Tôi đóng quyển sách lại, tiếng gõ cửa bên ngoài cũng dừng.
- Châu! Làm gì trong đó vậy? Xuống ăn cơm nè con.
- Dạ, con ra liền.
Tôi đi xuống bếp thì đã thấy mẹ và ba ngồi ở bàn ăn.
- Hôm qua con đi thăm con Thư sao rồi? Nó đỡ hơn chưa?
Ba tháo mắt kiếng đặt xuống bàn, gắp mấy miếng thịt vào chén tôi.
- Con bé Thư nó vẫn chưa chịu nói chuyện với ai. Nhưng mà nó cũng chịu uống thuốc đầy đủ, có điều con thấy bệnh này phải trị một thời gian dài may ra mới trở lại bình thường được.
Nghe xong, mẹ thở dài. Ba vẫn giọng ôn tồn:
- Tội nghiệp nó.
Thư là em họ tôi. Một cô bé hiền lành và ngoan ngoãn. Vì là con một nên Thư xem tôi như chị gái ruột của mình, tình cảm hai chị em cũng gắn bó thân thiết.
Nhưng từ khi nhà nó chuyển lên Sài Gòn, chúng tôi không còn được gặp nhau thường xuyên. Lúc mới xa nhau, hai đứa vẫn còn nhắn tin qua lại trên zalo, nhưng từ từ sau đó tin nhắn dần ít đi và rồi không có gì để nói với nhau nữa, lâu lắm nó mới lại về quê một lần.
Đến một ngày, dì tôi gọi điện thoại báo với ba mẹ tôi là bé Thư nó uống thuốc tự tử, tôi nghe qua như sét đánh ngang tai, cả nhà tôi ai cũng giật mình. Mẹ toàn kêu trời, nói sao con bé dại quá. Ba thì không biết câu chuyện đầu đuôi ra sao nhưng ba đoán là con bé thất tình sinh ra nghĩ quẩn.
Ngay ngày hôm sau chúng tôi lên thăm em, nhìn Thư nằm co mình trên giường, hai tay ôm chặt vào người, tiều tụy, gầy đến mức gân xanh hiện rõ trên mu bàn tay.
Dì dượng tôi thương con nhiều lắm vì chỉ có một đứa con gái độc nhất, lo cho nó đầy đủ không thiếu một thứ gì, không để nó thua kém một ai. Thế mà chuyện đau lòng này lại xảy ra.
Dì cố dỗ dành hỏi han Thư nhưng em không chịu nói lời nào, chỉ nằm đó nhìn vô định. Nó nằm như một khúc gỗ đặt trên giường, không động đậy, không biểu hiện, không quan tâm như trong lòng đang có nỗi giận hờn sâu đậm.
Thư rất nhạy cảm với ánh sáng, khi tôi kéo tấm rèm cửa sổ ra để xua đi sự u tối trong căn phòng, thì Thư hoảng loạn sợ hãi nhưng lại không la hét điên cuồng, mà chỉ lẳng lặng chui rút trốn xuống gầm giường. Nhìn cảnh tượng đó, ai cũng xót xa.
Vài ngày sau đứa bạn cùng lớp Thư đến thăm nó, nghe Trâm kể chúng tôi mới biết những chuyện ở trường của con bé.
Trâm là bạn thân của Thư ở trường học nhưng đến giờ dì dượng tôi mới biết vì Thư chưa bao giờ nhắc với ba mẹ về các mối quan hệ bạn bè của mình.
Lúc trước Thư thường hay than với Trâm là mình rất mệt, mình rất sợ phải về nhà, mình không muốn ở trong một chiếc hộp được lấp đầy bởi những kỳ vọng của ba mẹ nữa. Những giờ trên lớp, hầu như hôm nào Thư cũng ngủ gật, vào giờ ra chơi Thư cũng tranh thủ ngủ, đến giờ tan học Thư cũng không hào hứng như các bạn khác.
Ba mẹ Thư rất thương Thư, luôn muốn những điều tốt nhất cho con mình. Họ mong muốn con gái luôn là người học giỏi nhất trong lớp, từ nhỏ đến lớn ngày nào cũng bắt con gái mình học bài đến 10 giờ tối mới cho đi ngủ, 4 giờ sáng lại thức dậy học bài tiếp.
Không cho Thư đi chơi, giao du với bạn bè nhiều sợ con mình bị làm hư, bắt Thư phải học giỏi tất cả các môn, bắt Thư đi học thêm nhiều thầy cô.
Đi học phải đúng giờ từng phút, về nhà cũng phải đúng như lịch học. Họ muốn sau này con gái mình có thể thi đậu vào trường đại học y, trở thành bác sĩ.
Nhiều lúc Thư rất muốn nói với ba mẹ là em thật sự quá mệt mỏi với cuộc sống này, em không còn đủ sức để chịu đựng nữa, nhưng chỉ cần mở miệng ra than thở là sẽ bị mắng. Trong nhà Thư phải tuyệt đối nghe lời ba mẹ, không được cãi.
Nhưng đó là điều họ muốn chứ không phải điều Thư muốn. Trong quyển nhật kí với những dòng chữ viết vội vàng, Thư đã gọi nhà mình là địa ngục.
Dượng tôi là một thầy giáo, một người cha bảo thủ luôn đem những tư tưởng cổ hủ của mình áp đặt vào con, luôn luôn so sánh con với người khác, ép nó phải hơn người khác, bắt nó phải xứng đáng với cái tiếng con thầy giáo.
