Bánh trung thu: tinh hoa văn hóa Việt và những biến tấu của thời đại mới
Thảo Nguyên (Tổng hợp) 09/29/2017 06:30 PM
Cứ mỗi dịp trung thu hàng năm, nhà nhà người người đều sắm cho mình một cặp bánh nướng bánh dẻo về thắp hương cúng tổ tiên. Chiếc bánh trung thu đã trở thành một nét đẹp đặc trưng của văn hóa Việt Nam, và cho đến hiện nay chiếc bánh này đã có rất nhiều biến tấu thú vị.

Nguồn gốc, xuất xứ

Chiếc bánh trung thu vốn có xuất xứ từ Trung Quốc rồi mới lan truyền sang Việt Nam. Tương truyền cuối thời Nguyên có hai vị lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa, một vị tên Chu Nguyên Chương, vị kia là Lưu Bá Ôn. Hai vị này đã tổ chức nhân dân vùng lên chống lại bè lũ thống trị.

Bánh trung thu có xuất xứ từ Trung Hoa. Ảnh: Trungthu.enjoy.vn.

Để có thể truyền đạt tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, hai vị tướng nghĩ ra cách làm thật nhiều chiếc bánh hình tròn, trong mỗi chiếc bánh đều nhét một tờ giấy ghi rõ thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng tám âm lịch. Những chiếc bánh này được truyền đi khắp nơi, trở thành một phương tiện liên lạc vừa an toàn vừa hiệu quả. Về sau người Trung Quốc hình thành truyền thống làm bánh Trung thu vào ngày rằm tháng tám để kỷ niệm sự kiện ấy.

Ý nghĩa bánh trung thu

Chiếc bánh trung thu chứa đựng một lời chúc đầy ý nghĩa: chúc cho mọi điều trong cuộc sống đều tròn đầy, viên mãn. Ở Việt Nam, có hai loại bánh phổ biến nhất là bánh nướng và bánh dẻo, mỗi loại lại mang thông điệp riêng.

Bánh dẻo nhân đậu xanh. Ảnh: Baomoi.com

Bánh dẻo truyền thống được làm từ bột nếp trắng tinh, hòa với nước đường hoặc nước hoa bưởi, đúc trong khuôn hình tròn, phần nhân thường dùng đậu xanh tán nhuyễn hoặc hạt sen. Hình dáng bánh tựa như vầng trăng rằm tròn trịa, trắng ngà biểu trưng cho sự “đoàn viên gia đình” và nhất là tình yêu vợ chồng khăng khít.

Bánh nướng nhân thập cẩm. Ảnh: Camnangcuocsong.edu.vn.

Bánh nướng có phần vỏ làm bằng bột mì lên men cùng mạch nha, dầu ăn và nước đường, khi nướng lên thì phết thêm lòng đỏ trứng. Nhân thường là trứng muối được bọc trong đậu xanh, khoai môn hay hạt sen tán nhuyễn; ngoài ra còn có nhân thập cẩm gồm dăm bông, thịt lợn, vi yến, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao… Vị mặn của trứng muối được trung hòa bởi vị ngọt của những nguyên liệu khác, hàm ý rằng những đắng cay, khốn khó trong cuộc sống luôn luôn được cân bằng bởi sự ấm áp, yêu thương của gia đình, bè bạn xung quanh ta.

Bánh trung thu ở các quốc gia phương Đông

Bánh trung thu của Trung Quốc không khác mấy so với bánh Việt Nam, vì nguồn gốc loại bánh này vốn dĩ là từ Trung Quốc. Chiếc bánh truyền thống thường có hình tròn, tượng trưng cho sự "đoàn viên". Bánh mang tên "bánh mặt trăng", bề mặt bánh thường in các chữ ngụ ý tốt lành như “Song Hỷ”, “Cát Tường”. Ngày nay, bánh trung thu có nhiều hình dạng hơn, bao gồm cả hình vuông, hình các con giống, và được làm bằng nhiều nguyên liệu mới lạ, thậm chí chia thành nhiều kiểu loại đặc trưng Quảng Đông, Tô Châu hay Bắc Kinh.

Ở Nhật Bản, bánh trung thu thường không bao giờ có nhân trứng muối hay nhân thập cẩm. Loại bánh người Nhật sử dụng cho dịp lễ này được gọi là “Tsukimi Dango”, một loại bánh bột gạo tròn, màu trắng, đôi khi được trang trí thành hình chú thỏ với đôi mắt, đôi tai nhỏ xíu và được xếp chồng lên nhau thành hình tháp tam giác trên một chiếc kệ gỗ.

Bánh Tsukimi Dango của Nhật Bản. Ảnh: Baodulich.net.vn.

Ở Hàn Quốc cũng có hai loại bánh đặc biệt là "Songpyeon”, tức bánh gạo hình bán nguyệt và "Chapssaltteok". Songpyeon và Chapssaltteok được dùng cho ngày Tết Chuseok (tết Trung thu hay lễ Tạ ơn) với cách làm gần giống Tsukimi Dango của Nhật.

Ngoài ra, ở nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Phillipines, bánh trung thu nhân sầu riêng khá được ưa chuộng.

Bánh trung thu hiện nay

Trong thời đại hiện nay, bánh trung thu có vô vàn biến tấu đa dạng, độc đáo. Phổ biến nhất là các loại bánh trung thu nửa truyền thống nửa hiện đại với nhiều hương vị khác nhau. Có thể dễ dàng bắt gặp trên nhiều trang bán bánh handmade các loại bánh trung thu nhân trà xanh, đậu đỏ, khoai môn, sữa dừa, ca cao, mè đen, thậm chí... nhân mặn như gà quay, xá xíu. Không chỉ biến tấu ở nhân, ngay cả phần vỏ cũng dễ dàng được các thợ làm bánh thay đổi hương vị, tạo nên các loại bánh có vỏ hương trà xanh, hương cacao...

Bánh trung thu nhiều hương vị. Ảnh: Facebook Ngọc Anh.

Bánh trung thu thạch rau câu cũng là một sự sáng tạo khá hay ho của các thợ làm bánh. Bánh có phần vỏ là thạch rau câu đủ hương vị kết hợp với nhân bánh trung thu truyền thống như đậu xanh hay hạt sen. Loại bánh này dễ ăn, không bị ngán như bánh truyền thống.

Bánh trung thu rau câu. Ảnh: News.zing.vn.

Thú vị hơn, có cả loại bánh trung thu in hình nổi trên bề mặt, thường là hình các loại hoa hoặc con vật nhỏ, đẹp như tranh 3D. Bên cạnh đó còn có bánh trung thu tinh than tre và các loại bánh hình thù độc đáo, ngộ nghĩnh. Hiện có rất nhiều nơi nhận làm bánh trung thu handmade trên Facebook với kiểu dáng, hương vị vô cùng phong phú, đa dạng.

Author: Thảo Nguyên (Tổng hợp)

News day