Phiên tòa chống độc quyền quy mô nhất tại Mỹ
Nguyên (Nguyễn Thị Hiên) 11/22/2017 10:00 AM
Ngày 20/11, Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp đơn kiện nhằm ngăn chặn thương vụ sáp nhập trị giá 85,4 tỷ đô la giữa Tập đoàn viễn thông đa quốc gia AT&T và Hãng truyền thông giải trí Time Warner.

Đây là lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump, người vốn luôn chỉ trích hãng CNN đưa tin giả (fake news) - một chi nhánh của Time Warner, xảy ra vụ kiện lớn mà nguyên đơn nộp đơn kiện là chính phủ Mỹ. Động thái này mở màn cho phiên tòa chống độc quyền quy mô lớn nhất trong nước Mỹ trong vòng nhiều thập kỷ qua.

Chính phủ Mỹ ngăn chặn vụ sáp nhập giữa AT&T với Time Warner. Ảnh: Washington Times

Ngay từ năm 2016, khi có thông tin về vụ sáp nhập, vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã lên tiếng chỉ trích hợp đồng này, vì theo ông, nó sẽ trao cho AT&T quá nhiều quyền hạn. 

Trong đơn kiện của mình, người đứng đầu Cơ quan chống độc quyền trực thuộc Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết, thương vụ sáp nhập sẽ gây tổn hại lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ, có thể đẩy giá các dịch vụ truyền hình hàng tháng tăng cao trong khi giảm những lựa chọn mới mang tính đột phá cho người dùng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến phản đối cũng cho rằng thương vụ này sẽ tạo điều kiện cho AT&T chiếm thế độc tôn trong ngành giải trí, cản trở chương trình của những đối thủ khác và tăng giá thành dịch vụ.

Trong đơn kiện đệ trình lên tòa án liên bang ở Washington, Bộ Tư Pháp viết "AT&T sẽ dùng các bộ phim của hãng Time Warner nhằm ép các công ty thuê 'phải trả hàng trăm triệu đô la hàng năm cho các hệ thống phim ảnh của Time Warner'". Đồng thời, khẳng định "nếu hợp đồng sáp nhập này được thực hiện, nó sẽ làm chậm lại tốc độ đưa phim ảnh lên online và làm chậm các hình thức phát hành khác".

Trả lời vấn đề này, luật sư đại diện cho AT&T là David McAtee cho hay: "Một vụ sáp nhập của các công ty theo chiều dọc thông thường như thế này thường sẽ diễn ra suôn sẻ, chúng tôi nhận thấy không có lý do chính đáng gì khiến vụ việc bị dừng lại. Theo quan điểm của tôi, một quan tòa sẽ bác bỏ đơn kiện của Bộ Tư pháp”.

Công ty AT&T sáp nhập với Time Warner. Ảnh: Reuters

Trong một sự việc tương tự trước đây, chính phủ của cựu Tổng thống Barack Obama từng chấp thuận vụ sáp nhập theo chiều dọc giữa công ty Comcast Corp và công ty NBCUniversal vào năm 2011.

AT&T là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai và là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định lớn nhất của Mỹ, trong khi Time Warner là một tập đoàn truyền thông giải trí lớn, sở hữu và có cổ phần tại nhiều kênh truyền hình nối tiếng như HBO, Cartoon Network, CNN.

Tác giả: Nguyên (Nguyễn Thị Hiên)

Tin mới trong ngày