Dì tôi học ít, nhưng rất khó tính, quản con nghiêm khắc và chặt chẽ, ước mơ của dì là làm bác sĩ nhưng vì ngày xưa ông bà ngoại nghèo không lo cho dì học đến nơi đến chốn được, dù rất ham học nhưng học hết lớp năm là dì phải nghỉ để phụ ông bà ngoại đi bán hàng ngoài chợ.
Cho nên dì luôn cho rằng cuộc sống của Thư bây giờ tốt hơn dì ngày xưa rất nhiều, có điều kiện học hành đầy đủ, không phải ra đời kiếm tiền, bắt Thư phải tập trung bù đầu vào việc học.
Mỗi khi Thư có được thành tích gì, dì tôi cũng đem khoe với bà con hàng xóm, lấy con gái làm niềm tự hào của mình.
Trước ngày xảy ra sự việc, mấy hôm trước đó Thư hay đăng những trạng thái khó hiểu trên facebook, thường chia sẻ bài của những page tâm trạng, đổi ảnh đại diện là hình nền đen. Có khi đăng status tầm nửa tiếng thì lại xóa đi. Trâm có hỏi nhưng Thư chỉ trả lời là không có gì.
Thời gian trước, Thư tham gia chương trình văn nghệ của trường, đây là một chương trình lớn, Thư được vào trong đội thời trang. Trong suốt một tháng đi tập với đội, các thành viên trong đội và Thư rất vui vẻ với nhau, Thư rất yêu quý mọi người, xem những người trong đội như anh chị em của mình.
Khi chương trình diễn xong, mọi người ai nấy đều quyến luyến nhau, vẫn giữ liên lạc đi chơi chuyện trò, lên kế hoạch chụp ảnh kỉ niệm và du lịch các thứ.
Nhưng sau này Thư mới biết, thì ra trong suốt khoảng thời gian đó, trong đội thời trang cũng như các đội khác cùng tham gia chương trình văn nghệ lần này đã có những tin đồn ác ý về Thư. Tin đồn xuất phát từ một nhóm bạn nữ chung đội, vì biết được Thư và bạn nam mà các bạn đó để ý thích nhau nên đã tung những lời lẽ và tin đồn khó nghe để mọi người hiểu lầm và tẩy chay Thư.
Thư rất muốn giải thích nhưng những tin đồn sau lưng kia có thể giải thích được với ai, sẽ không ai tin Thư vì dù sao người ta cũng sẽ tin vào số đông hơn là một người.
Vốn là người trầm tính và sống nội tâm, chính những lời lẽ kia làm Thư càng sống khép kín hơn, Thư luôn có cảm giác mọi người đều ghét bỏ mình, Thư cảm thấy không có ai có thể thấu hiểu và chia sẻ với mình.
Thư không muốn nói với Trâm, không muốn làm Trâm phiền lòng và cảm thấy nặng nề về việc riêng của mình. Thư cũng sợ ba mẹ biết chuyện, sẽ làm ầm lên, Thư không can đảm đối diện.
Cứ thế ngày này qua ngày nọ, Thư chịu đựng và dồn nén bản thân. Thư ngày càng trở nên cô độc.
Và một ngày quyển nhật kí Thư giấu trong kệ sách được tìm ra, chúng tôi mới biết những áp lực mà cô bé phải chịu đựng.
Nếu bạn đang sống trong thế giới không giống với người khác, một là bước ra, hai là tách biệt.
Ai cũng có ít nhất một giai đoạn của cuộc đời cho rằng: “Tôi có một con chó mực, nó tên là Trầm Cảm”. Nếu trong cả cuộc đời, bạn không phải trải qua giai đoạn đó hay tự mình đối mặt với nó, tôi ngưỡng mộ bạn vì bạn là người hạnh phúc.
Những người có xu hướng trầm cảm, đa phần là những người sống hướng nội. Nội tâm và cảm xúc của họ đặc biệt hoạt động mạnh mẽ hơn so với người bình thường.
Và từ lâu, nó đã trở thành căn bệnh “không nói được” của rất nhiều người. Nó không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, giới tính, học thức, nó chỉ phân biệt giữa người lạc quan và bi quan.
Nó bắt nguồn từ môi trường sống cũng như cách mà mọi người xung quanh đối xử với họ.
Những người có tính cách khác nhau, suy nghĩ hành động sẽ khác nhau. Tất cả đều bị buộc phải phản ứng lại với những gì mình được (bị) đối xử nhưng người trầm cảm họ sẽ lựa chọn phản ứng tiêu cực và tự thu mình lại.
Con người hầu như có thói quen thích phán xét và gắn mác cho người khác.
Mà họ quên một điều, không có ai trên đời này sống thay cuộc đời cho người khác được, kinh nghiệm sống là tự mỗi người, chẳng ai muốn bị áp đặt vào cái không phải là mình, rồi hiển nhiên sống cuộc đời của một người trầm cảm.
Người trầm cảm tin rằng mình là người vô dụng, người trầm cảm tin rằng không còn ai trên đời này yêu thương và hiểu họ, họ luôn cảm thấy mình chỉ là đang tồn tại hơn là đang sống và họ chỉ tồn tại một mình, bơ vơ, lạc lõng và đơn độc.
Cái họ cần chính là sự thấu hiểu và tình yêu thương. Thường những người trầm cảm là người sống thiếu vắng tình cảm, trong trái tim họ luôn có cảm giác trống trải, nó như một vết hở không tìm được cái gì để lấp đầy.
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX