Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Ngay bây giờ, tôi có thể biết nhiệt độ ở một thành phố nào đó trên thế giới, là ngày hay đêm, thậm chí là bão tuyết. Khi Trump ban hành một sắc luật nào đó, chúng ta sẽ cập nhật ngay tức thì và phản ứng như "có vẻ" nó liên quan đến cuộc đời mình.
Vâng, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Phẳng đến độ hôm trước Sơn Tùng mang giày Biti's và đứng trên một ngôi chùa thì ngay hôm sau các cửa hàng Biti's cháy hàng và nhà chùa thì cháy khách.
Hay một mẩu chuyện kinh khủng nào đó, chỉ một đêm đã lan truyền đến tận các ngõ ngách của facebook lẫn đời sống. Hay chuyện iphone hôm trước có ở Mỹ thì hôm sau ở Việt Nam đã có người xài.
Các câu chuyện trở thành "của chúng ta" chứ không còn riêng tư là chuyện của một người. Nhưng khi đối diện với các thông tin phẳng và bội thực đó, chúng ta đã có biện pháp phòng vệ và ứng phó như thế nào?
Về con người trước. Chúng ta có các kiểu: tích cực, tiêu cực và thực tế. Cùng một vấn đề, mỗi kiểu người khác nhau có cách nhìn nhận khác nhau. Nên trên facebook vẫn đầy rẫy các ý kiến khác nhau về cùng một sự vật hay hiện tượng, chúng ta gọi là tranh luận, nhưng một hình thức khác gọi là không chấp nhận sự khác biệt. Theo ý kiến của tôi, mọi sự tranh luận đều vô nghĩa. Những comment của chúng ta không mảy may làm thay đổi một vấn đề, ngoài chuyện chúng ta và những người bè bạn thông qua những chuyện như vậy để hiểu nhau nhiều hơn. Các bạn thử vào facebook, xem lại timelines của mình cách đây một năm, xem những ý kiến, tranh luận của mình đã thay đổi được gì chưa? Hay sự vật hiện tượng đó sẽ thay đổi khi nó thực sự cần thay đổi?
Thế giới phẳng tạo cho con người quyền tự do bày tỏ, quyền được nói, quyền cần được lắng nghe nên đôi khi chúng ta cứ bày tỏ quá nhiều, không sao cả, nhưng khi chúng ta để những cảm xúc tiêu cực dẫn dắt cho quyền được bày tỏ, quyền được nói thì chính chúng ta đang xây nên một rào chắn cho quyền được người khác lắng nghe. Bản thân thông tin là hai chiều, nên nhớ như vậy, khi chúng ta đang bày tỏ thì có một ai đó đang lắng nghe. Và với những gì chúng ta trao đi, sẽ có một người khác phải nhận nó. Sao chúng ta không biến nó thành "được nhận" thay vì "phải nhận"?
Về sự vật hay hiện tượng, chúng ta không còn bị ràng buộc nhiều bởi các sự lựa chọn. Thế giới phẳng, cơ hội cũng phẳng. Nói chuyện đi đi, bây giờ khi mở facebook lên nhìn một vòng, đã thấy bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Úc hay Châu Mỹ cũng không thiếu. Agoda, expedia, momondo, airbnb, skyscanner, traveloca, booking, các hãng hàng không giá rẻ... luôn chực chờ để được phục vụ. Hàng ngày có hàng trăm chuyến bay ra khỏi đất Việt Nam để đến một nơi nào đó xa lạ. Là sa mạc, tuyết đang rơi, đảo quốc, rừng quốc gia...
Thế giới phẳng nên chúng ta có nhiều sự lựa chọn, đúng. Nhưng nhiều khi thế giới phẳng, thông tin nhiều nên chúng ta không lắng nghe bản thân mình muốn gì mà lại bị truyền thông dẫn dắt các sự lựa chọn. Thay vì xem xem mình thích cái gì, rừng, núi hay biển cả, thành phố hay những thị trấn yên bình, vùng nóng hay xứ lạnh... thì chúng ta lại lên mạng xem hôm qua hot girl này đi chơi ở đâu, ca sỹ này đã ăn ở quán nào, hay một đứa vô danh tiểu tốt nào đó cũng trở nên nổi tiếng vì đi điểm ABC nào đó với chi phí siêu rẻ nào đó. OMG, thật sự là OMG... Khi nhìn thấy Cổng Trời thất thủ, tôi thấy buồn cười. Cộng đồng này mới dễ dẫn dắt làm sao. Hoặc cùng nhau đi mua Biti's mang, thì mới thấy sự đáng yêu của người Việt. Mình ngây thơ quá. Ước muốn được mang một đôi giày thuần Việt tại sao không phải là ước muốn chân chính của bản thân mình, mà lại là một chiến dịch truyền thông? Chiến dịch truyền thông nào cũng qua đi, những đôi giày, nếu chúng ta không thực sự thích cũng sẽ vứt nằm đâu đó. Chúng ta đã thực sự sống vì mình chưa?
