Trong bài phân tích trên trang mạng của Viện nghiên cứu Lowy mới đây, chuyên gia David Ritchie khẳng định: “Chiến thắng của Đảng Fidesz tạo cơ sở và động lực mạnh mẽ cho chính phủ sắp tới của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục chính sách ‘chống Brussels’ cũng như chống người nhập cư, trở thành thách thức không nhỏ đối với nỗ lực tái thiết khối này của các lãnh đạo thời hậu Brexit”.
Chính sách của ông Orban cũng sẽ làm gia tăng mâu thuẫn trong nội bộ EU, giữa một bên là các nước thành viên do các Đảng dân túy và dân tộc chủ nghĩa - chẳng hạn như Fidesz lãnh đạo - phản đối quá trình hội nhập sâu rộng hơn trong liên minh, với một bên là các nước thành viên, nhất là Pháp và Đức, vốn theo đuổi đường lối thúc đẩy hội nhập nội khối một cách chủ động và mạnh mẽ nhằm tránh các vụ việc tương tự như Brexit tái diễn.
Cùng với đó là sự lo lắng của Brussels, Berlin và Paris về các động thái sắp tới mà chính phủ của ông Orban có thể sẽ tiến hành nhằm hạn chế tự do báo chí, sự độc lập của ngành tư pháp hay hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
Điều này thể hiện rõ qua việc người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố rằng mặc dù ông Juncker sẽ chúc mừng chiến thắng của ông Orban nhưng vẫn nhấn mạnh quan điểm “Liên minh châu Âu là một cộng đồng dân chủ với các giá trị căn bản… việc bảo vệ các nguyên tắc cũng như những giá trị này là nhiệm vụ chung của tất cả các nước thành viên, không có trường hợp ngoại lệ”.
Chiến thắng áp đảo của ông Orban cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy các đảng phái theo đường lối dân túy, dân tộc chủ nghĩa ở các nước thành viên EU khác, dù các đảng phái này có tham gia hoặc không tham gia chính phủ. Thông điệp chúc mừng ông Orban từ lãnh đạo các đảng phái trên rất đáng chú ý.
Thủ lĩnh Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền ở Ba Lan Jarosław Kaczyński - nhân vật từng tới thăm Hungary trong giai đoạn tranh cử của Fidesz - nhấn mạnh Ba Lan và Hungary là “bạn bè, cùng chia sẻ mục tiêu chung trong việc giành lại độc lập cho quốc gia, quyền tự quyết đối với tương lai và các vấn đề đối nội”. Ông Kaczyński khẳng định Ba Lan và Hungary đang chỉ cho EU thấy “con đường đúng đắn” chứ không phải là làm suy yếu liên minh.
Lãnh đạo cực hữu Hà Lan Geert Wilders tuyên bố chiến thắng của ông Orban “hoàn toàn xứng đáng”, trong khi lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Pháp Marine Le Pen thì cho rằng các lực lượng dân tộc chủ nghĩa có khả năng giành đa số ghế trong Nghị viện châu Âu trong cuộc bầu cử năm 2019. Lãnh đạo Đảng “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) Beatrix von Storch thì nhấn mạnh rằng chiến thắng của ông Orban là “kết quả tồi tệ đối với Liên minh châu Âu nhưng lại là tin tức tốt lành đối với toàn bộ châu Âu”.
Những diễn biến trên cho thấy các đảng phái theo đường lối dân túy, dân tộc chủ nghĩa vẫn duy trì được sự ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Âu và có khả năng tận dụng được những vấn đề nội tại nổi lên trong EU để tiếp tục gia tăng lợi thế.
Các bất đồng lớn liên quan đến vấn đề nhập cư bất hợp pháp, xu hướng tập trung quyền lực vào giới lãnh đạo ở Brussels, chính sách quản lý yếu kém ở một số nước thành viên, cùng sự thất vọng của người dân đối với các đảng phái truyền thống, vẫn tồn tại.
