Du học sinh Việt bại não được vinh danh người hùng thầm lặng tại Mỹ
Ruby 05/28/2017 10:00 AM
Sự mạnh mẽ và trí tuệ của Chánh Quân khiến người đối diện tin rằng bại não chỉ làm khó chàng trai trẻ nhưng mãi mãi không khuất phục được cậu. Quân luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người khác thay vì đòi hỏi cộng đồng quan tâm tới mình như lời cậu phát biểu: "Tôi không qua Mỹ để xin niềm thương hại".

Ngày 20/4 vừa qua, danh hiệu "Chim cánh cụt đất Việt" được trường Georgia Gwinnett College (GGC) bang Georgia, Mỹ trao danh hiệu "Unsung hero" (Người hùng thầm lặng) cho một du học sinh Việt, em Trần Mạnh Chánh Quân (sinh năm 1992, tại Vũng Tàu). Điều khiến tất cả mọi người khâm phục ở em, không phải là danh hiệu đáng tự hào mà là nghị lực phi thường và cảm hứng em truyền tải đến mọi người.

Chánh Quân, thứ 2 từ trái qua.

Quân mắc hội chứng bại não từ khi mới lọt lòng mẹ. Như bao đứa trẻ lớn lên với khuyết tật sinh bẩm sinh, chàng trai từng bất lực trong việc bắt chân, tay phải nghe theo ý mình, miệng nói không tròn vành rõ chữ, đôi bàn tay yếu đến nỗi chẳng thể cầm viết...

Vượt lên nghịch cảnh, Quân khiến nhiều người khâm phục khi đậu vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) niên khóa 2007 - 2010 với số điểm môn chuyên gần như tuyệt đối, đoạt giải học sinh giỏi Tin học toàn quốc. Năm 2013, Quân được trường GGC (Mỹ) cấp học bổng 50%. Hiện, cậu là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Thông tin, Toán tại Mỹ.

Như em chia sẻ, lý do em được trao tặng danh hiệu này là do một bài báo viết về em trên tạp chí Engage magazine chi nhánh tại trường GGC đã truyền được cảm hứng cho rất nhiều người. Ngoài ra, Chánh Quân cũng được biết đến là sinh viên có khả năng lập trình khá tốt, sẵn sàng giúp đỡ các sinh viên khác khi cần.

Khi tới trường nhận danh hiệu vinh dự này, Quân ngồi xe lăn với nụ cười tươi rói, nheo hết hai mắt theo cách không đụng hàng.

Quân trong màu áo cử nhân trường Georgia Gwinnett College.

Với hội chứng bại não bẩm sinh cùng muôn vàn những hạn chế về thể chất, có thể nói, hành trình của cậu đi qua còn nhiều khó khăn, thử thách hơn những hành trình bình thường, mà nhiều người cũng đã phải bỏ cuộc.

Phải nghe em kể về quá khứ từng bắt mẹ trói chân để tập đánh máy bằng tay ở trường, hay quyết leo 1.000 bậc thang lên núi Tao Phùng (bãi Sau TP Vũng Tàu) để chứng minh với thầy cô mình đủ sức khỏe tham gia kỳ thi Học sinh giỏi Cấp quốc gia năm học 2009 - 2010... thì bạn sẽ hiểu, dũng khí biến mình từ "zero" thành "hero" của chàng trai Việt lớn đến thế nào.

Và, trong thành công hôm nay của Quân, không thể không nhắc tới cô Phạm Thị Nhung, cựu giáo viên Ngữ Văn của trường, "người thầy vĩ đại nhất" của Quân.

Cô Nhung là người đã kiên quyết đứng ra bảo lãnh Quân ở lại trường chuyên năm ấy, khi có ý kiến bàn rằng nên đưa cậu học trò khuyết tật về quê để bố mẹ chăm sóc và cũng có hàm ý rằng điều này sẽ làm cho gương mặt nhà trường đẹp đẽ hơn.

Cô cũng chính là người kèm cặp Quân mà kiên quyết bắt em chấp nhận điều kiện không được trả cô một đồng học phí nào. Có thể nói, thành công của Quân, ngoài tinh thần ham học hỏi, nghị lực phi thường còn một phần nhờ sự dạy bảo tận tình và tâm huyết của cô giáo nhiều năm kinh nghiệm.

