Phó Tổng chưởng lý Mỹ muốn từ chức vì bị Toà Bạch Ốc đổ lỗi
Lu 05/12/2017 10:57 AM
Ngày 11/5, ABC News dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết Phó Tổng chưởng lý Mỹ Rod Rosenstein đang có ý định từ chức vì cảm thấy thất vọng với việc Toà Bạch Ốc đẩy trách nhiệm vụ sa thải Giám đốc FBI James Comey sang ông.

Chiều ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ khi ký quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey, có hiệu lực ngay lập tức, sau khi nhận được bức thư từ hai quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp Tổng chưởng lý Jeff Sessions và Phó Tổng chưởng lý Rod Rosenstein.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trả lời trước báo chí, các quan chức Toà Bạch Ốc đều khẳng định ông Trump sa thải ông Comey là dựa theo đề nghị của ông Rod Rosenstein, theo bức thư ông Rosenstein gửi cho hay ông Comey đã gây nên những “tổn hại đáng kể” đối với danh tiếng và uy tín của FBI. Trong buổi phỏng vấn báo chí tối ngày 9/5, Thư ký báo chí Toà Bạch Ốc Sean Spicer cũng đẩy trách nhiệm về phía Bộ Tư pháp Mỹ, nói rằng cơ quan này đã yêu cầu sa thải ông Comey. Ông Spicer cho biết Tổng thống Donald Trump đã ra quyết định sa thải rất nhanh chóng sau khi nhận được khuyến nghị của Rosenstein, cùng lá thư của Tổng chưởng lý Jeff Sessions. Ông Spicer khẳng định "Tất cả là từ Rosenstein. Đúng là vậy… Không ai từ Toà Bạch Ốc cả. Đó là quyết định của Bộ Tư pháp", khi các phóng viên hỏi về người khởi xướng quyết định sa thải Comey.

Cuộc khủng hoảng chính trị đã bao trùm lên Washington sau khi ông Donald Trump sa thải cựu Giám đốc Cơ quan tình báo FBI. Trong khi sự đối đầu giữa đảng Cộng hoà và Dân chủ ngày càng gay gắt, thì ngay trong nội bộ phe Cộng hoà đã xuất hiện những rạn nứt được thể hiện một cách rõ rệt. Một số nghị sỹ kỳ cựu của đảng này đã lên tiếng chỉ trích hành động của ông Trump nhưng cũng có một số người mạnh mẽ ủng hộ ông.

Trong khi đó, theo nguồn tin của hãng tin ABC News, Phó Tổng chưởng lý Mỹ Rod Rosenstein hiện đang cảm thấy thất vọng vì sự đùn đẩy trách nhiệm sự việc này từ phía Toà Bạch Ốc và có thể sẽ từ chức. Tuy nhiên, trả lời những thông tin trên, bà Sarah Huckabee Sanders, phó thư ký báo chí Toà Bạch Ốc, trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Good Morning America vào sáng 11/5 nói rằng bà không hay biết gì về ý định từ chức của ông Rosenstein.

Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein. Ảnh: Getty Images

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 10/5 tại Toà Bạch Ốc, bà Sanders cho biết Tổng thống đã suy nghĩ về vấn đề sa thải ông Comey suốt một thời gian dài và thực sự ra quyết định vào chiều tối ngày 9/5, và yêu cầu của ông Rosenstein là nguyên nhân khiến ông Trump có thể đưa ra hành động nhanh chóng và quyết đoán hơn.

Trước chỉ trích từ các thành viên Quốc hội, chính quyền của ông Trump khẳng định vụ sa thải không liên quan đến cuộc điều tra xác minh xem ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Ông Trump cũng bảo vệ quyết định đột ngột sa thải ông Comey, khi phát biểu trước báo chí khẳng định ngắn gọn lý do đơn giản dẫn tới việc ông Comey bị sa thải là do Giám đốc FBI không làm tốt công việc của mình, và ông từ chối trả lời thêm các câu hỏi liên quan tới vụ việc.

Phía Toà Bạch Ốc cho biết nguyên nhân vụ việc do cuộc điều tra của ông Comey trong vụ điều tra bê bối sử dụng email của ứng cử viên Clinton, còn Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định động thái này nhằm khôi phục niềm tin vào cơ quan thực thi pháp luật, mà không vì bất cứ động cơ nào liên quan đến cuộc điều tra khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. 

Quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, từ phía các nghị sĩ đảng Dân chủ và chính một số nghị sĩ Cộng hòa, cho đến nội bộ FBI, và có biểu tình xảy ra tại nhiều thành phố. Nhiều người tin rằng, quyết định này của ông Trump có liên quan tới cuộc điều tra của ông Comey cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Trước khi bị cách chức, ông Comey là người phụ trách cuộc điều tra này, và chỉ vài ngày trước khi bị sa thải, ông Comey đã yêu cầu bổ sung ngân quỹ và nhân lực để FBI tiến hành điều tra các cáo buộc. 

Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: Washington Post

Việc ông Comey từng xin mở rộng cuộc điều tra, yêu cầu cử thêm công tố viên và nhân viên điều tra để đẩy nhanh tiến độ của FBI được xem là bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho thấy ông Comey tin rằng FBI cần thêm nguồn lực để xử lý cuộc điều tra gây tranh cãi suốt thời gian qua.

Bên cạnh đó, ông Trump tiếp tục khiến cho bầu không khí trở nên căng thẳng hơn với các phát biểu thông qua mạng xã hội Twitter, khi công kích Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal của đảng Dân chủ - một người mạnh mẽ chỉ trích ông – về thời gian ông này tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Ông cũng chỉ trích đảng Dân chủ là những kẻ giả tạo, ám chỉ việc nhiều đảng viên đảng Dân chủ trước đó đã lên án ông Comey vì cách thức ông này tiến hành cuộc điều tra về việc sử dụng email cá nhân trong công việc của bà Hillary Clinton hồi năm ngoái. 

Ngoài ra, một số động thái khác của ông Trump cũng khiến cho không khí trở nên căng thẳng hơn, trong đó có việc ông tiến hành các cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak - nhân vật trung tâm đã dẫn tới những lùm xùm buộc ông Trump phải sa thải ông Flynn hồi tháng 2 vừa qua.

Xem thêm:

Giám đốc FBI James Comey bất ngờ bị cách chức

Biểu tình sau khi cựu Giám đốc FBI Comey bị sa thải, ông Comey được đề nghị điều trần trước Quốc hội

Tác giả: Lu

Tin mới trong ngày