Anh: Rác thải nhựa chất đống sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 01/07/2018 01:30 PM
Các nước châu Âu, đặc biệt là Anh đang rất đau đầu vì vấn đề rác thải nhựa sau khi Trung Quốc đưa ra những quy định kiểm soát việc nhập khẩu các loại phế liệu.

Trung Quốc là một trong những nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu rác thải để tái chế, bổ sung nguồn cung ứng kim loại và vật liệu bị thiếu hụt trong nước. Thế nhưng, trước những tác hại ngày càng lớn về môi trường và sức khỏe của người dân, Bộ Bảo vệ Môi trường nước này đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với một số loại rác thải. Theo đó từ cuối năm 2017, nước này đã cấm nhập khẩu 24 loại rác thải nước ngoài.

Như vậy, 2/3 của tổng số 500.000 tấn phế liệu nhựa mỗi năm của Anh thay vì được xuất sang Trung Quốc, giờ đang ứ đọng và bước đầu gây ra sự hỗn loạn tại các nhà máy xử lý rác thải của nước này.

Trung Quốc là nước nhập khẩu rác lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi đã dựa vào việc xuất khẩu nhựa tái chế sang Trung Quốc trong 20 năm và bây giờ mọi người không biết điều gì sẽ xảy ra. Nhựa đang được chất thành núi và nếu bạn đi vòng quanh những bãi đó chỉ trong một vài tháng thì tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn", ông Simon Ellin, Tổng Giám đốc của Hiệp hội Tái chế Vương quốc Anh, cho biết và đưa ra lời cảnh báo cần hành động khẩn cấp.

Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp tái chế của Anh thừa nhận rằng họ "không biết" làm thế nào để đối phó với chính sách cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc.

Hồi tháng trước, Michael Gove, Thư ký Bộ Môi trường Vương quốc Anh, đã công bố một kế hoạch "Bốn điểm để xử lý rác thải nhựa" bao gồm cắt giảm tổng lượng nhựa lưu thông, giảm số lượng nhựa khác nhau đang sử dụng và làm cho việc tái chế trở nên dễ dàng hơn. Nhưng khi được hỏi gần đây về ảnh hưởng của lệnh cấm chất thải ở Trung Quốc, ông tỏ ra bối rối: "Tôi không biết nó sẽ ảnh hưởng như thế nào. Một cách trung thực mà nói, tôi chưa thể suy nghĩ hết vấn đề này".

Lệnh cấm được áp dụng như là một phần của một động lực hướng tới sự tự cung tự cấp và để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, đồng nghĩa Anh sẽ phải tăng cường thiêu đốt rác hoặc tăng diện tích các bãi chôn lấp.

Rác thải nhựa đang chất thành nũi tại các nhà máy xử lý rác thải tại Anh. Ảnh: Getty Images

Các công ty xử lý rác thải Anh đang tìm kiếm thị trường khác như Malaysia hoặc Việt Nam, tuy nhiên cũng không thể đáp ứng như Trung Quốc.

Một số chuyên gia tin rằng về lâu dài quyết định của Trung Quốc có thể là một cơ hội để Anh phát triển cơ sở hạ tầng tái chế. Bà Mary Creagh, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Môi trường, đã kêu gọi Chính phủ đầu tư nhiều cơ sở tái chế ở nhà để tái sử dụng các vật liệu có giá trị này, tạo ra các công việc xanh và ngăn ngừa ô nhiễm từ nhựa và giấy.

Author: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

News day