Cây cầu cực dị cực kỳ quái của Hà Lan: Cứ mưa là phải... ngập
Nhất Lâm 03/14/2018 05:30 PM
Một cây cầu thực sự kỳ lạ - thay vì cao hơn mặt nước, một số đoạn sẽ chìm xuống khi trời mưa. Và mục đích của nó là gì?

Hà Lan được biết đến là đất nước nằm thấp hơn so với mực nước biển. Vùng trũng nhất dưới mực nước biển tới 6,74m, nằm ở một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Rotterdam.

Ảnh: kenh14.vn

Bản thân tên gọi của quốc gia này The Netherlands cũng có nghĩa là "vùng đất thấp". Ngoài ra thống kê cho thấy 2/3 diện tích quốc gia này nằm ở khu vực dễ ngập lụt, trong khi mật độ dân số lại thuộc nhóm đông đúc bậc nhất.

 Ảnh: kenh14.vn

Thành phố Nijmege nằm bên bờ sông Waal cũng vậy, cư dân của khu vực trũng thấp này luôn phải đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm suốt hàng thế kỉ. Để đối phó với rủi ro này, người Hà Lan đã xây dựng một hệ thống đê kè hiện đại, nhằm kiểm soát chặt chẽ một số khu vực dễ ngập lụt trong thành phố. 

Tuy nhiên, theo những báo cáo mới nhất thì hệ thống đê này đang có dấu hiệu rạn nứt tại nhiều điểm khiến toàn bộ cơ sở hạ tầng của thành phố phải đối mặt với rủi ro bị ngập lụt.

Ảnh: kenh14.vn

Thay vì chỉ tìm cách chiến đấu lại với thiên tai, các kỹ sư ở đây lại thiết kế một chiếc cầu có khả năng thích ứng và thay đổi theo mực nước biển tại Nijmegen. Cây cầu có tên Zalige do hai hãng thiết kế Next Architects và H+N+S Landscape Architects của Hà Lan tạo nên. 

Nó đặc biệt ở chỗ, một số đoạn cầu được các kỹ sư "cố tình" thiết kế để cứ hễ khi trời mưa là sẽ bị nhấn chìm bởi dòng nước.

Trong trường hợp này, người dân thay vì có thể thảnh thơi đi dạo trên lòng cầu như thông thường, thì họ sẽ phải "căng não" bước trên những bục đá cao được xếp đặt sẵn dưới sông nhằm vượt qua chỗ úng ngập để sang bờ bên kia.

Ảnh: kenh14.vn

Theo như Next Architects, họ đã thiết kế cây cầu nhằm cung cấp trải nghiệm thực tế cho cái viễn cảnh thành phố bị ngập lụt khi nước dâng.

"Khi bạn đứng trên khu vực cao nhất và nhìn xuống thì cây cầu như tôn lên sức mạnh lớn lao của dòng nước, nhưng quan trọng hơn, nó đã tạo ra cơ hội cho con người được chiêm ngưỡng và trải nghiệm quang cảnh dòng sông bị thay đổi bởi chính bàn tay của nhân loại," nhóm thiết kế cho hay.

Ảnh: kenh14.vn

Dự án này nằm trong chiến dịch của Bộ Xây dựng và Môi trường Hà Lan nhằm khuyến khích các công trình xây dựng có khả năng thích ứng với thiên tai và lũ lụt.

Ảnh: kenh14.vn

Cây cầu này được hoàn thành năm 2016 và ngay tháng 1 năm 2018 cầu Zalige đã vượt qua thành công thử thách về tính hiệu quả khi mực nước sông Waal dâng lên cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Theo: Nhất Lâm/Kenh14

Author: Nhất Lâm

News day