Bài báo viết về Quân đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ Mỹ.

Trong thời gian học tại trường GGC, Quân là sinh viên xuất sắc được trường chọn tham gia các cuộc thi của Hiệp hội Chuyên ngành Công nghệ thông tin (AITP).

Em cũng tham gia rất nhiều cuộc thi online như Codeforces hay Topcoder. Tuy thành tích online không cao nhưng tham gia thường xuyên các kỳ thi giúp Quân rèn luyện kỹ năng giải quyết tình huống khá tốt, là tiền đề để cậu tự tin hơn khi tham gia các cuộc thi khác như AITP NCC hay ACM và giành được thứ hạng cao hơn.

Quân đam mê thuật toán, cũng như giải thuật lập trình. Môi trường làm việc lý tưởng mà chàng trai Việt hướng đến khi ra trường là một nơi cho cậu theo đuổi và phát huy được đam mê của mình và trở thành một lập trình viên tốt.

Tháng 11/2016, "gã khổng lồ" Google gọi Quân nộp hồ sơ dự tuyển nhân viên làm việc toàn thời gian. Sau nhiều vòng phỏng vấn, đến nay, Google chưa cho cậu phản hồi đánh giá chi tiết cụ thể. Tuy nhiên, chuyến đi đến Google với Quân là một cuộc phiêu lưu thú vị và đáng nhớ. Với Quân, đây luôn là một kinh nghiệm hữu ích cho bản thân em. Quân bảo, nếu Google không chọn mình thì mình cũng không mất mát gì mà lại học hỏi thêm được nhiều.

Đi được một chặng đường khá dài song Quân luôn khiêm tốn khi nói về chính mình, khi khẳng định mình vẫn chưa tốt đâu, vẫn còn nhiều điều cần cải thiện nữa. 

Quân cũng trải lòng khi đôi lúc nhiều người ái ngại cho hoàn cảnh của em, và không dám đặt tin tưởng nơi em. Mặc dù không nhiều, nhưng Quân cho biết, em thấy điều đó cũng không quan trọng lắm. "Mình chỉ giúp đỡ những người cần đến mình, chứ không có mục tiêu thành thần tượng của hết 9 tỷ người trên hành tinh này".

Khi du học Mỹ, Quân luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người khác thay vì đòi hỏi cộng đồng quan tâm tới mình, như chính em từng phát biểu: "Tôi không qua Mỹ để xin niềm thương hại".

Cũng như bao bạn trẻ khác, đời sống du học với Quân còn nhiều khó khăn. Khó khăn thường trực và kinh điển nhất với cậu, không chỉ là khi quá bận bịu với lịch thi cử, chạy đua với deadline đề tài nghiên cứu... mà cả là những ngày trời mưa, gió lạnh buốt phải đến trường trên chiếc xe lăn.

Gia đình sát cánh bên Quân trong suốt thời gian cậu du học Mỹ.

Vừa ướt, vừa mệt lại thường xuyên đối mặt với mọi điều khó khăn giữa mùa đông xa xứ một mình, nhiều lần Quân chỉ chực ngã gục. Những lúc như thế, cậu tự thì thầm với chính mình phải cố gắng vượt qua và lại tiếp tục hành trình.

Trả lời cho câu hỏi, động lực nào khiến em có kết quả như hôm nay, Chánh Quân trả lời một câu ngắn gọn nhưng cũng trọn vẹn mọi ý nghĩa: "Chính là bởi vì mình sở hữu khuyết tật bẩm sinh". Em nói: "Mình đã sở hữu được cái vốn liếng khác người ta, thì càng phải cho ra kết quả khác người. Với hoàn cảnh hiện tại, mình không còn gì oán trách hoàn cảnh. Mình xem mình là một con người đúng nghĩa và sở hữu thêm "khuyết tật" thôi. Chẳng ai là hoàn hảo cả nên chẳng có gì phải buồn khi mình cũng thế. Động lực là mình có thêm cái khác người mà thôi!".

Trích lược

Nguồn bài/ảnh: Trí thức trẻ

Author: Ruby

News day