5 thói quen giúp tăng khả năng ghi nhớ
CTV Nguyễn Thị Hồng Giang 07/19/2018 12:00 PM
Có những thói quen nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng vô tình bị bạn bỏ qua hoặc hờ hững lại là những thói quen giúp cho bạn tăng khả năng ghi nhớ một cách hiệu quả đấy. Cùng Vinacircle điểm qua những thói quen giúp cải thiện trí nhớ nhanh chóng nhé!

1. Đọc sách

Đọc sách là một trong những thói quen được khuyến khích trong việc giúp bạn ghi nhớ tốt hơn.

Việc đọc sách đem lại nhiều lợi ích, giúp cho tinh thần của bạn được thoải mái, thư giãn thay vì suốt ngày cầm chiếc smartphone trên tay, đồng thời đọc sách cũng giúp bạn mở mang tầm hiểu biết của bản thân. Mỗi cuốn sách bạn đọc, là những cuốn sách khác nhau, cách diễn đạt khác, nội dung khác, cách tiếp cận khác, từ đó bạn sẽ có thêm cho mình những vốn sống mới, những bài học mới, những tri thức mới và hiểu biết mới.

Ảnh: Pinterest

Sách có nhiều dạng, từ sách khoa học, viễn tưởng cho đến sách truyện, báo, tạp chí, tùy theo sở thích của mỗi người mà bạn có thể lựa chọn loại sách cho chính mình.

Các nhà khoa học đã chứng mình việc đọc sách giúp kích thích não bộ, có thể ngăn chặn căn bệnh Alzheimer và bệnh mất trí nhớ, giữ cho bộ não của bạn hoạt động tối ưu, hạn chế bị mất năng lượng. Giống như bất kỳ các cơ quan khác trong cơ thể, não bộ cũng cần phải được tập thể dục để luôn mạnh khoẻ, và đọc sách có lẽ là một trong những phương pháp tốt nhất!

2. Thiền

Thiền ngày nay đã không còn là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người. Bước ra ngoài khuôn khổ của sự tu hành, thiền giờ đây được đông đảo mọi người đón nhận và thực tập như một phương pháp để giải tỏa căng thẳng, tìm lại sự bình yên, cải thiện trí nhớ của mỗi người. 

Ảnh: Pinterest

Việc bạn dành ra thời gian mỗi ngày, không quan trọng là bao nhiêu thời gian để thiền tạo cho bạn thói quen cẩn thận hơn và khả năng tập trung thị giác cao hơn. Thiền cơ bản rất ít động tác, tuy nhiên trong trạng thái bất động bạn hoàn toàn có thể làm chủ được chính mình: kiểm soát ý nghĩ, hơi thở, nhịp tim,… điều này giúp thay đổi các hoạt động điện từ của não, giúp bạn tập trung được lâu hơn, cải thiện trí nhớ, giúp trí óc nhạy bén hơn. Ngồi thiền đồng nghĩa với việc bạn phải quên đi những suy nghĩ hỗn loạn, vọng tưởng trong đầu bạn, giữ cho tâm trí tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm, dồn toàn tâm, toàn trí vào một việc. 

Trong Thiền định, Patriji nói rằng: "Linh hồn sẽ vượt ra khỏi cái kén của sự ngu dốt tâm linh. Thiền càng nhiều sẽ mang lại những trải nghiệm và sự thấu hiểu về sự thật to lớn của Vũ trụ. Đó chính là giác ngộ".

3. Sắp xếp đồ đạc

Đây là một trong những công việc từng bị coi là thừa thãi và vô bổ nhất, tuy nhiên, những lợi ích giúp tăng khả năng ghi nhớ mà công việc này mang lại sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại.

Ảnh: Pinterest

Khi thực hiện công việc này, chắc chắn bộ não của bạn sẽ phải hoạt động và đưa ra những phương án thích hợp nhất, trong quá trình đó, bắt buộc bạn sẽ phải ghi nhớ. Thói quen này nếu được thực hiện thường xuyên và ngay từ nhỏ sẽ mang lại hiệu quả cao.

4. Ngủ đủ giấc

Một giấc ngủ đủ là giấc ngủ được cho là không nhiều, không ít, với nữ giới thì giấc ngủ đó phải kéo dài 7 tiếng, nam giới là 7,5 tiếng.

Não bộ của bạn sau một ngày làm việc căng thẳng cần được tiếp thêm năng lượng vào buổi tối. Giấc ngủ sẽ giúp cho ngày mới của bạn tự tin hơn, đồng thời não bộ cũng tỉnh táo hơn và tạo ra những noron thần kinh mới giúp bạn tiếp thu và sử dụng thông tin một cách hiệu quả.

Não vẫn làm việc cả trong những lúc chúng ta ngủ. Thời gian đó, não vẫn tạo được các liên kết và chắp nối các sự kiện diễn ra trong ngày, thậm chí cả quá khứ. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Chicago (Mỹ) chỉ ra rằng: Không có cách nào cải thiện trí nhớ tốt nhất bằng ngủ đủ giấc vào ban đêm. Theo nghiên cứu này, giấc ngủ có ít nhất hai tác động riêng biệt đối với khả năng học hỏi và tư duy. Đồng thời nó củng cố, bảo vệ và khôi phục trí nhớ khỏi bị nhiễu loạn thông tin sau những suy sụp về tinh thần.

Ảnh: Pinterest

Hãy tạo môi trường thuận tiện cho giấc ngủ của bạn từ những việc nhỏ nhặt nhất như đảm bảo phòng ngủ của bạn đủ tối, mát mẻ hoặc ấm áp và yên tĩnh. Có thể có thêm mùi hương nhẹ nhàng, ánh sáng và âm nhạc để bạn được thoải mái và thư giãn hơn.

5. Ăn uống khoa học

Khoa học đã chứng minh việc ăn uống lành mạnh có rất nhiều lợi ích. Thói quen và chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh luôn là lời khuyên mà các chuyên gia nhấn mạnh để giúp bạn có một trí nhớ tốt hơn.

Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn luôn được khỏe mạnh và tràn đầy sức sống từ bên trong, giúp bạn đối phó với mọi nguy cơ bệnh tật một cách hiệu quả. Thật vậy, không khó để bạn có thể áp dụng một chế độ ăn lành mạnh với việc ăn nhiều món để đủ thành phần dinh dưỡng, ăn chậm nhai kỹ mỗi bữa trong 30 phút, thường xuyên ăn rau quả và các loại đậu... Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế ăn muối, dầu mỡ, đường và các đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Hãy lựa chọn ăn thức ăn vừa chín, ăn thực phẩm còn tươi, tránh xa thực phẩm bị ôi, mốc. Đảm bảo một chế độ ăn uống điều độ, đúng giờ và giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái khi ăn.

Ảnh: Pinterest

Để có một trí nhớ tốt hơn không quá khó phải không nào! Bạn hãy thử thay đổi một vài thói quen chưa tốt, chưa khoa học của bản thân để có cho mình một trí tuệ sáng suốt, khỏe mạnh nhé! Chúc các bạn thành công!

Author: CTV Nguyễn Thị Hồng Giang

News day