Ngoài ra, các thách thức về kinh tế vẫn nổi lên ở nhiều nước châu Âu, cùng với đó là sự lo ngại đối với tác động của quá trình toàn cầu hóa, các hoạt động gây bất ổn của Nga hay sự ổn định, tín nhiệm của đồng minh Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Các đảng dân túy, dân tộc chủ nghĩa hiện đã giành được ghế trong quốc hội tại nhiều nước thành viên EU, trong đó có các nước lớn như Đức, Pháp…
Tại một số nước thành viên như Ba Lan và Hungary, các đảng này đang cầm quyền, trong khi tại Áo, các lực lượng cực hữu cũng là thành viên của liên minh cầm quyền. Tại tất các các nước thành viên EU, các đảng dân túy, dân tộc chủ nghĩa đang tái định hình lại môi trường chính trị, buộc các đảng phái truyền thống phải đối mặt với các vấn đề trong chương trình nghị sự của các đảng này, cũng như tìm kiếm các liên minh mới nhằm củng cố và tăng cường ảnh hưởng.
Tại các nước Hungary, Hy Lạp, Ba Lan, Italy, CH Czech, Cyprus, Slovakia, Estonia, Litva và Bulgaria, các lực lượng dân túy dẫn đầu về tỉ lệ ủng hộ của cử tri. Tại Đức, sau quá trình đàm phán lập chính phủ mới đầy khó khăn của Thủ tướng Angela Merkel thì Đảng AfD - lực lượng lớn thứ ba trong quốc hội với 12,6% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tháng 9/2017 – đã chính thức trở thành lực lượng đối lập.
Tại Pháp, số ghế mà Mặt trận Dân tộc (FN) của bà Marine Le Pen giành được tăng lên trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 6/2017 so với tại cuộc bầu cử Quốc hội trước đó. Cũng cần phải nhớ rằng bà Le Pen chính là đối thủ cạnh tranh với đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017 và tương quan lực lượng có thể sẽ biến động nhanh chống nếu như ông Macron không giữ được uy tín và vị thế của mình.
Italy - nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - có thể là ví dụ điển hình nhất về khả năng tận dụng nỗi sợ hãi của cử tri của các đảng dân túy, dân tộc chủ nghĩa. Phong trào Năm sao (M5S) của ông Luigi Di Maio đã trở thành lực lượng lớn nhất trong Quốc hội khóa mới với 32% số phiếu ủng hộ.
Mặc dù M5S từng tuyên bố sẽ không liên minh với đảng nào trong chiến dịch tranh cử nhưng hiện phong trào này lại đang đàm phán với nhiều đảng phái khác có chân trong Quốc hội Italy để thành lập chính phủ, trong đó có đảng trung tả theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Lega.
Kịch bản lập chính phủ nào xuất hiện trong thời gian tới đi nữa thì thực tế việc cử tri Italy bỏ phiếu ủng hộ một đảng “hoàn toàn phi truyền thống” với đường lối hoài nghi châu Âu và chống người nhập cư mạnh mẽ cũng đều cho thấy những tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội mà nhiều người Italy đang phải gánh chịu. Trong bối cảnh đó, bất kỳ chính phủ mới nào ở Italy cũng sẽ chỉ khiến cho tình hình châu Âu thêm phức tạp.
Chiến thắng áp đảo của ông Orban và Đảng Fidesz trong cuộc bầu cử Quốc hội Hungary không phải là hiện tượng cá biệt và đơn lẻ. Đây là dấu hiệu của việc các đảng phái theo đường lối dân túy, dân tộc chủ nghĩa tiếp tục thu hút được sự ủng hộ của các cử tri bất mãn với các đảng phái truyền thống ở châu Âu - một nhân tố đặc biệt quan trọng mà EU cần tính tới trong quá trình thống nhất về mô hình phát triển của khối trong tương lai. Và tất nhiên, đây cũng không chỉ là vấn đề nổi lên duy nhất ở châu Âu mà cả nhiều khu vực khác trên thế giới.
Libya thời hậu chiến: Hối hận của những người từng…
Tin cộng đồng: Biểu tình tại Đài Loan vụ nam…
Cảnh báo: “Blue Whale Challenge” - trò chơi điện tử…
Nam Hàn: Nhân viên đài truyền hình quốc gia MBC…
13 người mất tích trong hang động ở Thái Lan
Thụy Điển: Biểu tình của những người ủng hộ chủ…
Hàn Quốc khánh thành tượng xin lỗi Việt Nam tại…
Trung Quốc sơ tán dân chuẩn bị đón siêu bão…
Anh: Rác thải nhựa chất đống sau lệnh cấm nhập…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX