Căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc: liệu có nguy cơ chiến tranh?
Sam Sam 07/24/2017 07:30 AM
Căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết khi mà các bên đều “không ai chịu nhường ai”. Một câu hỏi được đặt ra trong lúc này là: “Liệu có chiến tranh nổ ra hay không?”.

Ngày 22/7, trên tờ thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc có đăng một bài xã luận nêu rõ câu trả lời của nước này trước đề nghị của Ấn Độ rằng hai bên cùng rút quân khỏi khu vực tranh chấp. Theo đó, Bắc Kinh tuyên bố điều kiện đầu tiên và quyết định để tổ chức đàm phán ngoại giao là Ấn Độ rút lui trước và cảnh báo Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự.

Binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ tại đường biên giới chung. Ảnh: AFP

“Nếu xung đột giữa hai nước leo thang đến mức phải giải quyết bằng giải pháp quân sự, Ấn Độ chắc chắn sẽ thua. Lực lượng Quân giải phóng nhân dân (PLA) đã được triển khai vào khu vực biên giới Trung - Ấn và sẽ không lui lại cho đến khi thu hồi được lãnh thổ của Trung Quốc”, bài báo nhận định, đồng thời cũng xác nhận việc lực lượng Quân giải phóng nhân dân (PLA) tập trận tại Tây Tạng không phải chỉ nhằm “trình diễn”. Trung Quốc tin tưởng rằng quân đội Ấn Độ không phải là đối thủ của PLA xét về tính cơ động và khả năng tiếp tế hậu cần, những yếu tố cần thiết để tác chiến ở địa hình núi như khu vực hai bên đang giằng co.

Bài báo cũng không quên nhắc lại sự kiện giao tranh giữa hai nước năm 1962 và khẳng định thất bại của Ấn Độ là do đánh giá sai lầm khả năng và tiềm lực của Trung Quốc.

Lực lượng quân đội Ấn Độ. Ảnh: India Today

Trước những lời lẽ và thái độ công kích của Trung Quốc, Ấn Độ cũng dần trở nên quyết liệt hơn. Brahma Chellaney, nhà tư tưởng, phân tích địa chính trị quốc tế của Ấn Độ kêu gọi New Delhi hành động cứng rắn hơn: "Thay vì chờ đợi đối thoại, Ấn Độ cần yêu cầu Trung Quốc lui quân trước cũng như rút các điều kiện tiên quyết, và khiến Bắc Kinh không thể hoài nghi gì về quyết tâm của Ấn Độ bất chấp hậu quả".

Diễn biến của vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Cả thế giới đều lo lắng tự hỏi “Liệu có nổ ra chiến tranh hay không?”. Các nước lớn, đặc biệt là Mỹ tích cực hối thúc các bên cùng đối thoại trực tiếp nhằm giảm căng thẳng và tránh đi theo chiều hướng cưỡng ép.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ý kiến hoài nghi về mục đích thật sự của Trung Quốc đằng sau căng thẳng này. Một vài chuyên gia cho rằng dù căng thẳng đến mấy thì cũng khó xảy ra xung đột giữa hai nước bởi điều này không hề có lợi cho quan hệ song phương nói riêng và cả khu vực nói chung, đặc biệt khi cả 2 nước đều rất quan tâm đến hợp tác kinh tế. Và có thể, như chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh trong những năm trở lại đây, Trung Quốc đang tạo ra sự hỗn loạn, lôi kéo sự chú ý của truyền thông quốc tế vào một vấn đề nào đó và rồi bí mật thực hiện một kế hoạch khác, ở một khu vực khác.

Author: Sam Sam

News day