Ca sĩ Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng
Thúy Vi 12/01/2017 02:30 PM
Với tuổi trẻ người Việt trong thập niên 60 và 70 sự xuất hiện của họ tạo nên sắc thái nhạc rock Việt thật độc đáo. Ban nhạc Phượng Hoàng, với Elvis Phương là ca sĩ chính, đã trở thành một cái mốc quan trọng trong nền tân nhạc Việt Nam.

Là một trong những nam ca sĩ hàng đầu trong nền âm nhạc Việt Nam, Elvis Phương mê âm nhạc từ khi anh chỉ mới 6 tuổi, và đã tự học hát bằng cách nghe những đĩa nhạc nổi tiếng của thời bấy giờ, nhất là của nam danh ca Elvis Presley.

Ảnh: sbtn.tv

Ít ai ngờ giọng ca lẫy lừng suốt nửa thế kỷ đã bị bố “mời” ra khỏi nhà từ năm 16 tuổi vì chọn con đường ca hát! Người cha kiến trúc sư và giáo viên dạy tiếng Pháp luôn kỳ vọng ở con trai cả Phạm Ngọc Phương trong gia đình có 10 anh em, được cho học trường Tây từ năm 5 tuổi, sẽ là bác sĩ hay ít nhất phải là kỹ sư. Vậy mà đến năm 16 tuổi, khi được bố chuẩn bị gửi sang Pháp học, anh lại cả gan từ chối với lý do “con muốn theo nghề hát”.

Chấp nhận hình phạt của bố, chàng trai ra khỏi nhà, từng bước khởi nghiệp ca hát với lời hứa sẽ thật nghiêm túc với nghề nghiệp, không phụ công giáo dưỡng của cha mẹ. Lời tự hứa này anh đã giữ nó cho đến tận hôm nay. Mà cũng nhờ đó sau hai năm, người mẹ đã gọi điện giọng run run: “Con về đi, bố đã hết giận rồi!”. Lúc bố hết giận cũng là lúc anh được biết đến như một ca sĩ pop rock chuyên hát những ca khúc Anh, Pháp. Anh tham gia nhiều ban nhạc như Rockin’ Stars, Les Vampires… Nhưng nổi bật nhất khi là một trong những người của những năm 1960 - 1970 khuấy động phong trào nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn trong ban nhạc Phượng Hoàng, lúc bấy giờ với Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà.

Ảnh: sbtn.tv

Elvis Phương quê quán ở xã Sơn An, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đi học trường Tây tại Sài Gòn. Anh khởi nghiệp chuyên hát ca khúc nước ngoài, mê vua nhạc rock Elvis Presley chính vì vậy Phạm Ngọc Phương đã đổi tên mình thành Elvis Phương. Thời gian sau khi tham gia ban nhạc Phượng Hoàng, anh trở thành một ca sĩ có thể hát nhiều thể loại từ rock, pop, trữ tình cho đến ca khúc trữ tình quê hương. Elvis Phương thu âm rất nhiều các bài hát nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của anh phải kể đến: Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang (Phạm Duy), Đàn Bà (Song Ngọc), Mười Năm Tình Cũ, Mười Năm Yêu Em (Trầm Tử Thiêng), Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (Phạm Duy), Bài Thánh Ca Buồn (Nguyễn Vũ), Cô Hàng Cà Phê (Canh Thân), Trả Lại Em Yêu (Phạm Duy) và tất nhiên là các ca khúc Phượng Hoàng.

Với tuổi trẻ người Việt trong thập niên 60 và 70, nhạc trẻ ngoại quốc như là một làn gió mát và những ban nhạc trẻ Việt Nam thường cộng tác ở các câu lạc bộ dành cho quân nhân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo bài viết của Việt Hải, chúng ta chú trọng vào sự góp mặt đặc biệt của ban nhạc Phượng Hoàng, mà sự xuất hiện của họ tạo nên sắc thái nhạc rock Việt thật độc đáo. Phong cách mang làn hơi hướm nhạc rock Tây phương, nhưng do những nhạc sĩ người Việt viết nhạc. Tiền thân của Phượng Hoàng là ban nhạc Hải Âu, đến đầu thập niên 70, hai nhạc sĩ nòng cốt là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đứng ra thành lập ban nhạc Phượng Hoàng, với Elvis Phương là ca sĩ chính, đã trở thành một cái mốc quan trọng trong nền tân nhạc Việt Nam.

Ảnh: sbtn.tv

Những sáng tác tiêu biểu của Lê Hựu Hà được rất nhiều người kể tới là: Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, Hãy Nhìn Xuống Chân, Hãy Vui Lên Bạn Ơi, Huyền Thoại Người Con Gái, Lời Người Điên, Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Yêu Ðời Yêu Người, Vào Hạ và đặc biệt là Tôi Muốn. Anh sáng tác khoảng 50 bài. Điểm quý báu là anh chủ trương Việt Nam mình có nhạc rock riêng. Thật vậy, âm thanh của Phượng Hoàng đã vang dội, đã bay bỗng tuyệt diệu. Người nhạc sĩ sáng tác có thể tạo sắc thái riêng biệt cho dòng nhạc, và do sự rung động từ tâm thức nói lên ý nghĩ sâu kín nhất của mình ra với thế gian, dù là những ý tưởng chuyên chở nội dung hiện sinh, tác giả kêu gọi thế giới hãy yêu thương nhau khi “Tôi muốn” hay nói với người thương khi “Yêu em” bằng những ý tưởng chán chường, yếm thế.

Nói về Phượng Hoàng, nếu không thể thiếu nhạc sĩ Lê Hựu Hà, thì tương tự không thể thiếu nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Anh Cang đánh tây ban cầm điện chính (lead guitar), và soạn các nhạc phẩm trình diễn cho ban nhạc, vào thời cuối thập niên 60, đầu 70, nhạc anh làm ảnh hưởng tích cực đến phong trào nhạc trẻ pop/rock. Như nhạc sĩ Lê Hựu Hà, nhạc mang khuynh hướng hiện sinh của Nguyễn Trung Cang tiêu biểu qua các bài Tình Nhân Loại, Mặt Trời Đen.

Ảnh: sbtn.tv

Nhìn lại dĩ vãng với hai thập niên 60s và 70s mà âm nhạc Pháp Anh Mỹ ảnh hưởng đến nhiều đến thế hệ của giới trẻ thời bấy giờ, phải chăng từ đó có phong trào Việt hóa âm nhạc bùng dậy. Chỉ tiếc là hai anh Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã vắn số, không có may mắn hay hoàn cảnh thuận lợi để tung hết nội công sáng tác âm nhạc, dốc toàn bộ trí tuệ cho thêm nhiều tác phẩm âm nhạc cho niềm hãnh diện của nhạc rock hay nhạc pop Việt Nam.

 

Theo: SBTN.tv

Author: Thúy Vi

News day