Áo dài cách tân – Đột phá hay phi truyền thống?
Thảo Nguyên 06/05/2017 12:30 PM
Mùa Tết 2017, ở Việt Nam rộ lên trào lưu mặc áo dài cách tân – áo dài với phần tà ngắn hơn áo dài truyền thống, không mặc với quần mà thay bằng chân váy. Đã có rất nhiều ý kiến về sự cách tân này. Áo dài cách tân – Đột phá hay phi truyền thống?

“Như mắm tôm pha với ca cao”

Đó là lời nhận xét khá gay gắt của một bộ phận người Việt Nam đối với cách mặc áo dài với váy đụp. Họ cho rằng áo dài dù có thay đổi thiết kế như thế nào, từ tà áo, đường may đến họa tiết, thì cũng phải mặc cùng chiếc quần lụa tha thướt quen thuộc. Người đồng tình với nhận xét ấy, người lại cho rằng nó quá nặng nề, gay gắt.

Là áo dài nhưng không hẳn là áo dài! Vì sự kết hợp giữa áo rộng, tà ngắn cùng với váy.
Ảnh: news.zing.vn

Cũng giống như "mắm tôm", thứ đồ chấm "Người thì xua đuổi, kẻ lại thèm thuồng". Khi trào lưu áo dài cách tân rộ lên, nhiều chị em phụ nữ không ngần ngại chịu chi để diện những bộ áo váy lộng lẫy nhưng không ít người mỉa mai, chê bai sự sáng tạo này.

Áo dài cách tân vẫn giữ được nét đẹp đơn giản, tinh tế.
Ảnh: Hoa học trò.

Thực ra, trước trào lưu mặc áo dài cùng chân váy, cũng đã có rất nhiều mẫu áo dài cách tân ra đời. Có loại áo dài với phần tay cộc thay vì tay dài như cũ, có loại thay cổ truyền thống bằng cổ tròn, có loại đổi vị trí hàng cúc chéo. Các thiết kế ấy hầu như đều nhận được sự đón nhận. Người ta chỉ lên tiếng phản đối bởi hai chữ “kết hợp” mà thôi. Vài năm trước, khi chị em phụ nữ rủ nhau mặc áo dài với quần bò hoặc quần skinny bó sát thay cho quần lụa, người người nhà nhà cũng cật lực phản đối hệt như chuyện áo dài váy đụp của năm 2017 vậy.  

Trước chân váy, áo dài từng có "trải nghiệm" với quần skinny.
Ảnh: Báo Mới.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta chấp nhận cách tân ở thiết kế, mà lại không chấp nhận cách tân trong việc kết hợp? Ai cũng biết “cách tân” nghĩa là đổi mới. Mà đã là cái mới, cái sáng tạo, thì không hề có giới hạn ở bất cứ khía cạnh nào. Chúng ta có thể rất trân trọng lối hành văn biền ngẫu hay các kiểu cách, quy luật thơ văn của người xưa, nhưng chúng ta không thể đem những điều ấy áp dụng vào nền văn học hiện đại mà không có sự đổi mới. Chúng ta có thể rất nâng niu nếp sống nông thôn thân thương giàu tình cảm, nhưng chúng ta không thể cứ giữ mãi nếp sống ấy khi mà đất nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chuyện cách tân chiếc áo dài truyền thống cũng tương tự như vậy.

Hoa hậu Đặng Thu Thảo trong trang phục áo dài "chưa hẳn được gọi tên" này.
Ảnh: Facebook Đặng Thu Thảo.

Chưa kể, chiếc áo dài truyền thống của chúng ta xưa kia rất có thể cũng từng là một sự “cách tân” thành công. Đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng ống tay raglan – một nét riêng biệt trong áo dài truyền thống – chịu ảnh hưởng từ phương Tây và chỉ được ưa chuộng từ thập niên 60 của thế kỉ XX trở đi. Hay chi tiết chiết eo của tà áo dài, ngày xưa chỉ người phụ nữ nào rất bạo dạn mới dám mặc áo dài kiểu ấy. Bởi thế, theo thời gian, rồi sẽ có một ngày áo dài cách tân trở thành một loại trang phục rất bình thường, quen thuộc. Không nên quy kết loại trang phục này là “phỉ báng”, “xúc phạm” như một số người nặng lời.

Ống tay raglan – một nét riêng biệt trong áo dài truyền thống và chịu ảnh hưởng từ phương Tây.
Ảnh: Facebook Ha Ta

Khi nào thì cách tân được coi là thành công?

Rất khó để kết luận rằng áo dài mặc với chân váy có phải là một sự cách tân thành công không, bởi lẽ không có một tiêu chuẩn xác định nào về vấn đề này. Nhưng ít nhất, đã có một số điều áo dài cách tân làm được mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy.

