Facebook đưa thông tin sai lệch bản đồ Biển Đông và những hệ lụy
Thusy (tổng hợp) 07/03/2018 01:30 PM
Trong thời gian qua, nhiều người dùng Facebook đã phát hiện giao diện quảng cáo trên trang mạng xã hội này đã cung cấp bản đồ gồm Hoàng Sa, Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, thành một phần lãnh thổ Trung Quốc. Việc này được đánh giá là sai lầm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức quốc tế về chủ quyền của Việt Nam.

Theo đó, hai quần đảo Trường Sa, Hoàng, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đã bị Facebook đưa thông tin sai lệch trên giao diện bản đồ của công cụ quảng cáo theo lãnh thổ của trang mạng này, cũng như trên bản đồ Biển Đông hiển thị mật độ người dùng tính năng livestream của Facebook cũng hiển thị dòng chữ Sansha (Tam Sa) đơn vị hành chính mà Trung Quốc đơn phương áp đặt lên 2 quần đảo của Việt Nam.

Phần bản đồ hiển thị mật độ người dùng livestream của Facebook cũng hiển thị trên Biển Đông dòng chữ "Sansha" (Tam Sa), đơn vị hành chính Trung Quốc áp đặt lên Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Chụp màn hình/Zing

Mặc dù trên thực tế, Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép nhiều thực thể trên Biển Đông nhưng theo quy định của luật pháp quốc tế, Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp. Tuy nhiên, với cách hiển thị sai lệch này, Facebook sẽ gây ra những nhận thức sai lệch nghiêm trọng đối với tình hình Biển Đông, đặc biệt lâu nay Bắc Kinh vẫn dựa vào luận điệu phi lý của mình rằng các tuyên bố chủ quyền của mình được cộng đồng quốc tế chấp thuận, và kiên quyết không đồng ý đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế.

Khẳng định việc Facebook sử dụng một bản đồ sai lệch về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông sẽ không gây tác động lớn đến phương án giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án do chúng không đủ sức thuyết phục, nhưng nó sẽ gây ra nhận thức sai lầm của cộng đồng. Tiến sĩ Sarah Logan, Trường Luật Đại học New South Wales (Australia), cho rằng nếu những người dùng ở những quốc gia khác, chẳng hạn như ở Mỹ, cũng nhìn thấy bản đồ sai lệch mà người dùng tại Việt Nam phát hiện thì đây sẽ là một diễn biến thật sự đáng chú ý.

Phản ứng của người dùng Facebook trước việc Facebook sử dụng bản đồ đưa Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc. Ảnh: Chụp màn hình/Zing

Đây không phải là lần đầu tiên một trang mạng xã hội gặp sai lầm này. Trước đó, Google, một gã khổng lồ trong làng công nghệ cũng từng gặp phải một “sự cố” tương tự vào năm 2012, và sau đó đã sửa lại bản đồ sau khi gặp phản ứng từ cộng đồng.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Facebook gặp sự cố này. Trước đó, vào năm 2015, CEO của Facebook Mark Zuckerberg từng đăng trên trang cá nhân hình ảnh báo cáo độ phủ sóng hệ thống Internet của Facebook, và phần bản đồ Ấn Độ lại thiếu tỉnh Jammu và vùng lãnh thổ nằm trong diện còn tranh chấp với Pakistan là Kashmir. Sự việc này từng khiến dư luận Ấn Độ giận dữ và Zuckerberg buộc phải xin lỗi. Ấn Độ cũng từng đe dọa cấm các lãnh đạo của tập đoàn Amazon được nhập cảnh vào nước này sau khi chi nhánh tại Canada của trang thương mại điện tử cho bán các bản đồ Ấn Độ thiếu nhiều lãnh thổ còn tranh chấp nhưng đang do Trung Quốc và Pakistan kiểm soát.

Việc đơn phương tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh được thực hiện phi lý thông qua một loạt hành động bị cộng đồng quốc tế lên án như in bản đồ "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu, in các tạp chí với những bài viết sinh học, địa lý học, rác thải kèm theo bản đồ hình lưỡi bò" hay vận động nhiều học giả thế giới tham gia xuất bản một tạp chí 500 trang bằng tiếng Anh chống lại phiên tòa Biển Đông do Philippines khởi kiện, dù đây là phiên tòa Bắc Kinh "tẩy chay".

Logo của Facebook được dành một vị trí trang trọng trên bảng quảng bá hội thảo Internet tại Bắc Kinh tháng 4/2018. Ảnh: AP

Theo The Diplomat, đầu năm 2016, Trung Quốc đã thông qua Nghị định Quản lý Bản đồ cấm mọi sản phẩm và hoạt động kinh doanh bản đồ không phù hợp với các tuyên bố chủ quyền của nước này.

“Facebook có lợi ích kinh doanh to lớn tại Trung Quốc. Nếu họ có giấy phép cung cấp nội dung internet (ICP) tại Trung Quốc, họ sẽ chịu sự tác động của luật an ninh mạng Trung Quốc. Thông qua hệ thống chấm điểm xã hội tại Trung Quốc, luật này có thể được sử dụng để tạo áp lực lên các công ty nước ngoài, thiết kế những bản đồ phù hợp với lợi ích nước họ”, bà Sarah Logan đặt nghi vấn.

Author: Thusy (tổng hợp)

News day