Những bước tiến ngoại giao ngoạn mục của Bắc Hàn
Bình Nguyên 03/30/2018 10:30 AM
Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, Bắc Hàn đã có hàng loạt bước tiến ngoại giao mang tính đột phá nhằm thể hiện sẵn sàng nối lại đối thoại với Nam Hàn và Mỹ.

Tháng 02/2018, thông tin đoàn thể thao và đại biểu cấp cao Bắc Hàn tới dự Thế vận hội Mùa đông 2018 ở Nam Hàn đã khiến thế giới bất ngờ, Bắc Hàn đã đạt được nhiều thành công quan trọng trong cải thiện quan hệ đối ngoại. Nhiều nhà phân tích đánh giá, Bắc Hàn đã giành chiến thắng đậm, thậm chí đã giành "Huy chương Vàng" về mặt ngoại giao qua chuyến tham dự này.

Trong chuyến đi tới Nam Hàn dự lễ khai mạc Olympic, bà Kim Yo Jong, em gái của Chủ tịch Bắc Hàn, người được báo chí mệnh danh là Đại Sứ Hòa Bình, đã trao một lá thư cho Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In. Điều này thể hiện Bình Nhưỡng sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương tốt hơn. Thư cũng bao gồm lời mời ông Moon thăm Bình Nhưỡng. 

“Bắc Hàn đang cố gắng xóa bỏ mọi định kiến của cộng đồng quốc tế. Olympic là cơ hội để họ thể hiện một bộ mặt khác với thế giới”, ông James Hoare, một cựu ngoại giao của Anh tại Bình Nhưỡng nhấn mạnh. “Ngoại giao thể thao thường mang lại những cơ hội bất ngờ. Bình Nhưỡng có nhiều lý do để khuấy động Olympic và trở thành trung tâm của sự chú ý”, ông Lee Sung-yoon, một chuyên gia nghiên cứu ngoại giao tại Đại học Tufts, bang Massachusetts, Mỹ cho biết. Trong những ngày này, thông tin về việc Bắc Hàn tham gia Thế vận hội tràn ngập trên các trang báo và phương tiện truyền thông.

Bà Kim Yo Jong, em gái của Chủ tịch Bắc Hàn trò chuyện cùng Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In. Ảnh: Yonhap

Bế mạc thế vận hội Mùa đông 2018, trong khi đó, Mỹ vẫn áp đặt thêm trừng phạt lên Bắc Hàn. Các giới hạn mới được mô tả là gói cấm vận lớn chưa từng có, nhắm tới các tàu nghi chở các thành phần vũ khí bị cấm ra và vào Bắc Hàn. Bắc Hàn đã cử Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Đảng Lao động Bắc Hàn và là cựu chỉ huy tình báo Bắc Hàn, sang Nam Hàn dự lễ bế mạc Olympic. Ông Chol chính thức đưa ra thông điệp bất ngờ: Bắc Hàn muốn đối thoại ngoại giao với Mỹ.

Phía Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sẽ chỉ muốn thương lượng với Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng cam kết giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, Bộ này hiện thiếu nhân sự có kinh nghiệm ở những vị trí then chốt. Chính quyền Mỹ quyết định không bổ nhiệm đại sứ tới Nam Hàn và vị trí này bỏ trống trong một năm qua. Dù có những tuyên bố cứng rắn công khai, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đề cập khả năng đối thoại với Bắc Hàn. 

Các quan chức Nam Hàn cho biết, Bắc Hàn cam kết sẽ giải giáp hạt nhân nếu an ninh quốc gia được đảm bảo, đồng thời sẽ dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong khi đàm phán song phương. Sau Thế vận hội Mùa đông, Nam Hàn cử một đoàn các quan chức an ninh cấp cao sang Bắc Hàn. Các cuộc thảo luận dường như cho kết quả tích cực, và Bắc Hàn đã có một số tuyên bố thể hiện sẵn sàng nhượng bộ.

Ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Đảng Lao động Bắc Hàn. Ảnh: Yonhap

Hai miền Nam - Bắc Triều Tiên cũng có kế hoạch tái thiết lập một đường dây nóng và một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Moon Jae In và ông Kim Jong Un dự kiến được tổ chức trong tháng 4, cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong 11 năm qua. 

Mặc dù những tiến bộ gần đây trên bán đảo Triều Tiên, một quan chức chính phủ Nam Hàn nói không thể hoãn cuộc tập trận thường niên với Mỹ trong tháng 4, một hoạt động thường chọc giận Bắc Hàn các năm trước.

Đoàn đại biểu Hàn Quốc tới Mỹ để trao đổi tóm tắt về các cuộc thảo luận của họ với phía Bắc Hàn. Trong một thông báo gây bất ngờ, Cố vấn An ninh quốc gia Nam Hàn Chung Eui Yong nói ông Kim Jong Un mời ông Trump gặp trực tiếp và ông Trump đã đồng ý. Cuộc gặp được tổ chức "trong tháng 5". Trước các diễn biến mới nhất, Tổng thống Trump nói ông tin Bắc Hàn "thành thật" nhưng cho rằng "họ thành thật là bởi cấm vận".

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un (trái) và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ngày 22/3, Tổng thống Trump thông báo Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster từ chức. Ông chỉ định cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton lên thay. Tổng thống Moon ca ngợi kết quả lời mời và mô tả các diễn biến gần đây là một "cột mốc lịch sử sẽ đóng góp vào việc đạt được hòa bình trên Bán đảo trong tương lai".


Ngày 27/3, Trung Quốc thông báo ông Kim Jong Un có chuyến thăm tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, và là lần đầu tiên ông Kim Jong Un công du nước ngoài kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2011. 

Tác giả: Bình Nguyên

Tin mới trong ngày