11 quốc gia có hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới
CTV Anh Trần (dịch) 06/02/2018 12:30 PM
Qua các dữ liệu được thống kê bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - viết tắt là WEF), điều đáng ngạc nhiên ở đây là cả Anh và Mĩ đều không được xếp vào danh sách 11 quốc gia có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới.

11. Nhật Bản

Ảnh: independent.co.uk

Nhật Bản là một trong những quốc gia đứng đầu về trình độ học vấn, khoa học và toán học trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Học sinh tại đây sẽ phải hoàn thành sáu năm học ở bậc Tiểu học, ba năm ở bậc Trung học Cơ sở và ba năm ở bậc Trung học Phổ thông trước khi bước vào môi trường Đại học. Tại Nhật Bản, việc học Trung học thì không bắt buộc. Tuy nhiên, số lượng học sinh tuyển vào lại lên đến 98%.

10. Barbados

Ảnh: abovebarbados.com

Chính phủ Barbados luôn luôn đầu tư rất mạnh tay vào giáo dục. Kết quả là tỷ lệ người có trình độ học vấn tại đây đạt đến 98% - tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Bậc Tiểu học áp dụng cho độ tuổi từ 4 đến 11 tuổi và bậc Trung học áp dụng cho độ tuổi từ 11 đến 18 tuổi. Phần lớn, các trường học ở hai bậc này đều thuộc sở hữu của chính phủ.

9. New Zealand

Ảnh: leisuretours.co.nz

Bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở tại New Zealand áp dụng cho độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi. Trong đó, độ tuổi bắt buộc là từ 6 đến 16 tuổi. Tại đây, có ba kiểu trường Trung học Cơ sở: trường học thuộc chính phủ với số lượng học sinh chiếm 85%, trường tích hợp - trường tư có liên kết với chính phủ nhưng vẫn giữ được những đặc quyền riêng, số lượng học sinh tại đây chiếm 12% và cuối cùng là hệ thống trường tư với số lượng học sinh chiếm 3%.

8. Estonia

Ảnh: visitestonia.com

Theo thống kê năm 2015, Estonia đã chi khoảng 4% GDP cho việc giáo dục. Đạo luật Giáo dục năm 1992 của nước này đã chỉ ra được rằng mục tiêu của giáo dục chính là: “Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cá nhân, gia đình và cho cả nước Estonian. Thúc đẩy sự phát triển của các dân tộc thiểu số, kinh tế, chính trị, đời sống văn hóa tại đây và bảo tồn thiên nhiên trong bối cảnh kinh tế và văn hóa toàn cầu. Truyền đạt những giá trị về quyền công dân. Cuối cùng là thiết lập nên các điều kiện tiên quyết nhằm tạo nên truyền thống học tập suốt đời trên toàn quốc”.

7. Ireland

Ảnh: migration.vn

Phần lớn các trường Trung học Cơ sở ở Ireland đều thuộc sở hữu và quản lý bởi tư nhân ngoại trừ nguồn tài chính đến từ chính phủ. Bên cạnh đó cũng có các trường công và trường dạy nghề. Tuy nhiên, báo cáo gần đây cho thấy rằng chi phí đầu tư cho giáo dục tại Ireland đã giảm 15%, đứng sau các nước phát triển trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính từ năm 2008 đến năm 2013. Vì vậy mà hệ thống giáo dục của đất nước này có thể sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai.

6. Qatar

Ảnh: qatarliving.com

Theo báo cáo của BBC năm 2012 thì vương quốc dầu mỏ Qatar đã trở thành “một trong những quốc gia dẫn đầu về sự đổi mới trong giáo dục. Cùng với đó là sự hỗ trợ về một loạt những dự án từ nền tảng kiến thức cơ bản cho đến các nghiên cứu cao cấp”. Qatar đang đầu tư mạnh vào việc phát triển các tiêu chuẩn trong giáo dục như một phần nằm trong chương trình Vision 2030 nhằm tạo nên sự hoàn thiện hơn cho đất nước. Các trường học được chính phủ tài trợ đều nhận được sự hỗ trợ giáo dục miễn phí đối với công dân Qatar và công dân nước ngoài có xu hướng cho con học tại các trường tư.

5. Hà Lan

Ảnh: adventeducation.com

Theo một nghiên cứu của Unicef vào năm 2013 thì học sinh tại Hà Lan được nhận thấy là những người vui vẻ nhất trên thế giới. Hà Lan là một đất nước dẫn đầu về giáo dục toàn cầu so với các nước khác. Thông thường, trường học tại đây không giao quá nhiều bài tập về nhà cho học sinh từ khi bắt đầu cho đến bậc Trung học Cơ sở. Chính vì thế mà học sinh ở đất nước này không phải chịu quá nhiều áp lực hay căng thẳng đến từ việc học. Trường học được phân chia giữa các trường đáng tin cậy và các trường “trung lập”. Cùng với đó là một số ít các trường tư.

4. Singapore

Ảnh: theflightfinder.com

Singapore luôn đạt được thành tích cao một cách đáng kinh ngạc trong hầu hết các bài kiểm tra của PISA - Programme for International Student Assessment (Chương trình đánh giá năng lực của sinh viên quốc tế). Mục đích của chương trình này chính là phân loại và so sánh năng lực của sinh viên ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục tại đây còn nổi tiếng với những áp lực học tập dành cho học sinh ngay từ khi còn rất sớm.

2. Bỉ

Ảnh: fullsuitcase.com

Tại Bỉ, có bốn kiểu trường Trung học bao gồm: trường tổng hợp, trường công nghệ, trường học nghề và viện giáo dục về mảng nghệ thuật. Hội đồng Fulbright tại Mĩ – nơi tổ chức các chương trình trao đổi học sinh với Bỉ và Luxembourg cho biết rằng: “Giáo dục luôn nhận được ưu tiên cao và sự hỗ trợ lớn nhất hằng năm từ ngân sách của chính phủ. Hệ thống giáo dục toàn diện của cả trường công và trường tư phù hợp với mọi học sinh trong độ tuổi từ 4 đến 18 tuổi. Chi phí gần như rất thấp hoặc không có”.

2. Thụy Sỹ

Ảnh: adventureinyou.com

Chỉ có 5% học sinh học tại các trường tư ở Thụy Sỹ. Các bài học được giảng dạy bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau phụ thuộc vào khu vực mà trong đó tiếng Đức, tiếng Pháp với tiếng Ý là ngôn ngữ được sử dụng để giảng dạy phổ biến nhất. Từ bậc trung học trở lên, học sinh sẽ được phân loại theo khả năng.

1. Phần Lan

Ảnh: financialtribune.com

Phần Lan là một đất nước luôn dẫn đầu bảng xếp hạng về hệ thống giáo dục toàn cầu. Đồng thời Phần Lan còn nổi tiếng là nơi không có bất kì sự phân loại nào dành cho học sinh bất kể sự chênh lệch về khả năng. Tất cả đều được giảng dạy giống nhau. Kết quả là mức độ chênh lệch giữa học sinh giỏi nhất và yếu nhất tại đây được xếp vào loại thấp nhất trên thế giới. Thêm vào đó, bài tập về nhà cũng rất ít và học sinh chỉ phải thực hiện một bài kiểm tra bắt buộc ở độ tuổi 16.

 

Author: CTV Anh Trần (dịch)

News day