Cục Hàng không VN lên tiếng vụ hàng chục phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc và đòi khởi kiện
CAO TUÂN/GIA ĐÌNH & XÃ HỘI 08/05/2018 03:30 PM
Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức lên tiếng sau thông tin hàng chục phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ khởi kiện những quy định trái với luật Lao động để gây khó dễ cho những người muốn xin nghỉ việc trong Thông tư của Bộ GTVT.

Cách đây hơn 3 năm, trong dịp Tết dương lịch 2015, khoảng 100 nhân viên hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) từng báo ốm hàng loạt, trong số đó có cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật.

Không những vậy, số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động cũng tăng vọt và báo cáo của VNA khi đó đánh giá, việc này gây xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ phi công và uy hiếp an toàn khai thác máy bay.

Nguyên nhân khiến các phi công báo ốm và xin nghỉ việc không gì khác ngoài câu chuyện lương thưởng. Theo đó, các phi công nhận định rằng, lịch bay dày đặc khiến họ mệt mỏi, trong khi thu nhập thì thua xa so với đồng nghiệp các hãng hàng không khác.

Hơn 3 năm trôi qua, câu chuyện phi công xin nghỉ việc vì lương thấp lại nóng trở lại. Theo báo cáo của VNA gửi Cục Hàng không Việt Nam vào đầu tháng 5/2018, có 2 phi công đã chấm dứt hợp đồng, 7 người mới nộp đơn và 19 trường hợp đang giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động.

Không những vậy, một nhóm phi công của VNA cũng đã gửi kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, phản ánh những bất cập trong Thông tư 41 và Thông tư 21 của Bộ GTVT đang gây khó dễ cho những phi công muốn xin thôi việc, như thời hạn báo trước 120 ngày và phải bồi hoàn chi phí đào tạo quá lớn nhưng không có hóa đơn hợp lệ để chứng minh.

 

Theo báo cáo của VNA vào đầu tháng 5/2018, có 2 phi công đã chấm dứt hợp đồng, 7 người mới nộp đơn và 19 trường hợp đang giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh: PV

“Đã 3 năm qua, từ 2015, chúng tôi đã đối thoại rất nhiều lần với Vietnam Airlines nhưng không nhận được bất kỳ sự hợp tác nào. Nếu không được giải quyết thỏa đáng chúng tôi sẽ khởi kiện", một phi công đang làm việc tại VNA cho biết.

Trước đó, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng có kiến nghị gửi tới Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu làm rõ những tiêu cực trong đào tạo bay của VNA.

Theo ĐBQH Cương, quy định của bộ luật Lao động cho thấy người lao động có quyền nghỉ việc và báo trước 45 ngày. Tuy nhiên, Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT ngày 12/8/2015 về việc chấm dứt hợp đồng lao động có nêu: Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng.

Quy định trên bị bãi bỏ tại Điều 2, Thông tư 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng bộ GTVT. Như vậy, Vietnam Airlines và cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng cho phi công vì chưa chấm dứt hợp đồng là chưa hợp lý.

“Đó là chưa kể Vietnam Airlines còn yêu cầu thực hiện bồi hoàn gồm 2 nội dung chi phí đào tạo và chi phí phá vỡ hợp đồng. Mức bồi hoàn tùy từng trường hợp cụ thể và quy định này chỉ được biết đến khi người lao động tới thanh toán", ông Cương nêu ý kiến.

Theo ông Cương, điều này khiến người lao động (phi công) vừa phải chịu 120 ngày báo trước, vừa phải chịu chi phí phá vỡ hợp đồng là bất hợp lý và không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

 

Trong khi đại diện VNA công bố lương cơ trưởng được 270 triệu đồng thì thực tế chỉ khoảng 120 triệu đồng. Ảnh: kenh14.vn

“Thiết nghĩ, nghề phi công là một nghề đặc biệt nên cần có quy định sao cho phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, việc đặt ra các quy định trái với Bộ luật Lao động thì cần phải xem lại. Thời gian qua, việc phi công người Việt Nam của Vietnam Airlines bỏ việc hàng loạt có lý do bắt nguồn từ chế độ lương và các chế độ chính sách khác với phi công còn nhiều hạn chế, thậm chí bất công”, vị ĐBQH cho hay.

