Cuộc trưng cầu dân ý Catalonia: Tây Ban Nha thua nhiều mặt?
Anh 10/06/2017 07:30 AM
Tây Ban Nha đang lâm vào tình trạng khủng hoảng chính trị chưa từng có dù Thủ tướng nước này đang phủ nhận điều đó. Chính quyền Madrid ngày 5/10 đã đình chỉ phiên họp tới đây của quốc hội Catalonia, bác khả năng hoà giải và cáo buộc các lãnh đạo xứ tự trị này đang tống tiền cả đất nước. Dù kết quả cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý trước đó có thể vô nghĩa khi không ràng buộc về pháp lý nhưng sự thô bạo của cảnh sát Tây Ban Nha trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho khu vực Catalonia đã khiến sự căng thẳng thêm leo thang.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Tây Ban Nha đã châm ngòi cho sự bùng nổ của phong trào đòi độc lập, khiến nhiều người trong khu vực thịnh vượng Catalonia, trung tâm công nghiệp và du lịch đóng góp 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho toàn Tây Ban Nha, cảm thấy họ bị đối xử bất công khi nhận về từ chính quyền Madrid ít hơn những gì họ đóng góp vào ngân sách. Lãnh đạo khu vực này và những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Catalonia vẫn luôn để ngỏ khả năng đơn phương tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập khi khu vực này luôn tồn tại một nền văn hoá riêng biệt so với phần còn lại của Tây Ban Nha với lá cờ riêng, ngôn ngữ riêng....

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Ảnh: Reuters

Khi Tòa án hiến pháp điều chỉnh một bản hiến chương có nội dung trao thêm quyền lực cho các khu vực - và đã được quốc hội Tây Ban Nha thông qua, sự ủng hộ độc lập lên đến đỉnh điểm vào năm 2013, với tỉ lệ 49%.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Catalonia - chỉ chiếm đa số mong manh ở nghị viện khu vực - đã thúc đẩy cuộc bỏ phiếu hôm 1/10 dù nó đối mặt với sự phản đối đáng kể; những người Catalonia muốn tiếp tục thuộc về Tây Ban Nha không nghĩ đến chuyện đi bỏ phiếu.

Có lẽ, khi tiến hành tổ chức cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về độc lập của xứ Catalonia ngày 1/10, cả phe đồng ý lẫn phe phản đối đều hoàn toàn không thể lường trước cảnh tượng bạo lực xảy ra tại các điểm bỏ phiếu: Cảnh sát chống bạo động dùng dùi cui đánh đập những người phản đối hòa bình, nắm tóc cử tri lôi ra ngoài hoặc ném họ xuống cầu thang, bắn đạn cao su để giải tán đám đông. Động thái khiến hàng trăm người bị thương, theo nhà chức trách Catalonia, và ít nhất 11 cảnh sát bị thương, theo chính phủ trung ương Tây Ban Nha.

Biểu tình ở Barcelona hôm 3/10. Ảnh: Reuters

Chính phủ trung ương đã tịch thu 10 triệu phiếu bầu, bắt giam những quan chức chủ chốt, làm gián đoạn những công nghệ dùng để kết nối các phòng phiếu, hỗ trợ việc kiểm phiếu và bỏ phiếu trên mạng, ngăn chặn và đưa cử tri ra khỏi các điểm bỏ phiếu và tịch thu các thùng phiếu, còn phía Catalonia kêu gọi cử tri in lá phiếu tại nhà, đồng thời tuyên bố họ có thể bỏ phiếu ở bất cứ địa điểm nào họ muốn.

Theo kết quả do chính quyền Catalonia công bố, hơn 90% số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 ủng hộ tuyên bố độc lập của xứ tự trị này, dù chỉ có khoảng 43% trong tổng số 5,3 triệu cử tri hợp pháp tại Catalonia tham gia cuộc bỏ phiếu.

