Chuyện "loài cây ma" không cần quang hợp khiến các nhà khoa học đau đầu suốt 100 năm qua
Vân Anh (Theo Trí Thức Trẻ) 08/17/2017 11:00 AM
Trong khi các sinh vật bạch tạng trên thế giới thường không thể duy trì sự sống nhưng loài cây này vẫn sống dai dẳng một cách kỳ diệu.

Với phần lớn các loài thực vật trên thế giới, bị bạch tạng đồng nghĩa với việc không thể sản xuất sắc tố và sẽ dẫn đến cái chết. Tuy nhiên, hàng trăm cây gỗ hồng bạch tạng tại Vườn quốc gia Humboldt Redwoods ở California (Mỹ) lại không như thế. Những cái cây trắng toát, hoặc nửa xanh – nửa trắng, đúng ra không thể tồn tại nhưng thực tế chúng đang sống rất khỏe.

Cây gỗ hồng bạch tạng. Ảnh: baobinhluan.com

Hơn 100 năm qua, những cái cây gỗ hồng bạch tạng không chết vẫn là bí ẩn với nhiều nhà khoa học. Thậm chí loài cây này còn khiến người ta đặt câu hỏi rằng liệu chúng có thực sự tồn tại hay chỉ là lời đồn đại.

Zane Moore, một nhà sinh vật học trẻ đã dành nhiều năm tìm hiểu về loài cây bạch tạng bí ẩn này.

Các nhà khoa học từng cho rằng cây gỗ hồng bạch tạng là "loài ký sinh" và thậm chí gọi chúng là "cây ma cà rồng". Ảnh: i0.wp.com

Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng cây gỗ hồng bạch tạng sống bằng cách hút chất dinh dưỡng từ các cây khỏe mạnh ở xung quanh. Vậy nên họ cho rằng cây gỗ hồng bạch tạng là "loài ký sinh" và thậm chí gọi chúng là "cây ma cà rồng".

Thế nhưng Moore lại cho rằng: "Một cái cây sẽ không đơn giản chấp nhận loài cây sống ký sinh như cây bạch tạng, hút chất dinh dưỡng suốt từ năm này qua năm khác. Thực tế cây gỗ hồng tồn tại theo cách thông minh hơn thế.".

Lá của cây bạch tạng chứa nhiều hỗn hợp cadimi, đồng và nickel. Đây đều là những kim loại nặng. Ảnh: cms.kienthuc.net.vn

Nghĩ vậy nên Moore đã cùng chuyên gia trồng cây Tom Stapleton xác định vị trí của mỗi cây gỗ hồng bạch tạng được ghi nhận.

Và cuối cùng, Moore và đồng nghiệp đã phát hiện một điều thú vị: Những cây bạch tạng đều sống ở khu vực có điều kiện đất đai và môi trường không thuận lợi.

Cây gỗ hồng bạch tạng chấp nhận "tự đầu độc" chính mình để đổi lấy chất dinh dưỡng từ các cây xanh bên cạnh. Ảnh: afamilycdn.com

Sau khi phân tích, Moore và Stapleton còn phát hiện ra điểm đặc biệt khác, lá của cây bạch tạng chứa nhiều hỗn hợp cadimi, đồng và nickel. Đây đều là những kim loại nặng.

Điều thú vị là nếu những cây gỗ bình thường có mức độ kim loại nặng như vậy thì sẽ không thể tồn tại được nhưng với "loài cây ma" này thì khác. 

Moore giải thích, cây bạch tạng thường phải hấp thụ nước nhiều hơn bình thường do cấu tạo của chúng. Vì vậy, lượng kim loại nặng chảy qua thân cây cũng tăng lên. Chúng chấp nhận "tự đầu độc" chính mình để đổi lấy chất dinh dưỡng từ các cây xanh bên cạnh.

Đặc biệt, có những cái cây nửa xanh nửa trắng còn có 2 bộ ADN khác giống, giống như trong một cơ thể có 2 người tồn tại vậy, nhưng những cây như vậy rất hiếm.

Theo: Trí Thức Trẻ

Author: Vân Anh (Theo Trí Thức Trẻ)

News day