Rắn - loài vật được tôn thờ ở nhiều nơi trên thế giới
Yuu 08/27/2017 11:00 AM
Suốt nhiều thế kỉ qua, loài rắn đã đi vào đời sống văn hóa của nhân loại và trở thành loài vật biểu trưng cho phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nhiều nước trên thế giới, họ tôn thờ loài rắn, thậm chí có thể nuôi rắn sống chung trong nhà. Có thể nói, loài rắn là một biểu tượng đặc trưng mang tính toàn cầu, xuất phát từ những huyền thoại thần bí của nhiều quốc gia trên thế giới…

1. Ở châu Úc

Châu Úc là vùng đặc trưng của người thổ dân tôn sùng loài rắn cầu vồng khổng lồ. Trong tư tưởng quan niệm của người châu Úc, rắn cầu vồng tượng trưng cho nước, gắn chặt với đời sống tâm linh. Thổ dân người Úc đã đưa hình tượng rắn cầu vồng phổ biến vào nghệ thuật và những câu chuyện thần thoại từ hàng nghìn năm.

Ảnh: K14.vn

Ý nghĩa của tên rắn cầu vồng là biểu trưng cho dòng nước uốn lượn qua vùng đất được Mặt trời chiếu sáng, tán xạ nhiều màu sắc như cầu vồng. Rắn cầu vồng được coi như một thực thể tâm linh lâu đời, cai quản tài nguyên quý giá nhất của cuộc sống: nước và dầu.

2. Ai Cập, Ấn Độ.

Vị thần rắn mang tên Naga được coi là biểu tượng cho sự bất tử ở Ấn Độ. Tín ngưỡng thờ rắn đã ăn sâu trong đời sống văn hóa và tiềm thức của cư dân nhiều vùng lãnh thổ trên đất nước Ấn Độ. Nổi bật là hình ảnh vị thần Shiva trong truyền thuyết với rắn cuốn quanh cổ là đặc trưng cho nền văn hóa tôn giáo của nơi đây.

Ở Ấn Độ, người dân coi trọng loài rắn đến nỗi bất cứ hành vi giết rắn có chủ ý hay vô tình đều bị coi là tội nặng. Đặc biệt, ở miền Nam nước này, người giết rắn có thể bị trừng phạt nặng nề và xác rắn bị giết sẽ được mai táng theo đúng nghi thức.

Ảnh: thieunien.vn

Loài rắn xuất hiện trong các tôn giáo Ai Cập như một biểu tượng của thánh thần, của sự mê hoặc, thậm chí nó được tin như một lời sấm, lời tiên tri của một đấng tối cao. Truyền thuyết Ai Cập thường xem rắn như là một vị thần linh tối cao, vị thần hộ mạng cho các nhà vua, do đó trên các vương miện của các vua pharaoh Ai Cập đều có chạm trổ hình rắn bằng vàng hay đá quý.

3. Châu Âu

Ở châu Âu, tục thờ rắn phổ biến trong các cư dân sống quanh lưu vực những con sông ở Hy Lạp. Dấu vết thờ rắn ở Hy Lạp chứa nhiều bí ẩn, đôi khi nó là hóa thân, là hình ảnh đại diện của các vị thần. Người ta cho rằng, thần Apollo lần đầu tiên được thờ ở Delphi dưới biểu tượng rắn. Có lẽ, tín ngưỡng nguyên thủy đã bắt đầu được tôn giáo hóa. Trong tôn giáo của người Hy Lạp, rắn luôn được xem là một biểu tượng thiêng liêng. Rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực về khả năng sinh sản.

Ảnh: tinmoi.vn

Một số nơi như Ba Lan, rắn được thần thánh hóa, được sùng kính và thờ cúng. Mỗi hộ gia đình thường giữ một con rắn trong nhà như là một thần bảo hộ. Ở Epirus, tại khu rừng nhỏ của Apollo, hàng năm diễn ra các lễ hội lớn, những tu nữ trinh tiết khỏa thân mang thực phẩm hiến tế rắn thiêng. Nếu chúng lấy nó một cách dễ dàng, đó được coi là dấu hiệu của một vụ thu hoạch hiệu quả, và khỏe mạnh trong năm, bằng không, các điềm báo ngược lại sẽ dẫn đến những lo âu. Niềm tin này có lẽ bắt nguồn từ các con mãng xà được thờ cúng ở Delphi.

4. Campuchia, Việt Nam

Trong tín ngưỡng dân gian của người Campuchia, thần rắn Naga là một vị thần tối thiêng. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, rắn cũng là một hình tượng có sức ám ảnh mạnh mẽ.

Ảnh: khoahoc.tv

Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thuỷ của người Việt cổ với ý nghĩa chính là thờ thủy thần. Tục thờ này mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Các đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống.

Thờ rắn còn phổ biến trong tín ngưỡng ở Campuchia. Người Khmer vốn có tín ngưỡng thờ rắn Naga chín đầu. Rắn chín đầu là biểu tượng cho thần đất và thần nước. Sau này, do ảnh hưởng của đạo Bà la môn, rắn còn mang biểu tượng nguồn gốc các vị vua lập quốc.

Ảnh: K14.vn

Hình tượng Naga gắn liền với truyền thuyết về sự khai sinh của đất nước được gọi là Campuchia ngày nay. Theo đó, nhà vua đầu tiên sáng lập Campuchia đã đến nơi này và đem lòng yêu công chúa Naga. Sau khi vượt qua nhiều thử thách, nhà vua cưới được công chúa và họ cùng nhau trị vì vương quốc. Những người Khmer sau này được coi là con cháu của họ.

Tác giả: Yuu

Tin mới trong ngày