Singapore quyết tâm chống nạn tin giả trên internet trước bầu cử
Theo Báo giao thông 01/11/2018 07:30 AM
Ngày 10/1, Quốc hội Singapore bắt đầu thảo luận về Luật Chống nạn tin tức giả trên mạng internet vì đảo quốc sư tử đã cảm nhận được hậu quả nguy hiểm của vấn nạn này.

Chiến dịch chống tin giả có thể liên quan trực tiếp đến các hoạt động hợp tác với các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến để theo dõi và gỡ bỏ các tin giả khi cần, cũng như có các động thái pháp lý với thủ phạm phao tin giả.

Dự luật gồm những gì?

Theo báo Today, trong văn kiện có tên Green Paper (tài liệu nội dung dự thảo sơ bộ ban hành trước thảo luận về Luật Chống tin tức giả lan truyền trên internet) được công bố vào thứ sáu vừa qua (ngày 5/1), Bộ Pháp luật, Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore cho biết, nạn tin giả trên internet là một thách thức thực sự nghiêm trọng.

Theo đó, vấn đề này phải được xem xét ngay bây giờ, chứ không phải sau này. Các cơ quan an ninh của đảo quốc cho rằng, Singapore là một “mục tiêu hấp dẫn cho việc lan truyền thông tin giả trực tuyến”.

Bộ trưởng Pháp luật Singapore K Shanmugam. Ảnh: Today

Tài liệu dự thảo Green Paper phác họa sự lan truyền của những tin tức sai trái về các nhà hoạt động Nhà nước và phi Nhà nước đã ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử, gây ra sự lo ngại của công chúng, hay xúi giục chia rẽ trên toàn thế giới.

Dự luật nếu được thông qua, sẽ cung cấp cho các nhà chức trách Singapore nhiều công cụ hiệu quả hơn để tiến hành các cuộc điều tra hoặc giải quyết nạn tin giả trực tuyến.

Theo Green Paper, các bộ, ngành lập pháp của Singapore cảnh báo rằng, nước này không nên chờ đợi khi xảy ra chuyện mới lo tính việc mà phải học hỏi kinh nghiệm của các nước khác về những rủi ro và biện pháp đối phó.

Nghiên cứu nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài, các cơ quan lập pháp Singapore đã xác định, những tin giả thường nhắm đến các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý. Các chuyên gia Singapore lấy ví dụ về cuộc bầu cử ở Mỹ.

Các tin gây nhiễu lan truyền trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 dường như được sắp đặt để giảm số phiếu bầu cho bà Hillary Clinton. Ngoài ra, một số trường hợp tương tự được ghi nhận trong các cuộc tổng tuyển cử ở Anh, Pháp, Đức và Indonesia năm ngoái.

Thủ phạm của những tin giả có thể là các nhà hoạt động nước ngoài muốn tạo các kết quả theo ý định của họ trong các cuộc thăm dò, bầu chọn những vị trí lãnh đạo quan trọng cũng như các cá nhân và tổ chức tư nhân tung các tin giả vì mục đích trục lợi tài chính.

Thành lập Ủy ban đặc biệt

Trong buổi họp của Quốc hội, Bộ trưởng Pháp luật Singapore K Shanmugam đề nghị thành lập một Ủy ban đặc biệt gồm 10 thành viên để nghiên cứu cách thức chống lại những đối tượng truyền bá thông tin sai lệch một cách cố ý có hiệu quả nhất, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý mà Singapore đang chuẩn bị tổ chức.

Ông Shanmugam cho biết: “Có một vài nhân tố nước ngoài mong muốn làm mất ổn định ở Singapore. Chúng tôi đảm bảo an ninh quốc gia sẽ không bị tổn hại”.

Chính phủ Singapore cho rằng tin tức giả mạo đã tạo ra những thách thức thực sự nghiêm trọng. Ảnh: ZDnet

Tài liệu dự thảo Green Paper dẫn chứng sự kiện trục xuất một giáo sư có tên Huang Jing vào tháng 8/2017.

Chính phủ Singapore cho rằng, ông Huang đã sử dụng vị trí của mình tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu để cố ý và âm thầm thúc đẩy chương trình nghị sự của một nước khác bằng kinh phí của Singapore.

Một trường hợp khác, vào năm 2016, trang web The Real Singapore đã bị đóng cửa và các biên tập viên làm chủ của trang này đã bị bắt giam vì đăng tải nội dung xúi giục sự thù địch giữa người Singapore và người nước ngoài.

Nếu Hạ viện ủng hộ đề nghị này của Bộ trưởng Pháp luật, Ủy ban đặc biệt sẽ do Phó chủ tịch Quốc hội Charles Chong làm Chủ tịch.

Cơ quan này sẽ có quyền xem xét các thực thể và cá nhân tham gia vào các hoạt động tung tin giả, điều tra động cơ của họ, dự báo và xử lý những hậu quả của việc lan truyền những tin giả trực tuyến ở Singapore.

Ủy ban đặc biệt cũng có thể tổ chức các buổi điều trần công khai hoặc kín và đôi khi được ủy quyền để gọi nhân chứng hoặc yêu cầu cung cấp các tài liệu cần thiết.

Đồng thời, Quốc hội Singapore sẽ giới thiệu dự luật về nạn chống tin giả trực tuyến cho ủy ban này thẩm tra sau phiên họp thông qua dự thảo.

Ủy ban này sẽ trình bày báo cáo thảo luận, bao gồm cả các đề xuất thay dự thảo luật (nếu có), trước khi dự luật được thông qua chi tiết và chính thức trước Quốc hội.

Tác giả: Theo Báo giao thông

Tin mới trong ngày