Dấu ấn của Tổng thống Trump sau 1 năm cầm quyền
Dư Hoàng 01/20/2018 10:00 AM
Ngày 20/1/2018 vừa tròn 1 cầm quyền của ông Donald Trump, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. "Ồn ào và phá cách" là những từ được giới chuyên môn đánh giá nước Mỹ một năm qua dưới sự lãnh đạo của một người "ngoại đạo" gây nhiều sóng gió và bất ngờ cho người dân Mỹ và thế giới.

Trong một năm qua, vị Tổng thống vốn chưa từng có kinh nghiệm chính trị đã luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, với hàng loạt quyết định gây tranh cãi đi ngược lịch sử, và cả những “trái ngọt” cho nền kinh tế số 1 thế giới.

Trước khi tham gia chính trị và đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Donald Trump là một thương gia và ngôi sao truyền hình. Chiến thắng của ông là điều bất ngờ với cả phía ủng hộ và không ủng hộ ông khi ông khác với các chính trị gia chính thống trên thế giới. Nước Mỹ chưa bao giờ có một Tổng thống như ông Trump. Và một năm qua dù nhiều ồn ào và tranh cãi, nhưng Tổng thống Trump đã kịp in "dấu ấn ảnh hưởng của mình" trong việc thay đổi nước Mỹ và hình ảnh nước Mỹ đối với thế giới.

Tổng thống Trump (phải) và Tướng H.R. McMaster. Ảnh: AP

Không giống những vị "chính khách chính thống" khác, ông chủ hiện tại của Tòa Bạch Ốc đã chứng minh mình là một nhà lãnh đạo thực sự khác biệt, không chỉ so với người tiền nhiệm của Đảng Dân chủ mà còn không giống bất cứ ai trong số các Tổng thống Cộng hòa trước đây. Với những quyết sách nhiều bất ngờ, ông đã có nhiều bước đi quyết liệt, thậm chí còn đảo ngược chính sách của Chính phủ tiền nhiệm. Ông bước vào Tòa Bạch Ốc với những gì đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", tất cả đều được ông hướng đến mục tiêu là ưu tiên quyền lợi của nước Mỹ, hàng loạt quyết sách xoay quanh hai ưu tiên hàng đầu: Lợi ích kinh tế và an ninh Mỹ khi yêu cầu tái đàm phán các hiệp định thương mại tự do và buộc các đồng minh phải đóng góp ngân sách nhiều hơn cho an ninh.

Cùng đội ngũ các tỷ phú, triệu phú, những người giúp việc trong bộ máy của ông không ai có kinh nghiệm làm việc ở cấp độ Chính phủ, vì vậy chính quyền Mỹ đến nay vẫn chưa thể vận hành một cách bình thường, các đối tác thương mại chủ chốt trở nên thiếu chắc chắn, và các đồng minh đang hoạt động một cách độc lập hơn.

Không hề kế thừa việc đảm nhận vai trò, trách nhiệm của Mỹ với thế giới, ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel… Mỗi động thái của Tổng thống Donald Trump trong 365 ngày vừa qua đều khiến thế giới thảng thốt và làm bùng lên những cuộc tranh cãi nảy lửa cả trong và ngoài nước Mỹ. Những quyết sách phục vụ cho học thuyết “Nước Mỹ trên hết” dù chưa thể khẳng định sẽ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhưng rõ ràng người dân xứ Cờ hoa ít nhiều nhận được những “trái ngọt” từ chính sách chú trọng đầu tư trong nước, cắt giảm thâm hụt thương mại, thậm chí bỏ qua các quy định, quy tắc thương mại quốc tế… của Tổng thống Donald Trump.

Nhưng nếu coi kinh tế là thước đo quan trọng nhất về năng lực điều hành của một Tổng thống Mỹ, thì ông Donald Trump rõ ràng đã “thành công” vượt trội so với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, dù các tuyên bố và quyết sách về đối ngoại, nhập cư, biến đổi khí hậu… khiến người ta nhìn vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với con mắt hoài nghi.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. Ảnh: Getty

Trong bối cảnh một số bang phải oằn mình chống chọi với những cơn bão lịch sử, cháy rừng khủng khiếp, nền kinh tế Mỹ vẫn có mức tăng trưởng GDP ấn tượng hơn 3% trong ba quý liên tiếp (mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua). Nhiều người dân Mỹ đã bắt đầu mỗi ngày mới với tâm trạng phấn chấn hơn khi tiền lương được cải thiện, các quỹ hưu trí tăng, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục cán các mốc kỷ lục mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1%, mức thấp nhất trong mười mấy năm qua.

Đặc biệt, cuối tháng 12/2017, ông Donald Trump còn mang tới một món quà Giáng sinh đặc biệt bằng việc ký đạo luật cải tổ thuế lớn nhất tại Mỹ trong vòng 30 năm qua. Cho dù phe Dân chủ cho rằng đạo luật này sẽ nới rộng cách biệt thu nhập giữa người giàu và người nghèo, nhưng việc thông qua đạo luật giảm thuế cũng được cho là sẽ làm tăng thêm sức sống và giúp tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2018 - 2019 có thể đạt mức cao mới khi có những dấu hiệu cho thấy các công ty lớn của Mỹ sẽ chuyển đầu tư về trong nước, giúp gia tăng công ăn việc làm.