Về phía Bộ GTVT cho biết, Bộ đã nhận được ý kiến của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, đồng thời có văn bản yêu cầu Vietnam Airlines xác minh lại nội dung trên.

“Yêu cầu Vietnam Airlines khẩn trương rà soát, có báo cáo giải trình về các nội dung mà đại biểu Quốc hội nêu (lưu ý bám sát câu hỏi và trả lời thẳng thắn vào nội dung vấn đề, làm rõ việc có hay không có tình trạng như ý kiến của đại biểu nêu, giải pháp chấn chỉnh). Nội dung giải trình, phục vụ trả lời đại biểu Quốc hội yêu cầu gửi về Bộ GTVT trước ngày 31/7.2018” văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo kiến nghị đối với Thông tư 41/2015/TT-BGTVT và Thông tư 21/2017/TT-BGTVT tới bộ GTVT về công tác cấp bằng và chấp nhận chuyển đối nhà khai thác của Cục Hàng không Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, quy định của Điều 14.169 phụ lục của Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT quy định về quản lý nhân viên trình độ cao, để được chấp nhận chuyển đổi người khai thác tàu bay, nhân viên hàng không trình độ cao (người lái tàu bay) phải đáp ứng các yêu cầu:

Đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với người khai thác tàu bay hiện tại theo quy định; Có hợp đồng lao động với người khai thác tàu bay mới.

Cho rằng bị áp bức, bóc lột, nhóm phi công đang làm việc tại VNA đã làm đơn cầu cứu, xem xét các văn bản trái luật gửi đến các cơ quan chức năng. Ảnh: kenh14.vn

Ngoài ra, để được chuyển đổi nhà khai thác, người lái tàu bay phải được người khai thác tàu bay mới huấn luyện đầy đủ các khoá học ban đầu của nhà khai thác theo quy định... và trình đầy đủ hồ sơ huấn luyện nhà khai thác đến cục Hàng không Việt Nam.

Đối với một phi công muốn chuyển đổi nhà khai thác tàu bay phải cung cấp đủ bộ hồ sơ bao gồm hồ sơ chấm dứt hợp đồng lao động với người khai thác tàu bay cũ, hợp đồng lao động mới và hồ sơ huấn luyện chuyển đổi nhà khai thác.

Về nội dung tổng công ty Hàng không Việt Nam VNA đưa ra những khoản bồi hoàn vô lý, quá lớn và không có hoá đơn, chứng từ, cục Hàng không khẳng định, đối với các điều kiện chấm dứt hợp đồng, các hãng hàng không nói riêng và các tổ chức nói chung có hợp đồng lao động quy định trách nhiệm dân sự giữa cá nhân và tổ chức.

Cục hiện đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nội dung chuyển đổi nhà khai thác và không có thẩm quyền can thiệp việc thực hiện hợp đồng dân sự về trách nhiệm bồi hoàn huấn luyện đào tạo của các phi công và hãng hàng không.

Sáng 4/8, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện người đứng đơn kêu cứu (gồm 16 chữ ký trực tiếp của tập thể phi công Việt Nam) cho biết: "Môi trường làm việc không được đảm bảo, có sự bóc lột lao động, lương phi công quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không... là những bất cập mà những phi công đang làm việc tại VNA phải chịu. Hiện tại chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến của cấp cao hơn là Chính phủ và Bộ GTVT. Mới đây, nhóm phi công cũng đã gửi đơn và những bằng chứng tố cáo tiêu cực tại hãng hàng không VNA lên Quốc hội”.

 

Author: CAO TUÂN/GIA ĐÌNH & XÃ HỘI

News day