Câu chuyện khởi nghiệp của kỹ sư công nghệ Ấn Độ trên đất Mỹ
Cassmelon (Dịch) 04/11/2017 04:30 PM
Suuchi Ramesh sinh ra và lớn lên tại Ấn Độ, nhưng lại khởi nghiệp ở New Jersey. Mục tiêu cốt lõi của start-up này là thực hiện toàn bộ quá trình sản xuất tại Hoa Kỳ với cách thức nhanh hơn, tân tiến hơn.

Được hỗ trợ bởi các công cụ công nghệ cao, công ty may mặc Suuchi hoạt động như một xưởng may một cửa từ việc tìm nguồn cung ứng vải cho Bắc Bergen, thiết kế sản phẩm, sản xuất và bán hàng. Cô Ramesh, 36 tuổi, trả lời phỏng vấn với CNNMoney rằng: “Sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn là made-in-America và tôi rất tự hào về điều này”.

Công ty Suuchi ra mắt vào đầu năm 2015 chuyên sản xuất số lượng hạn chế các mặt hàng như quần áo, túi xách và một số hàng gia dụng như gối tựa.

Start-up của Ramesh hiện đang có 55 công nhân và hy vọng vào cuối năm nay, con số này sẽ lớn hơn 100. Ảnh: money.cnn.com

Công ty không chỉ bán cho khách hàng mà còn hợp tác cả với các doanh nghiệp. Chẳng hạn như những nhà thiết kế trẻ muốn tung ra nhãn hiệu thời trang của riêng họ, các nhà bán lẻ muốn sản xuất quần áo với nhãn hiệu tư nhân tại Mỹ và cả công ty lớn cung cấp đồng phục cho ngành casino và khách sạn.

Thất vọng bởi những khó khăn mà cô trải qua khi tìm kiếm những bộ trang phục phù hợp với vóc người nhỏ bé của mình, Ramesh đã nghĩ ra ý tưởng khởi nghiệp: tạo ra những sản phẩm may mặc nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Cô đầu tư cho công ty 375.000 USD và thuê một không gian rộng hơn 180 m2.

Hình ảnh robot may một chiếc áo từ đầu đến cuối.
Ảnh: money.cnn.com

Sau đó, công ty đã di chuyển đến một cơ sở mới hơn 900 m2. Gần đây cô còn nhận được một khoản vay ngân hàng để xây dựng phát triển Suuchi hơn nữa.

Cô cho biết ngay từ đầu đã đầu tư mạnh vào công nghệ và tự động hóa để giúp công ty phát triển nhanh chóng. “Chúng tôi phải sử dụng công nghệ để rút ngắn quá trình và mọi người có thể làm việc hiệu quả hơn”.

80% nhân công là phụ nữ.
Ảnh: money.cnn.com

Ramesh từng tốt nghiệp ngành khoa học máy tính cũng như nắm trong tay tấm bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, lần đầu tiên cô đến Mỹ là năm 2006 và khi đó công việc chính là một nhà phân tích của Intel.

Là một kỹ sư công nghệ, Ramesh đã sử dụng các trang thiết bị hiện đại ngay từ khi khởi nghiệp. Công ty Suuchi hiện đang vận hành 100 loại máy khác nhau, cho phép tự động hoá từ 30% đến 40% sản phẩm may mặc.

Chân dung nữ kỹ sư Suuchi Ramesh, Ấn Độ.
 Ảnh: money.cnn.com

Ramesh nói rằng: “Nỗ lực của chúng tôi là giảm bớt công việc tay chân, thậm chí là hướng đến công nghệ robot và tự động hóa”. Ví dụ như sử dụng máy cắt vải kỹ thuật số thay vì cắt điện để tạo ra các mảnh cắt chính xác và nhanh hơn. Bên cạnh đó, bằng cách tự động hóa quá trình thùa khuy, Ramesh đã giảm thời gian lao động xuống 40%.

Cô cũng thử nghiệm phần mềm mà mình tạo ra để giảm thời gian thiết kế và tạo ra một mẫu quần áo theo ý tưởng 3D trong vòng 48 giờ. Ramesh cho rằng đây mới chính là tốc độ thực sự của thị trường và hy vọng các đối tác sẽ sử dụng phần mềm này.

Máy móc trong xưởng.
Ảnh: money.cnn.com

Tốc độ chính là yếu tố để thu hút khách hàng. Mặc dù chi phí của công ty lớn hơn khoảng 20% so với các nhà sản xuất ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ, nhưng thực sự lại rất hiệu quả cho việc sản xuất hàng loạt. Bằng cách tìm nguồn cung ứng nội địa, họ nhận được đơn hàng nhanh hơn và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Trong 9 tháng qua, công ty đã tăng lượng sản xuất từ 3.000 đến 20.000 sản phẩm mỗi tháng cho gần 100 đơn hàng. Ramesh ước tính công ty sẽ đạt doanh thu 2,7 triệu USD vào năm 2017 và 7,5 triệu USD vào cuối năm 2018.

Author: Cassmelon (Dịch)

News day