Cuộc chiến Trump - Comey: Trump lên tiếng minh oan, cáo buộc Comey nói dối
Dư Hoàng 06/11/2017 07:00 AM
Một ngày sau phiên điều trần công khai trước Quốc hội của cựu Giám đốc FBI James Comey, vào sáng sớm ngày 9/6, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter "dù có nhiều sai lệch và dối trá, nhưng (ông) hoàn toàn được chứng minh”, và nói thêm rằng “Comey là kẻ rò rỉ bí mật” và phản bội lời tuyên thệ.

Đây được cho là nhằm vào lời khai của ông Comey trong phần điều trần công khai, cho biết ông nhờ người bạn là giáo sư luật ở đại học Columbia rò rỉ với báo chí một phần nội dung bản ghi nhớ ông viết ra sau một cuộc nói chuyện với ông Trump, để khiến cuộc điều tra tiếp tục.

Tổng thống Trump đã chấm dứt sự im lặng trên Twitter vào ngày 9/6. Ảnh: Twitter Donald J. Trump

Sau đó, phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng trong cuộc họp báo với Tổng Thống Klaus Iohannis của Romania ngày 9/6 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump lên tiếng bác bỏ những cáo buộc nhằm vào mình mà cựu Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey đưa ra trong buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm 8/6. Ông khẳng định “James Comey đã nói rất nhiều điều về tôi, nhưng một số điều trong đó không đúng sự thật”.

Ông cũng cho biết, sẵn sàng 100% ra điều trần trước Quốc hội liên quan đến các cuộc nói chuyện giữa ông và ông Comey và tuyên thệ chỉ nói sự thật. Điều này cho thấy vụ sự kiện ông Comey điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm Thứ Năm sẽ còn có nhiều tranh cãi nổ ra trong những ngày tới. 

Đề xuất về việc điều trần trước Quốc hội của ông Trump sẽ dẫn tới một tình huống tiếp theo của sự việc. Nếu lời khai của Tổng thống Trump hoặc những ghi chép của James Comey về những cuộc đối thoại giữa hai người bị phát hiện là không đúng sự thật, người nói dối sẽ bị buộc tội khai man trước điều tra viên liên bang. 

Tuy nhiên, ông lại né tránh khi được hỏi, ông có ghi âm các cuộc nói chuyện trong Phòng Bầu Dục - như ông từng hàm ý trong một tweet viết ra vào tháng trước, thì vị Tổng thống cho biết ông không hàm ý gì cả. Ông nói thêm sẽ công khai trong một thời gian ngắn sắp tới, nhưng ông tin là các phóng viên sẽ rất là thất vọng khi biết được câu trả lời.

Với câu trả lời nước đôi như thế, các chuyên gia đánh giá, tình huống này có thể “đạt tiêu chuẩn” để ông Robert Muller, người đang điều tra vụ Nga bị tố cáo xen vào bầu cử Mỹ, có thể để mắt tới.

Hiến pháp Mỹ không đề cập khả năng liệu một Tổng thống có thể bị truy tố hình sự hay không và đây cũng là đề tài gây tranh cãi pháp lý khi chỉ có quy định Tổng thống có thể bị truy tố sau khi hết nhiệm kỳ.

Ông Trump gián tiếp tố cáo ông Comey bội thệ khi mạnh mẽ bác bỏ chuyện ông Comey nói rằng Tổng thống yêu cầu ông ngưng cuộc điều tra của FBI đối với cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, một người thân cận của ông Trump.

James Comey tuyên thệ trước khi bắt đầu phiên điều trần hôm 8/6. Ảnh: Reuters

Đồng thời, ông Trump cũng bác bỏ chuyện ông yêu cầu ông Comey phải trung thành vì ông không biết rõ ông Comey, mặc dù có nói thêm rằng nếu ông có yêu cầu vậy cũng không hề sai. 

Theo thống kê của Nielsen, phiên điều trần công khai kéo dài gần 3 tiếng của James Comey đã thu hút khoảng 19,5 triệu người xem trên tổng số 10 kênh truyền hình của Mỹ, không tính những người xem trên máy tính và điện thoại di động.

Đây là một con số ấn tượng đối với một sự kiện được phát sóng trong ngày thường, chứng tỏ sự quan tâm của công chúng đối với vụ việc của James Comey khi các đài phát thanh đã cắt bỏ những chương trình thường ngày để phát sóng phiên điều trần này.

Trong cuộc điều trần, ông Comey kể lại tường tận những tâm trạng nghi ngờ Tổng thống Trump sau những cuộc gặp gỡ tiêng tư mà ông cho rằng không hợp lý và khẳng định rõ ràng lý do sa thải ông của ông Trump nhằm ngăn cản cuộc điều tra về mối quan hệ giữa Nga và ủy ban tranh cử của ông Trump.

Mặc dù trong phiên điều trần, ông Comey đã không đưa ra được tiết lộ lớn nào về các mối liên hệ giữa uỷ ban tranh cử của ông Trump cũng như các động thái can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ của Nga. Nhưng phiên điều trần cũng được đánh giá là một sự thành công với ông Comey, không những danh tiếng của ông không bị sút giảm, mà còn tạo ra được hình ảnh chuyên nghiệp, điềm tĩnh cũng như một con người đáng tin.

Trong chương trình “Morning Joe” của hệ thống MSNBC sau đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins gọi ông Comey là người "đáng tin, thành thật và rõ ràng". Bà cũng khẳng định Quốc hội cần phải yêu cầu giao nộp những cuốn băng ghi âm về những cuộc nói chuyện giữa Tổng thống và ông James Comey, nếu có. 

Cũng trong cuộc điều trần, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã giải thích cho hành động của ông Trump rằng Tổng thống mới vào Nhà Trắng và không biết cách hành xử với các cơ quan công lực, vốn không để bị ảnh hưởng bởi các phe phái chính trị.

Cũng trong ngày 9/6, các nghị sĩ tại lưỡng viện đều yêu cầu giao nộp bản ghi nhớ liên quan đến các cuộc nói chuyện riêng tư giữa ông Trump và ông Comey, cũng như bất cứ hồ sơ nào mà Nhà Trắng có lưu trữ liên quan đến các cuộc thảo luận của hai người này - bao gồm luôn cả băng ghi âm. Thời hạn mà Ủy ban Tình báo Hạ viện yêu cầu cả ông Comey lẫn Nhà Trắng phải nộp những hồ sơ này và băng ghi âm, nếu có, vào ngày 23/6.

Tổng thống Trump và ông Comey. Ảnh: Getty

Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã gửi yêu cầu ông Daniel Richman, giáo sư luật tại đại học Columbia University - bạn ông Comey người đã xác nhận tiết lộ với báo chí về những bản ghi chép này, nộp các bản ghi nhớ của ông Comey. 

Ủy ban Thượng viện cho biết đã gửi yêu cầu cho ông Richman vào hôm 8/6, tuy nhiên, cho tới trưa ngày 9/6, thời hạn yêu cầu ông Richman giao nộp, ông này vẫn chưa phản hồi.

Trước đó, ngày 17/5, Ủy ban này cũng yêu cầu FBI và Nhà Trắng nộp những hồ sơ này nhưng cũng không nhận được.

Author: Dư Hoàng

News day