Thủ hiến Carles Puigdemont cho biết sẽ yêu cầu quốc hội Catalonia tuyên bố độc lập ngay khi có kết quả kiểm phiếu của cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10, Catalonia có thể đơn phương ly khai khỏi Tây Ban Nha vào ngày 9/10 nếu như theo đúng kế hoạch.

Thế nhưng, phản ứng của Thủ tướng Mariano Rajoy, trong bài phát biểu với toàn dân, sau sự việc bạo lực thật đơn giản: Chẳng có cuộc trưng cầu ý dân nào diễn ra và cũng chẳng có vấn đề nào xảy ra cả - cảnh sát đã hành động với "sự kiên quyết và ôn hòa", trách nhiệm đều thuộc về chính quyền Catalonia.

Ngày 5/10, Toà án hiến pháp phán quyết cuộc trưng cầu ý dân là bất hợp pháp và đã đình chỉ phiên họp tới đây của quốc hội Catalonia nhằm ngăn cản cơ quan này đơn phương tuyên bố Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Cũng vào hôm 5/10, chính quyền Madrid cho biết sẽ không chấp nhận lối hành xử theo kiểu "tống tiền" của chính quyền Catalonia khi thủ hiến vùng tự trị này công bố kế hoạch tuyên bố độc lập trong cuối tuần này hoặc đầu tuần sau, sau khi có các thông tin cho thấy lãnh đạo Catalonia muốn giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thông qua trung gian hòa giải.

Catalonia là vùng lãnh thổ tự trị trù phú tại đông bắc Tây Ban Nha. Ảnh: BBC

Chưa biết cuộc trưng cầu dân ý sẽ đi về đâu khi kết quả trưng cầu ý dân không thể thực sự đại diện cho ý nguyện của toàn bộ người dân khu vực Catalonia thì sẽ không mang tính ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, chắc chắn cuộc khủng hoảng chính trị của Tây Ban Nha không dừng tại đây khi cú sốc sau cuộc bỏ phiếu đang lan rộng hơn ra ngoài khu vực Catalonia và cả Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha đang phải trả giá cho phản ứng mạnh tay của ông Rajoy trong việc ngăn chặn cuộc bỏ phiếu trái phép bằng những phương thức thô bạo và bằng bất cứ giá nào, đặc biệt sau những phát biểu mới nhất của ông. Bạo lực, gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy một số người dân Catalonia có thái độ thờ ơ hoặc phản đối độc lập chuyển sang theo đuổi mục tiêu ly khai còn những người muốn ly khai càng có thêm động lực khi những người theo chủ nghĩa dân tộc lên án sự độc đoán và châm ngòi cho những phàn nàn về hành động đàn áp ý chí của khu vực Catalonia.

Thủ tướng Bỉ Jeremy Corbyn và ông Guy Verhofstadt, thành viên Nghị viện châu Âu, lên án bạo lực ở Catalonia, dù hầu hết nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tìm cách đứng ngoài chuyện này, còn thủ lĩnh khu vực Catalonia Carles Puigdemont khẳng định nhà nước Tây Ban Nha "thiệt hại nhiều hơn".

Ông Verhofstadt hối thúc xuống thang căng thẳng, một giải pháp được thương thảo bởi tất cả các bên, trong đó có cả phe đối lập ở Catalonia với sự tôn trọng hiến pháp, pháp luật đất nước, và duy nhất cách thoát khỏi sự hỗn loạn này là khi các bên sẵn sàng lắng nghe, trong đó quan trọng nhất là lắng nghe người Catalan.

Nếu Catalonia thực sự đơn phương tuyên bố độc lập, hành động này có thể gây ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới nền kinh tế và chính trị của xứ tự trị này nói riêng và toàn Tây Ban Nha nói chung. Điều này cũng có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm thổi bùng lên ngọn lửa ly khai vốn đang âm ỉ tại một số quốc gia châu Âu.

Author: Anh

News day