Vấn đề phát âm tiếng Anh của người Việt Nam vốn dĩ vẫn luôn gây ra rất nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Sự việc youtuber người Mỹ Dan Hauer tung lên mạng clip “Người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt”, kéo theo đó là hàng loạt phản ứng trái chiều từ cư dân mạng cũng như các động thái xin lỗi từ phía trung tâm anh ngữ Elight chỉ là một phần trong số đó.
Năm 2014, cư dân mạng từng truyền tay nhau clip Lý Nhã Kỳ - nữ Đại sứ du lịch Việt Nam khi đó – trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, trong đó cách phát âm của ngôi sao khiến người xem không biết... nên cười hay nên khóc. Nhiều lỗi sai rất cơ bản được tìm thấy ở câu trả lời của cô, ví dụ như các chữ “this”, “after”, “think”, “natural”, “beautiful”... Có người dí dỏm so sánh cách phát âm tiếng Anh của Lý Nhã Kỳ không khác gì học sinh tiểu học tập nói, người khác bảo chẳng biết đang nghe tiếng Anh hay nghe tiếng Lào!
Ba năm trước, một phần không nhỏ cư dân mạng lên án Lý Nhã Kỳ mạnh mẽ vì chuyện phát âm tiếng Anh sai, nói rằng người Việt phải xem xét lại ngay. Ba năm sau, khi Dan Hauer quay clip chỉ ra các lỗi phát âm thường gặp của người Việt, cũng lại một phần không nhỏ khác của cư dân mạng không dám thừa nhận các lỗi sai ấy, nói rằng Dan Hauer làm clip nhằm mục tiêu “bóc mẽ”, “bôi nhọ” người Việt.
Nhìn một cách khách quan, ở nước ta hiện nay đang mọc lên quá nhiều trung tâm bồi dưỡng ngoại ngữ. Tại Hà Nội, có thể điểm qua một vài cái tên được nhiều học viên đánh giá cao như British Council, Jaxtina, Apollo, ACET, Oxford...; ngoài ra, còn có đến mấy chục cái tên khác như Elight, RES, Equest, Mika, AMES... Trung tâm nào cũng có những cách thức quảng bá riêng, với các chương trình học, cấp độ học đa dạng, phong phú phục vụ cho nhiều mục đích từ bồi dưỡng vốn ngoại ngữ thông thường đến luyện thi chứng chỉ TOEIC, IELTS...
Không ít phụ huynh và học sinh coi các trung tâm ngoại ngữ như một tấm vé đảm bảo cho trình độ ngoại ngữ của con cái mình. Chẳng biết từ bao giờ, cái tư tưởng “học trung tâm chất lượng hơn học thầy cô trên lớp” đã ngấm sâu vào một bộ phận người Việt Nam hiện tại. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Thực phẩm có thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn. Quần áo hàng hiệu có hàng thật và hàng nhái. Trung tâm ngoại ngữ cũng có trung tâm chất lượng và trung tâm được thành lập chỉ vì mục đích trục lợi, hoặc tôn chỉ mục đích không rõ ràng, hoặc năng lực, đạo đức của giáo viên không đảm bảo.
Năm 2008, báo Tuổi Trẻ từng đưa tin về vụ việc Trung tâm Anh ngữ STI lừa đảo, quỵt tiền nhân viên, dính dáng đến vấn đề xuất khẩu lao động trái phép và sau đó... “bốc hơi” khi cánh báo chí vào cuộc. Năm 2015, vụ lùm xùm cô giáo “bọ cạp” Lê Na đến từ Trung tâm Anh ngữ Lena chửi học viên như tát nước làm “điên đảo” cư dân mạng suốt một thời gian dài. Năm 2017, câu chuyện liên quan đến clip của Dan Hauer vẫn còn chưa kết thúc khi nhiều người tìm ra rằng rất có thể cô giáo Trang của Trung tâm Anh ngữ Elight đã nói dối về học bổng toàn phần Endeavour (Úc).
Tất cả các vụ việc trên khiến người ta không khỏi đặt dấu hỏi về chất lượng của các trung tâm ngoại ngữ, các lò luyện thi đang mọc lên như nấm hiện tại. Không kể những chuyện như lừa đảo, làm việc thiếu trách nhiệm, thái độ không tốt... vấn đề lớn nhất chính là trình độ giảng dạy cũng cần phải xem xét. Trả lời phỏng vấn trang thông tin điện tử Kênh 14, bạn Vũ Khanh, một du học sinh đang theo học tại đại học Oxford bày tỏ sự quan ngại về việc nhiều bạn mới chỉ đạt IELTS 7.0, 7.5 đã đi dạy tiếng nước ngoài. Đó là thực trạng tại rất nhiều trung tâm, lò luyện thi hiện nay: Không ít giảng viên và trợ giảng còn rất trẻ, là sinh viên hoặc mới chỉ ra trường vài năm và tấm bằng IELTS của họ mới chỉ “tiệm cận chuẩn” của giáo viên ngoại ngữ thông thường. Đã vậy, một số còn không có chứng chỉ sư phạm. Thế mới nói, việc hoàn toàn tin tưởng vào các trung tâm ngoại ngữ mà không có sự đánh giá, chọn lọc kĩ càng là việc làm rất bất cẩn, dễ gây ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình học của học viên.
