Độc đáo dân ca các dân tộc miền núi phía Bắc
Thảo Nguyên 12/08/2016 11:00 PM
Nói đến dân ca các dân tộc Việt Nam, hẳn bạn sẽ nghĩ đến những điệu quan họ, điệu ví dặm, điệu lý... đầu tiên. Tuy vậy, trên khắp mảnh đất hình chữ S còn rất nhiều làn điệu dân ca khác cũng du dương, ngọt ngào, mang đậm tinh thần dân tộc mà chưa chắc bạn đã biết được.

Điệu Xường – dân tộc Mường

Điệu Xường của người Mường đã có từ rất lâu.
Ảnh: Baohoabinh.com

Dân gian giải thích nguồn gốc ra đời của Xường rất “thơ”. Huyền thoại kể rằng xưa có mụ Dạ Dần (một nữ thần sáng tạo) quảy một gánh Xường đi ngang qua thiên hạ. Chưa ai biết mụ sẽ gieo những câu Xường đó ở đâu. Bỗng một hôm, mụ qua đất mường Ký - Ống (Bá Thước) gánh Xường đứt quai nên Xường rơi vãi khắp mường. Dân mường Ký - Ống bèn hò nhau ra nhặt được. Vì vậy mà xường Ký - Ống rất hay và người ta cho đó là Xường gốc.

Cụ bà Trần Thị Xuyên - người có công lưu giữ câu hát xường của người Mường ở Cẩm Thủy, Thanh Hoá.
Ảnh: Nguoiduatin.vn

Nhìn chung ở cái ngày xưa ấy, con trai, con gái lớn lên cùng với công việc đồng áng, nương rẫy, cày cấy, chăn tằm, nhưng dù làm gì thì cũng phải học điệu hát Xường. Không hát Xường được, không dám đi chơi xa và cũng không có bạn bè, người yêu. Một cuộc Xường có thể kéo dài một đêm hoặc ba đêm. Môi trường và không gian diễn ra cuộc Xường là trên ngôi nhà sàn. Nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong, có bếp lửa hồng và ngọn đèn dầu. Người ta còn gọi đó là áng Xường. Đến với áng Xường còn có nhiều người đứng tuổi ngồi nghe thưởng thức. Một làn điệu hay như vậy hiện nay lại chưa được con cháu Mường thực sự trân trọng và giữ gìn.

Điệu Then – dân tộc Tày

Các nghệ nhân hát Then người Tày.
Ảnh: Dulichvietnam.org

Từ bao đời nay, Then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát, họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình. Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát then và đàn tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, nhất là người Tày.

Điệu Then luôn luôn đi với cây đàn tính tẩu.
Ảnh: Trithucsong.com

Then chỉ có vài giai điệu khác nhau nhưng nét hấp dẫn chính lại nằm ở sự phong phú đa dạng của ca từ. Lời then có tới 35 chương đoạn khác nhau, phụ thuộc vào người biểu diễn và mục đích của nghi lễ. Người làm then cổ thường vừa hát then vừa chơi đàn Tính kết hợp sử dụng chùm nhạc xóc trong các nghi lễ như cầu mưa, cầu lửa, giải hạn cầu may, cầu được mùa… Then còn là chiếc cầu nối giữa con người với thế giới thần linh và đất trời, vì thế rất được ưa chuộng.

 

Dân ca dân vũ Dao Đỏ

Kho tàng dân ca, dân vũ của người Dao Đỏ rất đa dạng.
Ảnh: Dantocmiennui.vn

Với cuộc sống tâm hồn phong phú, cuộc sống lao động gắn kết cộng đồng, kho tàng dân ca, dân vũ dân tộc Dao Đỏ cũng rất đa dạng và đặc sắc, thường được hát vào các ngày chợ phiên, ngày Tết – Lễ – Hội cổ truyền của dân tộc Dao. Nội dung những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước, cuộc sống lao động hăng say; nêu gương người tốt việc tốt, tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, tình bè bạn, tình làng nghĩa xóm; đồng thời đả phá những cái ác, thói hư tật xấu, ích kỷ cá nhân và các tệ nạn trong xã hội.

Dân ca Dao Đỏ đi liền với các điệu dân vũ vui tươi.
Ảnh: Sapajadehillresort

Kho tàng dân ca, dân vũ dân tộc Dao Đỏ tỉnh Cao Bằng phong phú về thể loại với nhiều làn điệu khác nhau. Tộ dung là hình thức đọc lượn; Cóng dung là hình thức nói lượn; Cóng phây là hình thức hát thơ; Phầy sáng là hình thức đọc thơ liền mạch và Phầy lủi là hình thức đọc liền mạch, có đối đáp, trong đó có Páo dung – một hình thức hát lượn về tình yêu đôi lứa. Các khúc ca luôn đi liền với các điệu dân vũ đơn giản nhưng vui tươi.

Điệu Khắp – dân tộc Thái

Dân ca Thái – Khắp Thái là những bài hát, những làn điệu trữ tình được các thê hệ lưu giữ bằng cách truyền miệng hoặc ghi chép từ đời này sang đời khác. Khắp Thái là lối hát dùng thanh nhạc làm hình thức để biểu đạt nội dung thơ, một bài thơ, một truyện thơ đồng thời cũng là một bài hát. Khắp Thái có rất nhiều loại, tùy nội dung, đề tài mà có những tên gọi khác nhau.

Khắp Thái được hát vào các dịp lễ tết mùa xuân.
Ảnh: Songtre.tv

Khắp Thái thường kết hợp cùng với “pí khui” (sáo trúc) và “pí pe” (khèn bè), giọng hát trầm bổng cùng với điệu “pí” ngân nga tạo nên một thứ âm thanh vô cùng lạ, độc đáo và đi vào lòng người. Khắp thái thường được bắt đầu bằng “yêu lú nặm ne”, “lá ới, noong ơi” có nghĩa là “thương lắm em ơi”. Khắp Thái từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Thái.

Còn rất nhiều làn điệu dân ca khác như điệu giao duyên của người Mông, điệu vũ của người Sán Dìu... Dân ca chứa đựng trong đó tất cả cuộc sống sinh hoạt thường ngày của con người vùng cao. Nếu yêu thích văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc, bạn có thể tìm nghe các làn điệu dân ca này.

Author: Thảo Nguyên

News day