Áp thuế nhập khẩu không phải là giải pháp cho ngành thép Mỹ
Chánh Tài 03/12/2018 10:30 AM
Thế giới đang sản xuất quá nhiều thép, khiến ngành công nghiệp thép của Mỹ rơi vào tình cảnh kinh doanh chật vật trong nhiều năm. Liệu có hợp lý khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra chỉ thị áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu?

Giá thép của Mỹ cao hơn các nước

Câu trả lời cho câu hỏi ở trên được tờ Wall Street Journal đưa ra là tùy thuộc vào liệu các vấn đề của các nhà sản xuất thép Mỹ có nguồn gốc từ trong nước hay do các hành vi cạnh tranh bất công bằng từ nước ngoài.

Trung Quốc từ lâu bị xem là “thủ phạm” chính khiến thị phần của ngành công nghiệp thép bị thu hẹp. Mỹ cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc bán thép sang Mỹ với giá rẻ nhờ có sự giúp sức của nhà nước bằng cách cung cấp các khoản vay ngân hàng giá rẻ và bán điện dưới giá thành.

Song sự hỗ trợ này đang ngày càng giảm bớt vì các ưu tiên chính sách của Trung Quốc đã thay đổi.

Công ty thép US Steel (Mỹ). 
Ảnh: steelguru.com

Và cũng không thể nói rằng các nhà sản xuất thép Trung Quốc khiến các công ty thép Mỹ gặp khó khăn. Biên lợi nhuận hoạt động của mảng kinh doanh của Công ty thép US Steel (Mỹ) ở châu Âu vẫn cao gấp hai lần so với biên lợi nhuận của công ty này ngay tại Mỹ trong năm 2017, dù giá bán thép của US Steel ở châu Âu thấp hơn trung bình 15% so với giá bán ở Mỹ.

Nói chung, giá bán thép của Mỹ đứng vào các hàng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.

Một bất lợi đối với các nhà sản xuất thép Mỹ, vốn phụ thuộc vào các lò cao để nung chảy quặng thành kim loại, chứ không phải sắt phế liệu, là giá quặng sắt của các mỏ khai thác ở Mỹ quá cao. Chi phí quặng sắt để sản xuất một tấn thép ở Mỹ cao hơn 90 đô la so với mức chi phí trung bình ở Brazil, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc, theo các nhà phân tích ở công ty nghiên cứu thị trường Sanford C. Bernstei (Mỹ).

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc và Nhật Bản nhập khẩu rất nhiều quặng sắt giá rẻ từ Úc và Brazil, nơi các tập đoàn khai khoáng khổng lồ như Rio Tinto và Vale đang đẩy mạnh đầu tư vào các mỏ.

Trung Quốc không còn sản xuất thép rẻ

Đúng là trước đây, các công ty thép Trung Quốc được hưởng lợi từ việc vay vốn giá rẻ từ các ngân hàng nhà nước, vấn đề mà các đối thủ nước ngoài kêu ca trong nhiều năm trời. Tuy nhiên, việc tiếp cận các khoản vay như vậy đang khó hơn vì các ngân hàng Trung Quốc ngày càng chú ý đến nhu cầu định giá rủi ro tín dụng ở mức thích hợp.

Mỹ đánh thuế cao với thép nhập khẩu đang gây ra những phản ứng trái chiều từ các bên. Ảnh: vietstock.vn

Ngoài ra, việc muốn cải thiện môi trường không khí vốn đang bị ô nhiễm bằng cách đóng cửa các nhà máy điện than trong thời gian qua cũng ít nhiều đẩy giá điện tăng lên. Tuy không có số liệu cụ thể về chi phí điện của các các công ty thép Trung Quốc nhưng có bằng chứng cho thấy lợi thế giá điện thấp của các công ty thép Trung Quốc đang bị thu hẹp.

Nếu như trước đây, Trung Quốc có những chính sách để đẩy mạnh công nghiệp thép thì nay họ đang làm điều ngược lại. Trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã cho đóng cửa nhiều nhà máy thép, qua đó, đã giúp đẩy giá thép trong nước tăng lên.

Vì thế, theo nhận định của Wall Street Journal, ngành sản xuất Mỹ cuối cùng đã thể hiện sức mạnh thực sự sau nhiều năm tăng trưởng yếu, cũng xứng đáng được bảo vệ.  Áp thuế nhập khẩu đối với thép giúp bảo vệ ngành công nghiệp thép Mỹ nhưng đồng thời gây thiệt hại cho nhiều công ty sản xuất khác (chi phí đầu vào tăng) và người tiêu dùng (giá cả hàng hóa tăng). Do vậy, áp thuế không phải là giải pháp tốt nhất, hay nói cách khác, không phải là cách công bằng nhất để hỗ trợ ngành thép của Mỹ.

Theo: Chánh Tài/Thời Báo Kinh Tế

Author: Chánh Tài

News day