Đại học có phải con đường duy nhất đi đến thành công
Mỹ Hằng 12/17/2017 06:30 PM
Đại học là niềm mơ ước của biết bao bạn trẻ. Thế nhưng trên thực tế, đại học không phải con đường duy nhất mang đến thành công, nó không là con đường duy nhất để lập nghiệp. Đại học xét cho cùng chỉ là một trong vô số các lựa chọn mà thôi. Vẫn biết là vậy, nhưng sao áp lực đại học trong mỗi mùa thi cử lại căng thẳng kinh khủng đến như vậy?
Ảnh: teamnhadat.com

Rất nhiều cử nhân, thạc sỹ sau khi ra trường không xin được việc làm buộc phải làm những công việc trái với ngành nghề mà mình đã học. Như vậy, có không ít sinh viên lãng phí mất bao thời gian, công sức của mình và tiền bạc theo đuổi ước mơ đại học rồi lại bắt đầu từ vạch xuất phát. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong số nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là do công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp ở các cấp chưa được chú trọng và thực hiện tốt.

Ngày nay, trong thời đại công nghệ và kết nối, thế giới trở nên phẳng hơn và cơ hội cho người trẻ cũng ngày càng nhiều hơn. Những chương trình học ngắn hạn, những khóa học kỹ năng với nội dung học sát với thực tế hay chọn đúng vào đam mê của giới trẻ ngày càng nhiều và quan trọng hơn, các bạn trẻ có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống hay có thể tìm được việc làm phù hợp nhờ những kỹ năng và chứng chỉ ngắn hạn mà họ đạt được.

Đại học không phải là con đường duy nhất. Lựa chọn cho mình một ngã rẽ khác chưa hẳn là một quyết định sai lầm. Các trường cao đẳng, trường dạy nghề vẫn là một môi trường lý tưởng để bạn tiếp tục phấn đấu, thử nghiệm và trải nghiệm.

Những tấm gương thành tài không bằng Đại học

Ảnh: vietnammoi.vn

Có lẽ bạn sẽ rất ngạc nhiên, nhưng có một sự thật là trên thế giới đã chứng kiến nhiều người thành công mà không sở hữu tấm bằng Đại học. Nổi tiếng nhất trong số đó là tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Sau năm đầu tiên đi học, ông quyết định tự học để trở thành Luật sư bằng cách nghiền ngẫm quyển Commentaries on the Laws of England của Blackstone. Trong thế giới thời trang có Coco Chanel, nhà sáng lập của hãng thời trang và một dòng nước hoa cùng tên, cũng đã giúp thương hiệu này tỏa sáng thế giới mà không cần học Đại học. Thậm chí có nhiều tên tuổi còn bỏ ngang việc học phổ thông như Simon Cowell (người sáng lập ra các chương trình truyền hình thực tế như American Idol, The X Factor và Britain’s Got Talent) hay ông chủ của McDonald’s, Ray Kroc.

Còn ở Việt Nam, có thể điểm mặt 5 tỷ phú không học Đại học là ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) với tài sản hơn 7.000 tỷ đồng cổ phiếu, ông Lê Phước Vũ (chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen), ông Dương Ngọc Minh (chủ tịch Thủy sản Hùng Vương, tài sản 810 triệu đồng), bà Chu Thị Bình - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc MPC và bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai (top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012)…

Tất nhiên việc kể tên những tấm gương làm giàu ở trên không phải để khuyến khích bạn rớt Đại học mà chỉ để chỉ ra rằng bạn vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng việc đi những con đường khác.

Con đường thứ nhất: Kinh doanh

Ảnh: khatvongkinhdoanh.com

Chưa bao giờ phong trào kinh doanh phổ biến như bây giờ. Ngay cả khi còn là học sinh, nhiều bạn đã có ít nhiều kinh nghiệm mua bán. Thông thường là kinh doanh áo quần, đồ hand-made nhưng cũng có những bạn dám kinh doanh cả đồ ăn, giải khát như trà chanh vỉa hè đến các món ăn đang thịnh như chè khúc bạch, bún đậu mắm tôm…

Với sự phổ biến rộng rãi của mạng Xã hội, đặc biệt là Facebook, việc quảng cáo, bán mua chưa bao giờ đơn giản hơn thế.

Lời khuyên từ Hotcourses: Bạn nên quan tâm chuẩn bị kĩ càng từ trước về kinh phí thực hiện, kế hoạch thu hồi vốn, tìm kiếm mặt bằng, liên hệ các đối tác, quảng cáo tới khách hàng… rồi hãy bắt tay đầu tư. Một điều cũng vô cùng quan trọng nữa là tìm hiểu kiến thức về lĩnh vực này qua các kênh thông tin như sách báo, người thân, Internet vì đó là cách tốt nhất để bạn lường trước những điều có thể sẽ xảy đến trong quá trình làm giàu.

