Biểu tình phản đối chính phủ ở Romania trong 4 ngày liên tiếp
Dư Hoàng 02/05/2017 10:00 PM
Người dân Romania trên cả nước xuống đường để phản đối chính phủ nước này không hủy bỏ sắc lệnh miễn truy tố các quan chức tham nhũng sang ngày thứ 4 liên tiếp kể từ ngày 31/01/2017, thời điểm sắc lệnh được ký.

Cuộc biểu tình bước sang ngày thứ 4 liên tiếp ở hàng loạt thành phố và thị trấn lớn đã thu hút 250.000 người tham gia phản đối việc chính phủ của tân Thủ tướng Sorin Grindeanu kiên quyết không truy tố và bắt giam các quan chức đã tham nhũng khi giảm hình phạt đối với tội lạm quyền, tham nhũng và chỉ ngồi tù nếu số tiền nhận hối lộ vượt qua mức 44.000 Euro (tức 47.500 USD). 

Biểu tình ở Bucharest. Ảnh: Xinhua

Tại thủ đô Bucharest, cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn nhất với khoảng 150.000 người biểu tình, tụ tập trước trụ sở chính phủ. Người biểu tình mang theo quốc kỳ Romania, hình nộm các quan chức chính phủ và yêu cầu chính phủ nước này thu hồi sắc lệnh trên trong khi các cuộc tuần hành khác cũng diễn ra tại những thị trấn và thành phố khác của nước này. Theo ước tính, có khoảng khoảng 200.000 - 250.000 người đã tham gia biểu tình ở hàng loạt thành phố và thị trấn lớn để phản đối sắc lệnh này, và tại 50 thành phố nhỏ, bao gồm Cluj, Sibiu và Timisoara, các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia.

Đám đông người biểu tình cho biết sẽ tham gia biểu tình hàng ngày cho đến ngày 10/02/2017 - thời điểm sắc lệnh gây tranh cãi nói trên có hiệu lực, dẫn đến việc trả tự do cho hàng chục quan chức bị tống giam vì tội tham nhũng. Cuộc biểu tình đã có lúc trở thành bạo loạn khi một nhóm người cực đoan đã bom xăng và gạch ngói vào cảnh sát và bị cảnh sát đáp trả bằng hơi cay khiến hai cảnh sát và hai người biểu tình bị thương. Tuy nhiên, nhìn chung, cuộc biểu tình tiến hành tuần hành phản đối trên khắp nước này diễn ra trong hòa bình.

Cảnh sát đụng độ với các đám đông biểu tình ở Bucharest. Ảnh: AFP

Ngày 03/02, Tổng công tố Augustin Lazar đã yêu cầu tòa án Bucharest đình chỉ và hủy bỏ sắc lệnh của Chính phủ trước khi chính thức có hiệu lực. Theo đơn khiếu nại của Tổng thống Romania Klaus Iohannis cho rằng sắc lệnh này là vi hiến và có lợi cho những quan chức tham nhũng, vào ngày 07/02, Tòa án Hiến pháp Romania sẽ xem xét tính hợp pháp của sắc lệnh này.

Trước đó, bất chấp sức ép từ những người biểu tình, ngày 02/02, Chính phủ của Thủ tướng Romania Sorin Grindeanu tuyên bố kiên quyết triển khai sắc lệnh này nhằm giảm bớt tình trạng đông đúc trong các nhà tù khi cho phép miễn truy tố hình sự và không áp dụng án tù đối với các vụ việc tham nhũng có số tiền dưới 44.000 Euro. Những người chỉ trích ông Grindeanu cho rằng, ông đang cố thả các đồng minh bị kết tội tham nhũng của mình, giúp hàng chục chính trị gia Romania, trong đó có lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền tại Romania – ông Liviu Dragnea, thoát tội sau khi bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước 24.000 Euro. Cùng ngày, một bộ trưởng nội các Romania đã từ chức bởi cuộc khủng hoảng chính trị dâng cao.

Những người biểu tình tụ tập bên ngoài các văn phòng chính phủ ở thủ đô Bucharest. Ảnh: AFP

Ngay sau sắc lệnh được ký vài giờ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan ngại về động thái trên của chính phủ Romania, kêu gọi hủy bỏ sắc lệnh. Liên minh châu Âu cảnh báo là Romania không nên đi ngược lại cam kết nỗ lực chống tham nhũng của nước này.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2014 đến năm 2016 tại Romania, có hơn 1.170 người đã bị kết tội lợi dụng chức quyền và tham nhũng, trong khi các công tố viên đang tiến hành điều tra hơn 2.000 trường hợp khác. Đặc biệt, trong năm 2015, có tới 27 quan chức bao gồm Thủ tướng Victor Ponta cùng 5 bộ trưởng và 16 nghị sỹ, đã phải hầu tòa vì các tội danh trên.

Cập nhật: Chính phủ của Thủ tướng Romania Sorin Grindeanu đã hủy bỏ sắc lệnh về tham nhũng gây tranh cãi này đồng thời ngày 08/02, đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội do phe đối lập đề xuất để bãi nhiệm Chính phủ, nhờ sự ủng hộ của các đối tác trong liên minh cầm quyền.

Author: Dư Hoàng

News day