Cơ hội tiến đến công nghệ robotic tại Việt Nam
Aries 03/16/2017 02:00 PM
Công ty Cổ phần Toyooka của Nhật Bản phối hợp đào tạo chuyên gia robot tại Việt Nam là cơ hội tiến đến tương lai hội nhập xu hướng robotic trong 20 năm tới.

Xu thế công nghệ Robotic trong 20 năm tới

Ứng dụng của công nghệ robotic ngày càng mở rộng ra khỏi phạm vi công nghiệp sản xuất. Ngoài Nhật Bản, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã tích cực khai thác các tiềm năng của công nghệ này vào các lĩnh vực dịch vụ như thu ngân, lễ tân, giám sát, nông nghiệp, và trợ giúp - chăm sóc người già.

Dự kiến về tăng trưởng của robot tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: baomoi.com

Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này. Phát triển và ứng dụng robot là con đường tác động lên công nghiệp hóa hiện đại hóa nhanh nhất. Đây cũng chính là một chỉ tiêu quan trọng trong chương trình Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của Khu Công nghệ cao TP HCM, góp phần phát triển kinh tế TP HCM giai đoạn 2016 - 2020.

Tại Việt Nam, robot đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu trong các nhà máy công nghiệp, các robot tự động lau dọn nhà cửa. Để mở rộng nhận thức về xu thế này, trong buổi Hội thảo “SoftBank Smart Robotics - Tương lai trong tầm tay” diễn ra vào ngày 26/8 tới đây, các khách mời sẽ được giao lưu, trực tiếp lập trình cho 06 chú robot NAO đến từ Nhật Bản để trải nghiệm khả năng tương tác của robot với con người và các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục.

Cơ hội từ Nhật Bản

Ngày 24/2/2017, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP HCM đã đưa vào hoạt động Xưởng thực hành Tự động hóa và triển khai Dự án của JICA về khảo sát nhu cầu đào tạo công nghệ robot Nhật Bản. 

Chuyên gia người Nhật của Công ty Toyooka đến kiểm tra vận hành Xưởng thực hành tự động hóa. Ảnh: sggp.org.vn

Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và được triển khai bởi Công ty Cổ phần Toyooka (Nhật Bản) với kinh phí thực hiện là 100 triệu Yên.

Công ty Toyooka được thành lập năm 1948 tại thành phố Okazaki (tỉnh Aichi). Thời gian đầu, công ty chỉ sản xuất các bộ phận máy móc chính xác. Đến năm 1985, công ty bắt đầu sản xuất hệ thống robot, hiện sản xuất và tích hợp hơn 1.000 hệ thống robot các loại… Có thể nói, Toyooka đầy kinh nghiệm và tiềm lực trong triển khai, vận hành robot.

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, nhận định: Nhật Bản có nền kỹ thuật - công nghệ phát triển hàng đầu thế giới. Mối quan hệ hợp tác và giúp đỡ của không chỉ các tổ chức chính phủ mà còn với tất cả các doanh nghiệp (DN), trường đại học và nhân dân Nhật Bản được coi trọng trong quá trình hợp tác phát triển.

Những hứa hẹn của tương lai

Việc triển khai Dự án này chỉ là bước đầu trong chiến lược hợp tác lâu dài giữa khu Công nghệ cao TP HCM với các đối tác có uy tín của Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao tại TP HCM và các tỉnh thành lân cận.

"Chúng tôi tin tưởng rằng những thành quả của dự án sẽ là nền tảng quan trọng để tiến tới thành lập một trung tâm đào tạo Việt - Nhật về robot và tự động hóa”, ông Quốc cho biết.

Xu hướng ứng dụng robot trong cuộc sống 20 năm tới. Ảnh: baomoi.com

Đứng trước câu hỏi liệu robot có thay thế con người trong tương lai trong công việc, ông Takashi Morimoto (Tổng Giám đốc SoftBank Telecom Việt Nam) cho biết: robot "thực hiện chính xác các công việc có tính lặp lại, từ đó giải phóng sức lao động của con người chứ không thể thay thế hoàn toàn các công việc của con người."

Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới robot sẽ ngày càng có ảnh hưởng tới đời sống của toàn xã hội và sẽ có thêm rất nhiều lĩnh vực có sự tham gia của robot. Tuy nhiên, việc phát triển “trí thông minh” của robot đến mức nào, khả năng tương tác của robot ra sao vẫn là những bài toán đặt ra cho các nhà phát triển.

 

Author: Aries

News day