Chiến lược tăng quân trong sự hoài nghi vào Afghanistan của Tổng thống Mỹ
An Nhiên 08/25/2017 10:00 AM
Hơn 7 tháng sau khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 21/8 đã công bố chiến lược mới của nước này tại Afghanistan và khu vực Nam Á, là phải tiếp tục cuộc chiến ở Afghanistan để tránh hậu quả “dự đoán trước và không thể chấp nhận được” trong nỗ lực chống khủng bố.

Tính từ khi Tổng thống Mỹ George W.Bush tuyên bố phát động cuộc chiến chống khủng bố mang tên "Chiến dịch Tự do vĩnh cửu" nhằm dập tắt mầm mống al-Qaeda tại Afghanistan vào tháng 10-2001 đến nay đã ngót 16 năm, trải qua ba đời Tổng thống Mỹ và cuộc xung đột ở Afghanistan vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. 

Ảnh: AP

Từ lâu nay, ông Trump vẫn bày tỏ sự chống đối việc can dự vào Afghanistan khi từng gọi đây “hoàn toàn là thảm họa” và phung phí tiền bạc, cũng như kêu gọi phải rút quân (năm 2012). Từ khi can dự cuộc chiến này, Mỹ đã tiêu tốn cả núi USD và hơn 2.400 lính Mỹ thiệt mạng tại đây. Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo tối thứ hai, ông Trump đã đưa quan điểm trái ngược.

Việc rút quân hay điều thêm quân tới chiến trường Afghanistan đã trở thành chủ đề tranh cãi không ngừng bên trong Nhà Trắng trong khi Quốc hội và Lầu Năm Góc muốn tăng cường thêm binh lính trước tình hình ngày càng tồi tệ ở Afghanistan thì ông Trump muốn thực hiện cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm ngoái của mình là sẽ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan. 

Và trong tuyên bố được truyền hình trực tiếp trên khung giờ vàng của truyền hình Mỹ, ông Trump cho biết quyết định của ông xuất phát từ những mối nguy hiểm lớn trong khu vực, bởi Afghanistan và Pakistan đang là nơi tập trung nhiều tổ chức khủng bố nhất trên thế giới. Ông cho biết, “suy nghĩ bản năng ban đầu là nên rút quân”, ý nói về quan điểm trước khi trở thành Tổng tư lệnh Mỹ của ông về Afghanistan là một vũng lầy mà Mỹ cần phải rút ra  nhanh. Nhưng kể từ khi nhậm chức, ông Trump cho biết ông có suy nghĩ khác: Không thể rút quân vì đây là việc có thể tạo nguy hiểm, khiến cho các tổ chức khủng bố nhanh chóng tràn vào, là mối đe doạ "an ninh mà chúng ta đối diện ở Afgahnistan và trong khu vực lớn”. Việc Tổng thống Donald Trump cho ra đời chiến lược mới đối với cuộc chiến ở Afghanistan vào thời điểm này phần nào là do sức ép nội bộ nước Mỹ và đòi hỏi từ thực địa Afghanistan. Điều này được chính ông Donald Trump thừa nhận: “Tôi chia sẻ sự thất vọng của người Mỹ. Bản năng của tôi là rút quân và từ trước tới giờ tôi thích làm theo bản năng của mình hơn. Nhưng khi đã vào Nhà Trắng thì không dễ quyết định theo bản năng của mình”.

Hiện, Mỹ có khoảng 8.400 binh sĩ sát cánh cùng 5.000 binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang làm nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng Afghanistan chống Taliban và các sứ mệnh chống khủng bố khác. Nhiều khả năng, Mỹ sẽ điều động thêm khoảng 4.000 binh sĩ để tăng viện cho lực lượng hiện có mặt ở Afghanistan. Vào thời điểm cao nhất, dưới thời chính quyền Obama năm 2010-2011, Mỹ hiện diện với gần 100.000 quân ở đó.

Thực tế cho thấy, từng có giai đoạn bị coi là đám “tàn quân”, đến nay, Taliban bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ, chiếm lại nhiều khu vực trên lãnh thổ Afghanistan và thường xuyên gây mất an ninh nghiêm trọng bằng hàng loạt vụ tấn công đẫm máu. Bên cạnh đó, sau khi bị công kích dồn dập ở Iraq và Syria, IS cũng đang trên đường tháo chạy và tìm kiếm các căn cứ mới, trong đó Afghanistan rõ ràng là một nơi nhiều tiềm năng.

Mặc dù bài diễn văn được xem là thông báo chính thức về chính sách đối với Afghanistan nhưng Tổng thống Mỹ không đưa ra thông tin cụ thể, không tiết lộ Mỹ sẽ bổ sung thêm bao nhiêu quân đến Afghnistan và cho biết chiến lược sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế trên chiến trường. Nhưng đây được xem như là chiến thắng quan trọng của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Tướng McMaster – cố vấn an ninh quốc gia, người cho rằng hậu quả sẽ nghiêm trọng nếu Mỹ không hành động nhanh chóng trong việc bình ổn Afghanistan. 

Dù không muốn đổ thêm tiền vào cuộc xung đột tại Afghanistan và tiếp tục bị sa lầy ở chiến trường này, Mỹ cũng khó tìm ra lựa chọn khả quan hơn bởi một khi Mỹ “ra đi”, mảnh đất dành cho khủng bố và cực đoan càng thêm màu mỡ.

Chiến lược mới của Mỹ bước đầu nhận được sự hoan nghênh của Afghanistan và một số nước đồng minh, trong đó có cả Đức, quốc gia từng bị ông Donald Trump chỉ trích nhiều nhất về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Song, cũng nhận được không ít sự hoài nghi về hiệu quả của chính sách mới. Dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố đây là chiến lược có sự thay đổi mạnh mẽ, nhưng nhiều người cho rằng kế hoạch này chưa có nhiều khác biệt so với chiến lược của những người tiền nhiệm như Barack Obama, hay George W.Bush, khiến Mỹ tiếp tục sa lầy vào cuộc chiến.

Nếu tiếp tục rầm rộ đưa quân đến Afghanistan và quyết tâm triệt hạ Taliban, al-Qaeda và IS bằng những cuộc không kích, một “chiến thắng” dành cho nước Mỹ cũng sẽ chẳng dễ dàng và cuộc chiến diễn ra ở Afghanistan gần 2 thập kỷ qua là minh chứng. Taliban vẫn đang nắm ưu thế trên chiến trường này và giải pháp chính trị vẫn đang là một điều xa vời. 

Cố vấn H.R. McMaster (trái) và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, dù đề cập tới mục tiêu “chiến thắng” tại Afghanistan, nhưng ông chủ Nhà Trắng không cho biết cụ thể chiến lược mới là gì cũng như chưa nói rõ chiến thắng đó là gì. Chiến lược mới của Tổng thống Mỹ vì thế được đánh giá là chưa thể giúp thay đổi đáng kể tình hình tại Afghanistan triệt để, nhưng lại khiến những người ủng hộ ông không mặn mà với việc can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột tiêu tốn hàng triệu đô la nhưng không mang lại lợi ích cho dân Mỹ ngày càng không hài lòng.

Có chăng, cách tiếp cận mà ông Donald Trump đưa ra sẽ chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt là giúp quân Chính phủ Afghanistan chiếm ưu thế trên chiến trường, ít ra trong vài năm tới, và tạm thời dẹp bớt những cuộc tranh cãi bên trong Nhà Trắng.

Author: An Nhiên

News day