Cánh cửa du học không phải luôn luôn rộng mở!
CTV Hà Nguyễn 06/29/2018 12:30 PM
Được học tập và làm việc trong môi trường học tập chủ động, sáng tạo, được trải nghiệm và tư duy theo lối sống phương Tây đã khiến cho nhiều bạn trẻ nghĩ rằng việc đi du học là một thiên đường trong mơ. Nhưng sự thật là giấc mơ du học có luôn luôn trải hoa hồng như nhiều người vẫn thường nghĩ?

Trong thời buổi các trung tâm tư vấn du học mọc lên ngày càng nhiều, giới trẻ ngày càng hào hứng với lựa chọn du học làm con đường tiến tới thành công và thực hiện ước mơ của mình. Tuy nhiên, du học sướng hay khổ? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cặn kẽ vấn đề này nhé!

1. Chi phí du học -  khoản đau đầu nhất của các du học sinh

Nguyễn Trâm Anh (cựu học sinh Phổ thông Chuyên Ngoại Ngữ) cho biết: “Phần lớn các bạn trẻ Việt Nam muốn đi du học đều gặp những khó khăn về mặt tài chính vì chi phí ăn học ở nước ngoài rất tốn kém Do vậy, việc xin học bổng hỗ trợ tài chính ở các trường là điều vô cùng quan trọng, quyết định khả năng nhiều bạn trẻ có đi du học được hay không”.

Du học - Sướng hay khổ? Ảnh: baomoi.com

Gần đây các phương tiện truyền thông có đưa tin về thủ khoa Toán TP. Hồ Chí Minh 2010 Lưu Thông Nguyên nhận được lời mời nhập học của Đại học Oxford danh tiếng nhưng cậu bạn này cảm thấy tuyệt vọng vì không thể chi trả tài chính để theo học và phải xin hỗ trợ từ các quỹ học bổng. Sẽ không mấy bất ngờ khi với 1 Bảng Anh bạn chỉ có thể mua được một chiếc bánh mì, trong khi đó giá thuê phòng tại các thành phố ở nước ngoài rất đắt đỏ, chi phí đi lại, tài liệu học tập luôn là mối quan tâm của các du học sinh khi đặt chân đến xứ lạ.

2. "Shock văn hóa" – khó khăn ngay từ buổi đầu tới trường

Phần lớn ở các trường phổ thông của Việt Nam có rất ít các trường có các câu lạc bộ hướng dẫn các kỹ năng mềm. Đây là điểm thiếu sót của du học sinh Việt Nam khi hòa nhập với các môi trường quốc tế, hơn thế nữa việc xin học bổng ở các trường Đại học nước ngoài lại đánh giá khá nhiều về các hoạt động ngoại khóa cũng như các hoạt động đóng góp cho cộng đồng. Đối với du học sinh việc khó khăn nhất chính là không hòa nhập được với môi trường học tập và làm việc ở nước ngoài.

Tôn Hà Anh - Sinh viên Việt nổi danh tại Mỹ. Ảnh: baomoi.com

Các bạn trẻ vẫn thấy những khung cảnh đẹp lung linh trong các bộ phim Hàn Quốc và ước rằng giá như mình được đặt chân đến một đất nước như thế, nhưng sự thật là mặc dù là một quốc gia Châu Á nhưng các du học sinh tại Hàn quốc vẫn rất khó hòa nhập với thời tiết tại đây, khi nhiệt độ có khi hạ xuống đến -2 độ C. Hay như ở các nước phương Tây vào cuối tuần thường có các buổi party tại nhà, quán bar,… để hòa nhập với môi trường tại đây, nhiều học sinh, sinh viên đã thường xuyên lui tới những tụ điểm này để không bị cô lập khỏi những người bạn đến từ các quốc gia khác. Vì thế có nhiều bạn khi trở về Việt Nam, đã không quen được với văn hóa Việt Nam khi trở về quê hương và bị mọi người đánh giá là “chảnh”, hoặc khoe khoang. Đây là một hiện tượng cũng khá phổ biến mang tên: “Shock văn hóa ngược”.

3. Rào cản ngôn ngữ và phương pháp học tập hoàn toàn mới

Rất nhiều học sinh ở Việt Nam có nền tảng tiếng Anh khá tốt nhưng khi sang nước ngoài du học vẫn khó tiếp thu bài giảng trong thời gian đầu. Chủ yếu sinh viên vẫn phải ghi âm lại bài giảng trên lớp về nghe lại để học bài, dần dần mới quen được tốc độ cũng như cách tiếp thu bài giảng. Ở Việt Nam chương trình học khá nặng với rất nhiều môn học trong một học kỳ, nhưng tại các quốc gia khác như Mỹ học sinh chỉ cần học từ 5 - 7 môn trong một kỳ học và thường xuyên có các kỳ nghỉ giữa các kỳ học.

Du học sinh Việt tại Nga. Ảnh: baomoi.com

Nhưng học tập ở nước ngoài là phải lao động trí óc thực sự, giáo viên chỉ đưa ra những ý chính còn việc trình bày, hoàn thiện vấn đề lại dựa vào những nỗ lực từ bản thân người học. Khả năng cá nhân được thể hiện hoàn toàn qua các bài tập nhỏ, các bài tập làm theo nhóm. Nếu không biết cân bằng giữa học và giải trí rất có thể bạn sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng thật sự khi du học nước ngoài.

4. Tạm kết

Dẫu biết rằng gần đây có nhiều gương mặt đại diện cho Việt Nam đã và đang khẳng định được tài năng của mình tại các ngôi trường quốc tế như: Tôn Hà Anh - nữ sinh nhận được học bổng tại 5 trường đại học danh giá nhất nước Mỹ, hay Nguyễn Hoàng Quyên - người từ chối Đại học Harvard để chọn Stanford,…

Du học có phải là thiên đường? Ảnh: baomoi.com

Nhưng chúng ta cần phải khẳng định rằng con đường du học không hề dễ dàng và luôn có rất nhiều khó khăn mà các du học sinh phải đối mặt. Để có được sự thành công cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như phải hiểu rõ được khả năng của bản thân, sẵn sàng thích ứng với các khó khăn vấp phải và phải biết hòa nhập với môi trường sống để những năm tháng học tập tại nước ngoài thực sự là những trải nghiệm đầy ý nghĩa và thú vị.

 

Bạn đang đọc báo người việt tại Mỹ - Vinacircle. Mọi đóng góp về nội dung xin gửi về địa chỉ email: content@vinacircle.com.

Xin cảm ơn!

Author: CTV Hà Nguyễn

News day