Con đường tơ lụa qua sự tái hiện đặc sắc của truyện tranh
Thảo Nguyên 03/18/2017 06:30 PM
Con đường tơ lụa (The Silk Road) là một tuyến đường thông thương quan trọng của nhân loại trong suốt một thời gian dài lịch sử. Con đường ấy cùng với thiên nhiên, con người mảnh đất Trung Á sẽ ra sao nếu được khắc họa trong truyện tranh? Hãy cùng đến với bộ manga “Otoyomegatari” để hiểu hơn về con đường tơ lụa nhé.

“Otoyomegatari” (Chuyện những nàng dâu)  là tập hợp những câu chuyện đời sống đơn giản trên mảnh đất cao nguyên Trung Á. Một cô gái 20 tuổi được gả cho một cậu bé 12 tuổi, mọi sự kiện xảy đến sau đó đều xoay quanh cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng cũng như những người anh chị em, hàng xóm của họ. Câu chuyện nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng trong từng chi tiết, từng diễn biến, tác giả đều khéo léo lồng ghép các phong tục, tập quán, nếp sống, nếp suy nghĩ của con người vùng Trung Á thế kỉ XVI-XVII.

Bìa tập 2 của bộ truyện tranh.
Ảnh: Truyentranhtuan

Đó là những bài ca phóng khoáng, hoang dại trên lưng ngựa mà người Trung Á hát vang khi họ đi săn giữa thảo nguyên bao la. Đó là những bộ trang phục bằng tơ lụa dệt tay, thêu tay cầu kỳ, sặc sỡ cùng với nguyên tắc “người con gái phải tự tay may trang phục kết hôn cho mình”. Đó là các món ăn truyền thống, là “ngày nướng bánh” với đủ loại bánh trang trí cầu kỳ, hấp dẫn. Đó cũng có thể là nghệ thuật khắc gỗ vô cùng tinh xảo của các nghệ nhân thời ấy. Hay khu chợ - trung tâm buôn bán, giao thương – sầm uất, nhộn nhịp với đủ loại người đến từ các bộ tộc, các quốc gia khác nhau và đủ loại hàng hóa đa dạng. Tất cả những thành tựu đã tạo nên một Con đường tơ lụa vĩ đại, là động lực cho sự phát triển của cả châu Á lẫn châu Âu đều được tái hiện đầy sinh động, quyến rũ dưới nét vẽ tỉ mỉ, tài hoa của họa sĩ Mori Kaoru.

Con người, phong tục vùng Trung Á được khắc họa chi tiết. Ảnh: Zerochan

Và bởi lấy bối cảnh Con đường tơ lụa thế kỉ XVI, thời điểm lịch sử có nhiều biến động mạnh mẽ nên “Otoyomegatari” cũng đề cập cả đến những khó khăn, trắc trở mà những đứa con chất phác, hiền lành của cao nguyên phải đối mặt. Như chuyện cô gái đã sang nhà chồng rồi vẫn bị chính các anh trai của mình đến cướp về để gả cho con của bộ tộc khác để vớt vát mối quan hệ giữa hai bộ tộc. Như chuyện người da trắng tóc vàng bị kì thị, bị đối xử phân biệt. Thậm chí cả chuyện những người nô lệ bị đày đọa vất vả, khổ sở như thế nào.

Các cô gái Trung Á xinh đẹp, duyên dáng mà cá tính.
Ảnh: Zerochan

Tuy vậy, con người các bộ tộc vùng Trung Á vẫn hiện lên trong bộ truyện với dáng vẻ vừa chân thật, mộc mạc vừa mạnh mẽ, oai phong. Trên thảo nguyên, trước kẻ thù, họ đoàn kết, dũng mãnh, với những người thân quen, họ dịu dàng, tình cảm. Mỗi nhân vật đều mang nét đẹp riêng, không trộn lẫn, khiến ta ấn tượng khó phai.

Tác giả Mori Kaoru không chỉ có hiểu biết sâu sắc về Trung Á thế kỉ XVI mà còn có một trí tưởng tượng vô cùng phong phú, từ đó bà đã tái hiện một Con đường tơ lụa vô cùng mới mẻ trước mắt người đọc. “Otoyomegatari” là một bộ truyện tranh đáng đọc vừa do những giá trị văn hóa lịch sử ẩn giấu bên trong, lại vừa do chất “tình”, chất “người” bình dị mà xúc động.

Author: Thảo Nguyên

News day