Nước Mỹ trước những sóng gió chính trị
Lu 05/20/2017 01:00 PM
Chính trường Mỹ đang trong khủng hoảng nghiêm trọng trước những bê bối liên tục xảy ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt với những biến động lớn trên chính trường, có thể tác động tới nhiệm kỳ tổng thống của ông và toàn nước Mỹ.

Sau quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey gây tranh cãi, ông Trump hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi ông nhậm chức hồi đầu năm nay, khi tiếp tục đối mặt với cáo buộc tiết lộ thông tin mật cho quan chức Nga trong cuộc họp kín tại Tòa Bạch Ốc vào tuần trước. Vụ việc càng thêm ồn ào khi New York Times dẫn nội dung một bản ghi nhớ của ông James Comey cho biết Tổng thống Trump từng đề nghị ông Comey dừng điều tra cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn về nghi vấn mối quan hệ với Nga.

Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với nhiều sóng gió. Ảnh: CNN

Sau một loạt các tin tức bất lợi bủa vây cho Tổng thống đương nhiệm, chiều 17/5, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo việc bổ nhiệm cựu giám đốc FBI, ông Robert Mueller, làm điều tra viên đặc biệt với nhiều quyền hạn để truy tố những hành vi phạm pháp mà ông khám phá.

Như vậy, có thể nói, với quyết định sa thải Giám đốc FBI, Tổng thống Trump đã gián tiếp đưa cựu giám đốc FBI Robert Mueller vào vị trí điều tra viên đặc biệt, trong cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 và mối liên hệ của Điện Kremlin với nhóm tranh cử của mình.

Theo nhận định của New York Times, ông Mueller chính là cơn ác mộng của Tổng thống Trump bởi kinh nghiệm 12 năm điều hành FBI và được cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tôn trọng bởi năng lực và sự chu toàn.

Ông Trump đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, không chỉ với phe Dân chủ mà cả nội bộ đảng Cộng hòa. Các cáo buộc dồn dập cũng khiến ông phần nào sụp đổ niềm tin vào nước Mỹ. Điều này có thể thấy trong phát biểu thẳng thắn của ông tại lễ tốt nghiệp ở Học Viện Tuần duyên Mỹ đã khiến nhiều người "im lặng". Ông nói: “Hãy nhìn cách mà họ, đặc biệt là truyền thông, đối xử tệ bạc với tôi. Và trong lịch sử, tôi không thấy chính trị gia nào bị đối xử bất công hơn thế”. 

Trong các dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, ông Trump liên tiếp chỉ trích các cáo buộc nhằm vào ông, gọi những lời kêu gọi luận tội ông là "lố bịch". Đặc biệt, sáng sớm 18/5, ông Trump chỉ trích hệ thống Tư pháp Mỹ trên Twitter: “Với tất cả những hành động phi pháp trong chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton và cả chính quyền Obama, một công tố đặc biệt lại chưa bao giờ được đưa ra. Đây là trò “săn phù thủy” lớn chưa từng có đối với một chính trị gia trong lịch sử Mỹ”. Ông lặp lại cụm từ "săn phù thủy" mà ông đã dùng trong cuộc họp báo trước đó 1 ngày, mang ngụ ý cuộc điều tra này là hành động "bới lông tìm vết".

Dù chưa thể nói trước ông Mueller sẽ tìm ra điều gì và chắc chắn Tổng thống Trump cũng sẽ phủ nhận mối quan hệ với Moscow, nhưng những sóng gió chính trị đang khiến Washington phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Thứ nhất, nước Mỹ có nguy cơ mắc kẹt và bị tê liệt bởi cuộc điều tra của ông Mueller về mối quan hệ giữa Moscow và đội ngũ tranh cử của ông Trump. Ngày 17/5, phản ứng trước thông báo bổ nhiệm điều tra viên đặc biệt, ngay lập tức thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Điều này khiến các nhà phân tích lo ngại, trong khi Mỹ phải vật lộn đối phó với những khủng hoảng trong nước, các nước khác có thể tranh thủ những lộn xộn trên chính trường Mỹ để thực hiện những ý đồ riêng.

Thứ hai, ông Trump từ trước tới nay luôn là một nhà lãnh đạo khó đoán trước, khi bị chèn ép, không biết liệu ông Trump sẽ đưa một quyết định bất ngờ nào hay không. Bởi lẽ, theo hệ thống quyền lực của Mỹ, Tổng thống bị Quốc hội và Tòa án liên bang chi phối trong chính sách đối nội, nhưng về mặt đối ngoại, Tổng thống có quyền lực khá lớn, có thể ra nhiều quyết định có ảnh hưởng. 

Sau một loạt biến cố, ông Trump có lẽ mới thấy được những hạn chế trong quyền hành pháp của mình. Ảnh: CNN

Theo truyền thông, khi Tổng thống Richard Nixon dính bê bối năm 1974, ông đã uống rất nhiều rượu khiến các trợ lý cảm thấy lo lắng. James Schlesinger, cố vấn quốc phòng của Tổng thống Nixon, cho biết, khi mọi người sợ điều gì sai lầm sẽ xảy ra, ông đã bí mật yêu cầu quân đội không thực hiện bất cứ mệnh lệnh nào của Tòa Bạch Ốc liên quan tới sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi có sự xác nhận của ông hoặc Ngoại trưởng Henry Kissinger. Thậm chí, dù trái với Hiến pháp, Schlesinger còn bí mật triển khai quân đội ở Washington phòng trường hợp xảy ra vấn đề gì đó với người kế nhiệm ông Nixon. Với một Tổng thống khó lường và không thể biết trước như ông Trump, nắm trong tay quyền lực lớn như vậy, thì mọi việc đều có thể xảy ra. 

Trở lại với những gì đang diễn ra trên chính trường nước Mỹ, Tổng thống Trump đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào ngày 19/5. Dù đứng trước những áp lực rất lớn, trong đó có cả việc phe Dân chủ đòi luận tội ông, Tòa Bạch Ốc đang hi vọng đây là cơ hội để ông chứng tỏ khả năng lãnh đạo và để chính phủ vượt ra khỏi các vụ bê bối này.

Tác giả: Lu

Tin mới trong ngày