Không thể phủ nhận sự thoải mái khi mặc bộ áo dài cách tân này!
Ảnh: Facebook Ha Ta

Trước hết là đẹp. Có thể cách mặc áo dài với chân váy khiến nhiều người không hài lòng, nhưng cũng có chẳng ít người khen đẹp. Có thể nhiều người thấy rằng áo dài và váy đụp “lạc quẻ”, nhưng lại có nhiều người khác bảo rằng cũng duyên, cũng đằm thắm, cũng tôn dáng người con gái không kém áo dài truyền thống. Áo dài tà ngắn và chân váy trông không hề rườm rà, trái lại vẫn giữ được sự đơn giản, hơn nữa chẳng có chi tiết nào hở hang, đi ngược thuần phong mĩ tục. Vậy cớ gì lại không thể mặc áo dài với chân váy? Dĩ nhiên ai cũng có con mắt riêng, cách đánh giá riêng nên nhiều người sẽ thấy không đẹp, nhưng chỉ nguyên việc trở thành một trào lưu rộng rãi, được rất nhiều cô gái ưa chuộng đã là một thành công của áo dài cách tân rồi.

Có thể nhiều người thấy rằng áo dài và váy đụp “lạc quẻ”, nhưng lại có nhiều người khác bảo rằng cũng duyên, cũng đằm thắm.
Ảnh: Facebook Ha Ta

Thứ hai là tiện lợi, có tính ứng dụng cao. Các cô gái từng mặc áo dài trắng như một kiểu đồng phục suốt thời trung học hẳn sẽ hiểu rõ điều này hơn ai hết: áo dài truyền thống đẹp, duyên dáng, nhưng đôi khi bất tiện vì tà áo và gấu quần quá dài, hơn nữa mùa hè lại bí bách. Thường chúng ta chỉ mặc áo dài khi tham gia những sự kiện trọng đại, chứ ít ai diện áo dài ra đường, đi học, đi làm, đi chơi. Nhưng với thiết kế mới, phụ nữ hoàn toàn có thể diện áo dài mọi lúc, mọi nơi mà vẫn đảm bảo sự thoải mái. Vậy nên áo dài cách tân mới được nhiều người ưa chuộng đến thế. Chúng ta cách tân là để ứng dụng vào cuộc sống cơ mà!

Sức hút của áo dài kết hợp với váy chính là có thể diện mọi lúc, mọi nơi.
Ảnh: Facebook Ha Ta

Mở lòng với sự thay đổi

Nhìn sang các nước láng giềng, dễ thấy việc cách tân trang phục truyền thống diễn ra như một điều tất yếu, và hầu hết các thiết kế cách tân đều rất bắt mắt, được lòng người dân. Nhật Bản có thể coi là ví dụ tiêu biểu nhất, xét về mức độ sáng tạo thì có lẽ không một đất nước nào vượt qua được xứ sở hoa anh đào. Ở Nhật, kimono truyền thống được sáng tạo theo rất nhiều cách, từ thay đổi chiều dài, chiều rộng của ống tay áo đến thêm thắt chi tiết, cài nút trang trí vào phần cổ áo hay obi (thắt lưng), thậm chí là kết hợp kimono với những phụ kiện hiện đại như... mũ phớt, kính râm, găng tay. Yukata là một dạng kimono tối giản, giảm bớt số lớp vải và thay đổi chất vải để hợp với thời tiết mùa hè nóng nực. Trước đây yukata cũng từng là một điều mới mẻ, tuy nhiên hiện giờ loại trang phục này được sử dụng rất phổ biến tại Nhật.

Sự kết hợp độc đáo đến từ các fashionista Nhật Bản.
Ảnh: Tokyo Fashion.

Không những vậy, những năm gần đây, còn có một loại trang phục mang tên “waloli” nổi lên như một hiện tượng ở nước Nhật và lan sang cả các nước khác. Waloli là sự kết hợp giữa trang phục truyền thống của xứ mặt trời mọc với một xu hướng thời trang du nhập từ phương Tây mang tên Gothic Lolita. Waloli thường có phần trên giữ nguyên như áo kimono với cổ áo truyền thống, ống tay dài đi kèm với thắt lưng và nơ to bản, tuy nhiên phần dưới lại là váy xòe nhiều tầng theo phong cách lolita cùng quần tất và giày da.

Waloli - một dòng trang phục kết hợp độc đáo.
Ảnh: Daily Lolita.

Ở Hàn Quốc hiện nay, việc mặc hanbok cách tân trong đời sống thường ngày cũng được rất nhiều người cả nam lẫn nữ ưa chuộng. Chiếc áo hanbok có thể kết hợp với nhiều loại chân váy phong phú, hoặc váy hanbok lại mặc cùng áo sơ mi, áo kiểu...

Hanbok cách điệu với áo tay cộc và váy mỏng.
Ảnh: Eunbi8978 Wordpress.

Sự thực là đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận một cách thoải mái hơn về áo dài cách tân. Trên thực tế, ngoài những người không ủng hộ, vẫn còn rất nhiều người chấp nhận, thậm chí yêu thích sự cách tân này. Cuộc sống không ngừng vận động, vì vậy hãy coi thay đổi là một hệ quả tất yếu, và hãy tiếp nhận nó với một thái độ tích cực nếu như nó hoàn toàn không hề xấu xa. Hãy tin rằng dù cho có bao nhiêu sự cách tân xuất hiện, tà áo dài truyền thống vẫn sẽ giữ được một vị trí nhất định trong xã hội Việt Nam.

Author: Thảo Nguyên

News day