“Tôi sụp đổ cả về tinh thần lẫn thể chất”, Craig Laundy, nghị sĩ đảng Tự do ủng hộ Malcolm Turnbull nói trên đài 2GB của Sydney sau khi ông Turnbull mất chức thủ tướng Australia ngày 24/8.
“Ông ấy (Turnbull) cũng suy sụp như bất kỳ ai trong hoàn cảnh này, nhưng trong lúc đối diện với khủng hoảng, ông luôn giữ bình tĩnh. Tôi nhớ ông ấy chỉ quay sang hỏi tôi rằng: ‘Họ mất trí rồi phải không?’”, Laundy kể.
Australia vừa có thủ tướng thứ 6 trong vòng 10 năm sau cuộc “đảo chính” nội bộ do cựu bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, phe bảo thủ đảng Tự do cầm quyền, khởi xướng. Qua một đêm, người dân Australia có vị thủ tướng thứ 30, Scott Morrison.
Sự phản đối của phe bảo thủ trong đảng Tự do cầm quyền đối với chính sách ôn hòa của ông Turnbull, người vừa mất chức thủ tướng, đã gây ra một tuần xáo trộn cho nền chính trị Australia.
Vị trí của ông Turnbull bị thách thức sau cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng cầm quyền ngày 21/8. Tuy chiến thắng với số phiếu 48-35 trước Dutton, cuộc khủng hoảng của ông Turnbull lúc này mới thực sự bắt đầu.
Dutton cùng nhiều bộ trưởng, quan chức cấp cao trong nội các đồng loạt đệ đơn từ chức. Bộ trưởng Tài chính Mathias Cormann thân cận thủ tướng Turnbull cũng đột ngột quay lưng, tuyên bố không còn ủng hộ ông. Ngày 23/8, cựu bộ trưởng Nội vụ Dutton “phản công”, thách thức ông Turnbull để trở thành lãnh đạo đảng cầm quyền.
"Tôi đã nói chuyện với Malcolm Turnbull để khuyên ông ấy rằng tôi tin đa số thành viên trong đảng không còn ủng hộ sự lãnh đạo của ông. Vì vậy, tôi yêu cầu ông ấy triệu tập cuộc họp đảng để tôi có thể thách thức ông ấy ở vị trí lãnh đạo đảng Tự do tại Quốc hội”, Dutton đăng trên Twitter.
13h cùng ngày, Turnbull tuyên bố sẽ rời chính trường nếu thua trong lần đối đầu thứ 2 với Dutton. Và, chỉ một ngày sau, điều này trở thành sự thật. Thủ tướng Turnbull mất vị trí lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền cùng vị trí lãnh đạo đất nước khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Sau đó, ba ứng viên cạnh tranh vị trí lãnh đạo gồm cựu bộ trưởng Nội vụ Dutton, Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison.
Tuy nhiên, thủ tướng mới của Australia bất ngờ không phải Dutton, người trực tiếp thách thức cựu thủ tướng Turnbull, mà là Bộ trưởng Morrison, ứng viên xếp cuối cùng trong cuộc thăm dò dân ý hôm 22/8 với 8,6% người ủng hộ.
Cuối ngày thảm họa của ông Turnbull, tờ Guardian viết: “Đây chỉ là một ngày bình thường của chính trị Australia. Thủ tướng đương nhiệm bị lật đổ bởi chính đảng của mình”.
"Đảo chính” trong nội bộ đảng không phải điều hiếm gặp ở Australia. Bản thân ông Turnbull, giữ chức Bộ trưởng Truyền thông năm 2015, trở thành thủ tướng sau khi lật đổ người tiền nhiệm Tony Abbott với số phiếu 54-44.
Tuy nhiên, câu chuyện về các thủ tướng đột ngột “mất ghế” đã bắt đầu từ năm 2007 khi John Howard thuộc đảng Tự do, thủ tướng nắm quyền lâu thứ 2 tại Australia, thất bại dưới tay Kevin Rudd, đảng Lao động.
Năm 2010, Thủ tướng Rudd lại bị chính cấp dưới Julia Gillard lật đổ. Sau đó 3 năm, ông Rudd quay trở lại vị trí thủ tướng sau khi mức tín nhiệm của bà Gillard sụt giảm nặng nề. Tuy nhiên, ông chỉ nắm quyền được trong 3 tháng trước khi đảng Lao động mất ưu thế tại quốc hội vào tay đảng Tự do. Tháng 11/2013, Rudd buộc phải rời chính trường trong sự chỉ trích của nhiều nghị sĩ.