Công bằng mà nói, ông Trump đã đạt được những mục tiêu kinh tế tốt nhất trong các mục đề ra trong cương lĩnh tranh cử.

Tuy nhiên, ngoài bức tranh kinh tế đầy lạc quan, ông Trump lại gặp khá nhiều “điểm trừ” trong năm đầu tiên tại vị với các chính sách ngoại giao mang đậm dấu ấn của vị tỷ phú này đã khiến nước Mỹ nhiều phen rơi vào thế đối đầu với cộng đồng quốc tế.

Nếu như xét về khía cạnh các mối quan hệ với một số nước châu Á, ông Trump xử lý khá tốt hoặc ít ra là chấp nhận được, nhưng lại xử lý nhiều mối quan hệ tại châu Âu rất tệ, đặc biệt khi ông Trump liên tục nhấn mạnh việc đóng góp công bằng cho ngân sách an ninh chung. Đội ngũ cố vấn Tòa Bạch Ốc, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Mattis ở Ngũ Giác Đài, Chánh văn phòng Kelly và Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster, Đại sứ Haley ở Liên Hợp Quốc và cả Ngoại trưởng Tillerson ở "Foggy Bottom" (biệt danh của Bộ Ngoại giao Mỹ) đã luôn phải nhanh chóng khẳng định cam kết của Washington với đồng minh và có những bước đi tích cực để thể hiện mối quan hệ vững chắc.

Không những thế, những chính sách của ông Trump đã tạo ra sự bất định cao độ về chiến lược và Mỹ đang không thể hiện vai trò lãnh đạo ở bất cứ đâu, ngoại trừ cuộc chiến chống IS. Đáng nói là vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng, ông Trump đã không còn được xem là "lãnh đạo của thế giới tự do". Điều này đã khiến Trung Quốc và Nga trỗi dậy, lấp vào các chỗ trống và thúc đẩy các lợi ích của mình.

Thách thức đối với Tổng thống Donald Trump còn nằm ở sự ủng hộ dành cho cá nhân Tổng thống Donald Trump thường xuyên ở mức thấp kỷ lục so với các Tổng thống tiền nhiệm. Điều này bắt nguồn từ việc, ngoài những quyết định rất “khác người”, ông Donald Trump sử dụng mạng xã hội để thể hiện quan điểm chính trị và tự tung hô bản thân khiến người ta gọi ông là nhà lãnh đạo “bốc đồng”, “lập dị”, đã làm hạ thấp uy danh của ngôi vị Tổng thống, thậm chí không phù hợp với cương vị người đứng đầu nước Mỹ.

Hình thức truyền đạt thông tin yêu thích của ông Trump là Twitter và được biết kiểm tra Twitter của ông ấy là việc đầu tiên mà các trợ lý làm vào mỗi sáng để xem tối hôm trước Tổng thống có đưa ra phát ngôn gì "cần đính chính" lại hay không. Những dòng tweet và phát biểu công khai của ông Trump về vấn đề nhập cư và sắc tộc liên tục gây phân cực nước Mỹ. Ông Trump biến những vấn đề chính trị thành vấn đề cá nhân như cách ông ấy gọi Kim Jong-un là "gã tên lửa" hay khoe rằng nút bấm hạt nhân của ông ấy to hơn. Ông Trump cũng "nổi tiếng" về việc đồng ý với các nghị sĩ trong một cuộc họp nhưng chỉ vài tiếng sau lại hủy bỏ hoặc phủ nhận thỏa thuận đó.

Tổng thống Trump và khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng. Ảnh: Getty

Bất chấp những thành quả đáng nể về kinh tế, tỷ lệ ủng hộ ở mức khá thấp dưới 40%, Đảng Cộng hòa nói chung và cá nhân ông Trump nói riêng đang chịu kết quả đáng thất vọng trong các cuộc bỏ phiếu cuối năm 2017 vừa qua. Điều này có thể ảnh hưởng đến phe Cộng hòa trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 khi tất cả thành viên của Hạ viện và một phần ba Thượng viện sẽ ra tranh cử.

Không những thế, trong chính nội bộ Đảng Cộng hòa cũng bị chia rẽ sâu sắc. Và một vấn đề ngay tại lúc này chính là hệ thống chính trị Mỹ đang gặp trục trặc đến mức Quốc hội không đạt được thỏa thuận về ngân sách dài hạn cho chính phủ hoạt động mà chỉ có thể duy trì ngân sách mỗi lần chỉ một vài tháng. Trong khi đó, Chính phủ lại đang đứng trước nguy cơ đóng cửa do dự luật chi tiêu khả năng khó được thông qua đúng hạn.

Author: Dư Hoàng

News day