Con đường thứ hai: Thi thố tài năng

Ảnh: Vietnamnet.vn

Những bạn trẻ đam mê các bộ môn ít tính hàn lâm sách vở (như ca hát, múa, thiết kế thời trang…) có lẽ sẽ tán đồng với phương án này. Có hàng tá những cuộc thi tìm kiếm nhân tài không chuyên, với nhiều ngành nghề khác nhau. Với những người tham gia và lọt vào các chương trình thực tế truyền hình, đây là cơ hội mang họ đến gần hơn với khán giả và chứng tỏ sở trường bản thân, trước khi xác định một lối đi chuyên nghiệp. Nếu mê ca hát, bạn có thể đăng lý thi Vietnam Idol, The Voice hay các cuộc thi hát chuyên nghiệp. Những ai mê làm thiết kế thời trang thì có Project Runway Vietnam, mong làm thiết kế có Xưởng thời trang. Trong lĩnh vực Người mẫu thì có Vietnam’s Next Top Model. Thậm chí những tài lẻ không giống ai cũng được chào đón tại Vietnam’s Got Talent…

Hotcourses nhắn bạn: Điều duy nhất bạn nên quan tâm là xác định năng lực của bản thân xem có thực sự đủ để thi thố hay không. Hãy xem đây là một cuộc đua nghiêm túc không chỉ hứa hẹn mang lại giải thưởng lớn mà còn là một cánh cửa cuộc đời cho riêng bạn.

Con đường thứ ba: Học nghề

Ảnh: hotcourses.vn

Người Việt Nam mình có quan niệm học chữ quan trọng hơn học nghề và thật may là quan niệm này đang ngày càng trở nên lỗi thời. Hãy nhìn xung quanh bạn xem, có phải các bà các chị vẫn đang rỉ tai về một tiệm cắt tóc đắt đỏ và đông đúc mà phải hẹn trước cả tuần lễ mới có được cái hẹn làm tóc. Có phải bạn vẫn thường trầm trồ trước anh chàng bartender khéo léo nơi quán bar. Có phải bạn đã từng mơ được hiểu biết như anh chàng sửa xe ô tô ở gara đầu xóm để tha hồ “làm việc” với những dòng xe mới nhất, thậm chí là được bắt tay vào tân trang chúng theo phong cách của mình. Có phải bạn cũng từng muốn là một người thợ may để có thể tự thiết kế và may cho mình những bộ đồ ưng ý nhất… Vậy thì tại sao không tự đi học nghề để cho mình một cơ hội hô biến giấc mơ tuổi nhỏ thành sự thật?

Thời buổi mà nhà nhà có bằng Cao đẳng, Đại học, thậm chí là Thạc sĩ thì việc sở hữu một cái nghề trong tay đảm bảo sẽ giúp bạn thuận lợi hơn cho công cuộc tìm việc. Thậm chí bạn có thể vận dụng món nghề đó để kinh doanh sau này. Nếu thực sự có chí và tài năng, bạn sẽ không bao giờ chỉ dậm chân ở vai trò một anh thợ đâu, thật đấy!

Con đường rất dài, rất xa: Đi du học

Ảnh: duhocblueocean.vn

Trong bài viết “Rớt Đại học không còn là nỗi ám ảnh” từng lên báo Hoa Học Trò, có hai chia sẻ thể hiện rất rõ xu thế hiện tại.

“Diễm Linh (tân sinh viên ĐHKHXH & NV) bày tỏ: “Bây giờ rớt Đại Học thì đi du học, thấy chuyện du học giờ dễ dàng quá, chỉ cần gia đình có điều kiện là xong ngay”. Câu nhận định chủ quan tưởng chừng chỉ bâng quơ chung chung, nhưng lại phản ánh rất đúng thực tế về chuyện chọn đi học Đại Học ở nước ngoài. Nhiều lớp, nhất là những lớp song ngữ, chuyên ngữ, số học sinh có quyết định du học sau khi Tốt nghiệp hơn quá nửa. M. Trang (18 tuổi) thì kể: “Vào phòng thi Đại Học mà chỉ toàn nghe chuyện chờ giấy gọi nhập học của trường này trường nọ. Đứa ngồi đằng trước tâm sự sắp đi Sing học Quản Lí khách sạn, đứa ngồi bên cạnh học tiếng Pháp 12 năm nhưng quyết định qua Mỹ học Kinh tế”. Từ câu chuyện của M. Trang, thấy được rằng việc đi thi Đại Học chỉ như một động tác giả, du học ngay từ đầu đã là mục tiêu phấn đấu. Dễ hiểu là, với những người có tính cách thích khám phá và năng lực ngoại ngữ, du học là một ước mơ được ấp ủ từ lâu, trước cả khi viết tên vào tờ giấy đăng kí thi Đại Học.”

Author: Mỹ Hằng

News day