Việc thách thức vị trí lãnh đạo thường diễn ra theo cách thức cụ thể. Khi có bất mãn trong nội bộ, lãnh đạo đảng buộc phải triệu tập cuộc họp toàn đảng. Đối với đảng Tự do cầm quyền, một bản kiến nghị với chữ ký của 43/85 nghị sĩ là đủ để triệu tập cuộc họp. Tất cả các nghị sĩ bắt buộc có mặt và có thể bầu, ứng cử vị trí lãnh đạo. Ứng cử viên nào nhận được hơn 50% số phiếu sẽ trở thành lãnh đạo mới của đảng.
Tuy nhiên, hậu quả của quy định này là “nội chiến” nghiêm trọng trong đảng và 10 năm qua, không có bất kỳ thủ tướng Australia nào hoàn thành nhiệm kỳ 3 năm.
Sau khi Turnbull mất chức, nghị sĩ Craig Laundy nói với ABC Newsrằng cần có thay đổi để tránh những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai. “Đáng buồn là chúng ta đang phải chứng kiến nền chính trị hiện đại đổ vỡ. Nó cần được sửa chữa”, Laundy nhận xét.
Trong lúc đó, nghị sĩ đảng Quốc gia Mark Coulton kêu gọi chấm dứt tình trạng hỗn loạn lãnh đạo để tập trung vào nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, ví dụ như hạn hán tại New South Wales.
“Nếu chúng ta không ngừng vòng luẩn quẩn này, chỉ có chúa mới giúp được tương lai của chúng ta”, Coulton nói.
Lãnh đạo đảng Lao động Bill Shorten lên án “chiến dịch thô bạo lật đổ lãnh đạo đảng Tự do theo cách thức lạnh lùng, vô cảm nhất có thể”.
Shorten tố đảng Tự do không đối xử với ông Turnbull theo cách một thủ tướng xứng đáng được đối xử, đồng thời cho rằng Canberra đang thiếu sự lãnh đạo. Ông cũng cảnh báo chính phủ sẽ tiếp tục bị chia rẽ nặng nề không lối thoát.
“Thay đổi lãnh đạo không đồng nghĩa với việc thay đổi được sự chia rẽ trong đảng Tự do”, SBS dẫn lời Shorten.
Bình luận của ông Shorten được đưa ra trước khi kết quả bỏ phiếu công bố chiến thắng nghiêng về Morrison. Morrison làm việc trong chính quyền Turnbull ở vị trí Bộ trưởng Ngân khố. Trước đó, ông giữ chức Bộ trưởng Nhập cư, đứng đằng sau nhiều chính sách cứng rắn thắt chặt tiếp nhận người tị nạn gây tranh cãi của Australia.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử, ông Morrison cam kết hướng tới đoàn kết trong nội bộ đảng Tự do đang chia rẽ nghiêm trọng.
“Đảng của chúng ta đã bị chia rẽ, tổn thương trong tuần qua. Công việc của chúng ta sắp tới là đảm bảo rằng không chỉ hàn gắn đảng mà còn đưa toàn quốc hội thành một khối gắn bó”, ông nói.
Ngoài ra, theo Tân thủ tướng Morrison, chính phủ dự định sẽ giải quyết các ưu tiên quan trọng để đảm bảo “an ninh kinh tế và an ninh quốc gia”.
Tuy nhiên, với quy định bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng chưa có dấu hiệu thay đổi, câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là liệu ông Morrison có thể giữ chức thủ tướng Australia được bao lâu trước khi rơi vào tình cảnh "mất ghế" không được báo trước như những người tiền nhiệm?
Libya thời hậu chiến: Hối hận của những người từng…
Tin cộng đồng: Biểu tình tại Đài Loan vụ nam…
Cảnh báo: “Blue Whale Challenge” - trò chơi điện tử…
Nam Hàn: Nhân viên đài truyền hình quốc gia MBC…
13 người mất tích trong hang động ở Thái Lan
Thụy Điển: Biểu tình của những người ủng hộ chủ…
Hàn Quốc khánh thành tượng xin lỗi Việt Nam tại…
Anh: Rác thải nhựa chất đống sau lệnh cấm nhập…
Trung Quốc sơ tán dân chuẩn bị đón siêu bão…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX