Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ bị sa thải vì chống sắc lệnh nhập cư
Trang Lu 01/31/2017 10:00 PM
Ngày 30/01/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Q. Yates ngay sau khi bà yêu cầu cơ quan này không bảo vệ sắc lệnh nhập cư của ông tại tòa.

Theo thông cáo báo chí của phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, Tổng thống Donald Trump đã sa thải quyền bộ trưởng tư pháp Sally Yates, vì bà chống lại sắc lệnh di dân và tỵ nạn đang gây tranh luận dữ dội của ông Trump. Trong thông cáo đã nêu: "Quyền bộ trưởng tư pháp Sally Yates đã phản bội Bộ Tư Pháp vì từ chối ban hành sắc lệnh, mà sắc lệnh này được đưa ra nhằm bảo vệ công dân Hoa Kỳ".

Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Q. Yates. Ảnh: AP

Trước đó cùng ngày, Bà Yates đã viết thư gửi đến các luật sư Bộ Tư pháp cho rằng sắc luật này của ông Trump có thể phạm luật. Trong bức thư gửi các nhân viên, bà viết: "Tôi có trách nhiệm đảm bảo các quan điểm của Bộ Tư pháp phù hợp với nghĩa vụ chính thức của cơ quan này là luôn tìm kiếm công lý và bênh vực lẽ phải. Hiện tại, tôi không tin rằng việc bảo vệ sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh phù hợp với những trách nhiệm này cũng như tôi không tin rằng đây là sắc lệnh hợp pháp. Miễn là khi tôi vẫn nắm quyền Bộ trưởng Tư pháp, bộ này sẽ không tranh cãi, không trình bày các lý lẽ để biện hộ bảo vệ sắc lệnh trên, trừ khi tôi được thuyết phục rằng đó là hành động thích hợp".

Sau khi sa thải và cáo buộc bà Yates đang cố gắng cản trở chương trình nghị sự của mình vì một số lý do chính trị, ông Trump đã chỉ định Dana J. Boente, công tố viên của quận Đông Virginia, làm Bộ trưởng Tư pháp tạm thời cho đến khi có Bộ trưởng mới.

Bà Yates, từng là Thứ trưởng Tư pháp dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, trước đó đã đồng ý yêu cầu của ông Trump giữ chức quyền Bộ trưởng Tư pháp cho đến khi việc bổ nhiệm ông Sessions chính thức được Thượng viện thông qua. Vì vậy, tuyên bố sa thải bà Yates mang nhiều tính biểu tượng bởi Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp do ông Trump bổ nhiệm, có khả năng sẽ sớm nhậm chức. Mặc dù vậy, việc sa thải trên phần nào cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Bộ Tư pháp và các cơ quan khác trong chính quyền của Tổng thống Trump về sắc lệnh của ông cũng như câu hỏi cho sự ổn định trong bộ máy chính quyền mới khi những người bất đồng với Tổng thống có thể bị loại ngay lập tức.

Người biểu tình phản đối lệnh trục xuất người tị nạn của tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP

Ông Sean Spicer, phát ngôn viên Nhà Trắng, nêu thông điệp cứng rắn của Nhà Trắng trong cuộc họp báo hôm 30/01, rằng những người nào không hài lòng với chính sách của Trump thì nên rời đi sau khi có thông tin hơn 100 viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ công khai ký vào văn bản phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh mới.

Thượng nghị sĩ tiểu bang New York, lãnh tụ đảng Dân chủ Charles Schumer, đã rơi nước mắt trong buổi họp báo cho rằng sắc lệnh của Tổng thống vi phạm hiến pháp và giá trị căn bản của Mỹ, kêu gọi đảng Dân chủ nên xem xét hành động pháp lý lật ngược sắc lệnh. Ngoài việc bị phản đối từ các nghị sỹ đảng Dân chủ, khoảng 10 nhà lập pháp đảng Cộng hòa cũng đã lên tiếng chống lại sắc lệnh này. Nhiều vụ kiện cáo cũng đã và đang xúc tiến, không chỉ dưới tư cách cá nhân. Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson hôm 30/01 cho biết Wahington sẽ là bang đầu tiên thách thức sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống tại tòa án liên bang, khi chính bang này khởi kiện Tổng thống Donald Trump chống lại sắc lệnh tạm ngưng chương trình di dân từ 7 quốc gia đông dân Hồi giáo, làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn trên khắp cả nước.

Hàng nghìn người biểu tình phản đối sắc lệnh chống nhập cảnh của Trump. Ảnh: Reuters.

Trong một diễn biến có liên quan khác nhằm đáp trả dọa cắt viện trợ của ông Trump, chính quyền thành phố Sacramento, bang California đang cân nhắc việc ngưng đóng ngân sách cho chính phủ liên bang nếu Tổng thống Donald Trump cắt hàng tỉ USD hỗ trợ tài chính cho những thành phố và tiểu bang bảo vệ dân nhập cư trái phép như đe dọa.

Trong khi đó, bất chấp việc ông Trump dành ngày 29/01 để giải thích về sắc lệnh của mình, hàng ngàn người tiếp tục cuộc biểu tình tại các sân bay trên khắp nước Mỹ, thúc giục Chính phủ nước này hãy dang tay đón nhận những người tị nạn và di dân, chống lệnh cấm du khách từ các quốc gia Hồi giáo của ông Trump trong khi thế giới lên án chính sách này. Tổng thống Đức đã có cuộc điện đàm gần 1 giờ đồng hồ để giải thích cho ông Trump các nghĩa vụ giúp đỡ cộng đồng quốc tế của Mỹ theo Công ước về người tị nạn còn Canada lên tiếng sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới, nếu họ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Hàng loạt các giám đốc điều hành của một số công ty lớn nhất thế giới đang phản đối lệnh cấm nhập cư tạm thời của Tổng thống Donald Trump khi cho rằng điều đó gây hại cho các doanh nghiệp của họ. 

Mục sư Luis Leon. Ảnh: Nhà thờ Thánh John

Mặc dù Tổng thống Trump cam kết sẽ ưu tiên người theo Cơ Đốc giáo xin tị nạn, các nhà lãnh đạo Cơ Đốc giáo cho biết họ phản đối quyết định của Tổng thống Trump về việc ưu tiên này. Người đứng đầu Nhà thờ Quốc gia Mỹ ở Washington, Luis Leon, mục sư nhà thờ Thánh John, lần đầu phá quy tắc tránh bàn luận về chính trị, lên tiếng phản đối lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump.

Tác giả: Trang Lu

Tin mới trong ngày