Vậy phải đặt niềm tin vào đâu giữa thực trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện tại? Câu trả lời nằm ở bản thân mỗi người. Cũng cần nói thêm rằng đã có không ít các bài báo, bài bình luận, bài phát biểu, v.v... trên các phương tiện truyền thông đề cập đến chuyện người Việt Nam đa phần thụ động và ỷ lại. Cấp một, đứa trẻ đến trường, tập đọc những chữ cái “ây”, “bi”, “xi”, tập làm quen với những “a book” (quyển sách), “a pencil” (cái bút chì), “a table” (cái bàn) do đó là một môn học bắt buộc, do muốn đạt điểm mười đỏ chót về khoe cho bố mẹ hài lòng. Cấp hai, cấp ba, học sinh học tiếng Anh để đủ điểm đỗ đại học. Trưởng thành, người ta học tiếng anh để có tấm bằng TOEIC, IELTS làm đẹp CV xin việc. Có mấy ai thực sự coi tiếng Anh là một phương tiện giao tiếp, là ngôn ngữ chung của thế giới? Bởi những suy nghĩ như trên nên đa phần người Việt hình thành các lối học sau: Một là chỉ học những cái sẽ thi, hai là tin tưởng 100% vào người dạy học.
Thế nên, nhiều người Việt Nam tuy rất mạnh về ngữ pháp nhưng lại yếu trong việc nghe nói, giao tiếp. Thiết nghĩ, mỗi chúng ta nếu muốn đạt mục tiêu thiết thực nhất là hiểu người nước ngoài nói và nói để người nước ngoài hiểu, thì cần phải tự giác, chủ động hơn. Có vô vàn cách để tự học tiếng Anh ngoài việc đến ngồi ở lớp học, lắng nghe, ghi chép, làm bài tập như một cái máy. Hãy dành thời gian tra khảo, tìm kiếm thông tin và lựa chọn được cho bản thân một nơi uy tín nhất, có môi trường tốt nhất để theo học. Trong quá trình học, hãy chăm chỉ luyện tập cũng như tự tham khảo thêm các nguồn tài liệu, các phương pháp học, các bài giảng ở bên ngoài – xã hội công nghệ thông tin hiện nay là điều kiện vô cùng thuận lợi giúp mỗi chúng ta tiếp cận nhiều nguồn kiến thức khác nhau. Bạn cũng có thể tận dụng các bộ phim, cuốn sách tiếng Anh để trau dồi vốn từ vựng hay cách phát âm của mình, đồng thời còn dung nạp được một lượng không nhỏ kiến thức về văn hóa ngoại quốc.
Một điều quan trọng nữa: Đừng ngại giao tiếp! Dường như tư tưởng ngại ngùng, “giấu dốt” vẫn còn tồn tại ở không ít người Việt Nam hiện tại, dẫn đến một rào cản vô hình khi chúng ta giao tiếp với người nước ngoài. Vì sợ phát âm sai, ngữ pháp sai nên không dám nói chuyện, không dám hỏi – hãy bỏ ngay suy nghĩ ấy!
Quay lại câu chuyện của Lý Nhã Kỳ 3 năm về trước, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Người khen, kẻ chê, người phản đối, kẻ ủng hộ. Vấn đề ở đây là nữ Đại sứ du lịch đã có cách phản ứng rất khéo léo. Cô mạnh mẽ chống trả những bình luận cho rằng mình không xứng đáng với danh hiệu Đại sứ du lịch bằng cách nói rằng để làm nên thành công của một con người cần nhiều yếu tố chứ không chỉ có đẹp, xinh, giọng hay và giỏi ngoại ngữ. Cô không phủ nhận mình yếu tiếng Anh, không phản bác việc mình phát âm sai, mà chỉ thừa nhận, (và có lẽ) âm thầm sửa đổi. Sự tự tin cũng như thái độ cầu tiến của Lý Nhã Kỳ không phải ai cũng có được.
Thiết nghĩ, phải chăng đã đến lúc người Việt chúng ta học tập Lý Nhã Kỳ: Sẵn sàng đối mặt với sai lầm, sửa đổi và cầu tiến hơn trong việc học ngoại ngữ của chính bản thân mình.
Tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại trong chuyện dạy và học tiếng Anh của người Việt. Thế nên điều đầu tiên chúng ta cần làm chính là thay đổi – thay đổi phương pháp, thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách nhìn.
Bỏ rác đúng nơi qui định thể hiện lối sống…
Tranh cãi về phát âm tiếng Anh chuẩn - Giáo…
Smartphone khiến khả năng giao tiếp của con người ngày…
Sketchnote - Những hiệu quả bất ngờ từ phương pháp…
"Cuộc sống du học" qua lời kể của họa sỹ…
Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục: Những ưu điểm…
Học viện West Point - trường quân sự hàng đầu…
Đánh thức khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX