết.

 

Tác giả: Yuki (Tổng hợp)

Tin mới trong ngày