Có khi nào chúng ta tự nói rằng, chúng ta muốn làm điều đó vì chúng ta thích nó. Chúng ta muốn đến điểm ABC nào đó vì chúng ta muốn tìm hiểu thêm về nơi đó hoặc đơn giản chúng ta muốn đến đó. Đừng có xem hình du lịch của các hot travel hay hot blogger nữa. Tất cả là dối trá cả. Những tấm ảnh đẹp như mơ, những cảm xúc ngọt ngào hay những món ăn đặc biệt, không biết cái nào là thật, cái nào là giả. Trong khi các phần mềm chỉnh ảnh, những địa điểm được đánh dấu sẵn trên tripadvisor, mua quảng cáo... đã trở nên không còn xa lạ. Có khi nào chúng ta đến một nơi nào đó và cảm nhận y chang những gì người khác đã cảm nhận không? Chắc không. Có thể ít hơn, hoặc có thể mãnh liệt hơn. Việc cảm nhận một điều gì đó phụ thuộc vào trải nghiệm, kinh nghiệm và hoàn toàn mang tính thời điểm của cái gọi là cảm xúc.
Vậy nên cá nhân tôi bài trừ cái gọi là điểm đến đang hot. Nó nên dành cho các công ty du lịch để bán tour. Còn chúng ta cần gì, chúng ta cần một ước vọng của chính mình. Tôi có một người bạn cả đời chỉ có một ước vọng, đến Nepal để tu hành. Hay một bạn khác chỉ cần lang thang ở Tây Tạng thì mọi thứ dường như đã rất ổn. Hoặc đứa em thích biển thì chỉ khi xổng ra thì chạy ngay đến Boracay nằm ngày này qua tháng nọ. Hoặc tôi thích Otres ở Sihanoukville, dù thiên hạ đã bào mòn cái Koh Rong, nghe nói còn có tour ra đó. Vậy đó, thế giới phẳng nên lơ lửng trên đó là những mồi câu ngọt ngào. Chúng ta bị câu bởi những "người định hướng" mà sẽ ra sao nếu những người định hướng cũng đang làm việc của họ vì tiền. Không sao cả, thế giới vẫn vận động. Nhưng sự khác biệt tạo ra thế giới, chứ không phải là những thứ giống nhau.
Những nguyên lý, định luật, sáng tạo mang tính thay đổi nhân loại được tạo ra từ những điều khác biệt. Những Machu Picchu, Angkor, Châu Úc, Châu Mỹ được tìm thấy từ những con đường chưa ai đi. Chúng ta muốn ghi dấu ấn trong cuộc đời mình bằng những bước đi an toàn, thì liệu chúng ta có làm được gì hay không?
Chuyện cá nhân mình, tôi vẫn hay nhận được vài comment hay tin nhắn, nhất là sau khi phát hành sách, rằng em thích được đi nhiều như anh lắm. Tôi hay cười cho qua. Đi chơi mà, ai không thích chứ. Nhưng đi đâu, đi như thế nào và làm sao để đi thì lại là câu chuyện khác. Tôi không khuyến khích các bạn trẻ đi theo con đường tôi đã đi, nhưng nếu cần thì tôi luôn sẵn sàng cung cấp nhiều thông tin. Nhưng có bạn hỏi tôi, xin visa phải làm gì thì tôi thấy cái sự ham muốn của bạn hơi bị lười biếng. Mấy thông tin kiểu đó đầy trên mạng, tôi sẽ không tốn công ngồi viết lại cho bạn. Đi, là cả một hành trình dài. Không phải khi bạn đến sân bay hay đến một thành phố lạ nào đó mới là đi. Mà ngay khi trong đầu bạn có một điểm đến, tìm hiểu về nơi đó thì thực ra bạn đã đi rồi. Thế giới phẳng mà, cái gì mà không có trên internet cơ chứ.
Và một góc khác là các bạn rất thích người khác dọn sẵn. Đôi khi, việc chuẩn bị món ăn còn thú vị hơn cả việc ăn món đó, khi chúng ta làm với tất cả đam mê. Thời buổi này, chúng ta ít nghe về chữ "Đam Mê" nhỉ? Vì ít đam mê nên những sở thích cá nhân rất dễ bị dẫn dắt. Nó tạo ra một con người an toàn, nhàm chán, thiếu cá tính thậm chí là dễ tổn thương.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, khi mà giới hạn về địa lý cũng như khoảng cách thông tin bị xoá mờ hơn bao giờ hết. Sự lựa chọn cũng trở nên vô vàn, thì việc lựa chọn cái gì, như thế nào sẽ mở ra cho chúng ta những cánh cửa. Chúng ta sẽ mở những cánh cửa mình muốn đến chứ? Hay đợi ai đó mở cửa chờ mình bước vào?
Tôi học cách chấp nhận miệt thị vì xấu xí…
Rocker Nguyễn lên tiếng về scandal bị ghép ảnh sex
Đan Nguyên cùng nhiều người Việt sống tại nước ngoài…
Trung tâm Thúy Nga gửi lời cảm ơn sau sự…
Paris By Night 123 thay đổi ngày phát hành, chương…
'Dare Pong' đã là gì, 'Date & Kiss' mới thực…
Soobin Hoàng Sơn lầy lội phản ứng fan khi bị…
Thí sinh bị loại khỏi chương trình tố SBTN VOICE…
"Dặm mắm muối" chuyện cha hiếp dâm con gái chỉ…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX