EU dọa trả đũa Mỹ nếu trừng phạt Nga
Rupi (tổng hợp) 07/25/2017 01:00 PM
Trong khi Lầu Năm Góc xem Nga là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Mỹ thì Liên minh châu Âu (EU) sẽ trả đũa Mỹ nếu Washington ban hành lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga và lệnh trừng phạt này đụng chạm đến quyền lợi các công ty châu Âu.

Ngày 22/7, (giờ Mỹ), lãnh đạo 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ ở quốc hội Mỹ đã nhất trí về dự luật cho phép áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cáo buộc can thiệp bầu cử. Đồng thời, đề xuất trong dự luật mới này cũng trao cho quốc hội quyền phủ quyết để ngăn chặn động thái giảm nhẹ lệnh trừng phạt từ phía chính quyền, hạn chế khả năng Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ bất cứ biện pháp trừng phạt nào chống lại Moscow. Tuy nhiên, quyết định mới này của Nhà Trắng không nhận được tán thành từ các quốc gia đồng minh, Liên minh châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg - Đức. Ảnh: Reuters

Theo tờ Financial Times (Anh), Brussels có ý định yêu cầu Washington có sự bảo đảm, bằng lời nói hoặc văn bản, rằng lệnh trừng phạt mới sẽ không ảnh hưởng tới quyền lợi của châu Âu. 

Ngoài ra, những lựa chọn khác có thể được áp dụng là sử dụng luật pháp để ngăn những biện pháp trừng phạt của Mỹ được "công nhận hoặc thực thi" ở châu Âu hoặc như ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), kêu gọi là chuẩn bị các biện pháp trả đũa trong trường hợp doanh nghiệp châu Âu bị thiệt hại bởi lệnh trừng phạt đang được quốc hội Mỹ xem xét thông qua.

Động thái trên phản ánh mối quan ngại sâu sắc rằng việc Mỹ trừng phạt Nga có thể ảnh hưởng đến những công ty năng lượng châu Âu tham gia các dự án liên quan đến Nga, đặc biệt là các nước Bắc Âu khi họ muốn bảo vệ nguồn cung khí đốt Nga mà họ phụ thuộc. Bao gồm dự án Nord Stream 2 xây dựng đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên dưới biển giữa Nga và châu Âu, với các công ty tham gia dự án Nord Stream 2 có tập đoàn dầu và khí đốt Wintershall (Đức), công ty năng lượng Uniper (Đức), OMV (Áo), Engie (Pháp)....

Cả EU và Mỹ đều trừng phạt kinh tế Nga trong lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng do liên quan tình hình Ukraine. Tuy nhiên, EC lo lệnh trừng phạt mới ảnh hưởng đến nhiều công ty châu Âu đang làm ăn hợp pháp với đối tác Nga trong những lĩnh vực như đường sắt, tài chính, vận tải đường thủy hoặc khai thác mỏ. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg - Đức. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, lập trường của Brussels cũng cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng đối với những bước đi đơn phương về kinh tế từ Washington, trong đó, có thể Washington sử dụng biện pháp trả đũa là áp đặt thuế suất trừng phạt đối với thép của châu Âu.

Ngày hôm nay, 25/7, Hạ viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu về dự luật áp đặt trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên. Trước đó, ngày 23/7, bà Sarah Huckabee Sanders, phát ngôn viên Nhà Trắng, tuyên bố chính quyền Mỹ ủng hộ dự thảo luật trên, đối xử cứng rắn với Nga, đồng thời cho rằng Tổng thống Donald Trump sẽ ký ban hành. 

Nếu được thông qua, dự luật này cũng sẽ giới hạn mọi nỗ lực gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Moscow của Tổng thống Donald Trump. Dưới dự luật mới, Tổng thống Donald Trump phải trình lên Quốc hội một bản báo cáo về các biện pháp trừng phạt đề xuất có thể "thay đổi đáng kể" chính sách đối ngoại của Mỹ liên quan đến Nga, kể cả việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Bà Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters

Phản ứng trước những thông tin này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov hôm 24/7 tuyên bố lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể gây thiệt hại cho các dự án lớn giữa Nga và châu Âu. Tuy nhiên, Moscow vẫn chờ quyết định chính thức của Tổng thống Donald Trump trước khi quyết định có trả đũa hay không.

Author: Rupi (tổng hợp)

News day