Được biết, nữ giáo viên trong clip có tên Nguyễn Thị Kim Tuyến, bà đồng thời cũng là đại diện pháp luật của trung tâm ngoại ngữ MST English. Sau khi clip được đăng tải, sở GD&ĐT Hà Nội đã tiến hành điều tra và xác nhận công ty MST chưa hề đăng ký giảng dạy ngoại ngữ tại Sở theo quy định hiện hành. Các địa điểm hoạt động của trung tâm cũng được đặt ở những nơi rất khuất, khó tìm thấy và không có biển hiệu.
Sau hàng loạt vụ việc đáng tiếc liên quan đến giáo dục gần đây, từ chuyện giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh, chuyện giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, giáo viên im lặng hàng tháng trời khi đứng lớp cho đến chuyện học sinh tự tử vì áp lực học hành thi cử và giờ là chuyện cô giáo xúc phạm học trò; người ta không khỏi lo lắng đặt ra câu hỏi: Tại sao nền giáo dục nước ta lại trở nên đảo lộn đến thế? Đạo đức nhà giáo xuống cấp, mối quan hệ giáo viên - phụ huynh ngày càng bị bóp méo, còn mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh thì chẳng khác nào kẻ thù.
Nếu như sự vụ bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng là một dạng bạo hành về thể xác thì vụ im lặng không giảng bài hay vụ chửi mắng học sinh lại là sự bạo hành về tinh thần. Một vài người trong số chúng ta có thể sẽ coi thường, xem việc va chạm với nhau để rồi buông lời lẽ xúc phạm trong cơn nóng giận là chuyện hàng ngày, xảy ra như cơm bữa. Tuy nhiên hậu quả của bạo hành tinh thần, mà dạng thức tiêu biểu nhất là bạo hành bằng ngôn từ là vô cùng to lớn.
Lẽ dĩ nhiên đối với bất cứ vấn đề nào cũng vậy, mỗi người trong cuộc sẽ nhìn sự việc bằng con mắt chủ quan và lên tiếng dựa trên quyền lợi cá nhân. Thực hư ra sao, chỉ người trong cuộc biết. Có thể học viên nam trong clip đã sai vì vi phạm cam kết, có thể học viên đó đến lớp với thái độ không tốt. Có thể đúng như lời bà Tuyến trả lời phỏng vấn với giới báo chí, bà đã không kiềm chế được bản thân trong cơn nóng giận. Không ít người cũng để lại những bình luận cho rằng làm giáo viên vô cùng vất vả, căng thẳng, khi học sinh “nổi loạn” thì rất khó để giữ được bình tĩnh. Nhưng liệu “cả giận mất khôn” có phải là một lời giải thích hợp lý cho việc buông những lời miệt thị, mạt sát chẳng khác nào chốn chợ búa nhắm thẳng vào học sinh của chính mình hay không?
May mắn là đối tượng của những lời xúc phạm ấy trong trường hợp này là một nam học viên đã trưởng thành. Nhưng theo học trung tâm còn có biết bao nhiêu em nhỏ nữa? Có những em mới chỉ đang ở độ tuổi tiểu học. Các em không khác gì tờ giấy trắng tinh khôi, ngây thơ và trong sáng. Vậy mà những người mang trách nhiệm “trồng người” lại không ngần ngại mà viết lên tờ giấy trắng ấy toàn những câu chửi bới, những lời đay nghiến cay nghiệt. Bất cứ ai trong chúng ta có lẽ đều đã nhiều lần nghe đến một vài câu mắng mỏ quen thuộc của các thầy cô giáo, đặc biệt là thầy cô dạy vỡ lòng, như “chữ xấu như gà bới”, “dốt như bò”, “ngu như lợn”, v.v... Chúng ta thậm chí còn coi đó là điều bình thường, rằng “ai đi học mà chẳng thế, các thầy cô dạy một lúc cả mấy chục đứa thì đương nhiên là mệt mỏi”. Chúng ta không hề quan tâm đến cảm nhận của trẻ nhỏ hay cách mà ngôn từ người lớn sử dụng tác động, ảnh hưởng lên chúng.
Dần dần, trong lòng con trẻ sẽ hình thành một bóng ma tâm lý. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu trẻ vô tư cho rằng cứ là người lớn, cứ ở vị trí bề trên thì được quyền mắng chửi và mang theo quan niệm ấy đến tận khi lớn lên. Để rồi họ lại tiếp tục mạt sát, miệt thị những người kém tuổi hơn mình hoặc giữ chức vụ nhỏ hơn mình. Đáng buồn nhất, họ sẽ mắng chửi chính con cái họ thậm tệ một khi họ sinh con. Với những đứa trẻ bản tính yếu đuối và nhút nhát hơn một chút, các em sẽ trở nên sợ hãi thế giới xung quanh. Không phải tự nhiên mà rất ít trẻ em chịu chia sẻ suy nghĩ của mình cho bố mẹ hay thầy cô giáo, các em đã mất niềm tin với người lớn sau những gì các em phải chịu đựng. Các em sẽ nhìn cuộc sống bằng một con mắt tiêu cực, cho rằng thế giới này toàn sự xấu xa, bất công, thậm chí không có chỗ dành cho các em.
Hậu quả to lớn là thế, vậy mà tại sao các thầy cô giáo vẫn cứ tiếp tục chửi mắng học sinh với cái lý do muôn thuở “cả giận mất khôn”? Sau sự việc lần này, khi phải đối mặt với áp lực từ sự chỉ trích quá lớn của dư luận, có lẽ cô giáo Nguyễn Thị Kim Tuyến đã nhận được bài học đáng nhớ. Chỉ mong rằng các giáo viên khác, những ai vẫn còn có thói quen trút cơn giận dữ của mình lên đầu học sinh, cũng sẽ nhìn thấy tấm gương này mà rút kinh nghiệm kịp thời.
Dù cho học sinh có sai, thầy cô giáo vẫn phải là người cầm tận tay các em, dịu dàng và kiên nhẫn chỉ lại cho các em đâu mới là điều đúng. Dù cho học sinh có cáu bẳn hay nổi loạn, thầy cô giáo vẫn phải đáp lại các em bằng sự quan tâm ân cần. Vẫn biết đây không phải chuyện dễ dàng và đôi khi sự căng thẳng, stress sẽ khiến người ta mắc sai lầm; nhưng đó mới chính là lý do người ta tôn trọng nghề giáo. Bởi lẽ hơn bất cứ nghề nào, nghề giáo là nghề cần cái “tâm”, cái “tầm” nhất mà không phải ai cũng có thể làm được.
Bỏ rác đúng nơi qui định thể hiện lối sống…
Tranh cãi về phát âm tiếng Anh chuẩn - Giáo…
Smartphone khiến khả năng giao tiếp của con người ngày…
Sketchnote - Những hiệu quả bất ngờ từ phương pháp…
"Cuộc sống du học" qua lời kể của họa sỹ…
Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục: Những ưu điểm…
Học viện West Point - trường quân sự hàng đầu…
Đánh thức khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người
Bỏ qua việc đúng - sai, phải chăng đã đến…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX