Gap year - Trải nghiệm để hiểu rõ bản thân hơn
Anh Trần 01/12/2018 12:30 PM
‘’Gap year’’ có lẽ không còn quá xa lạ với hầu hết mọi người, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Sau một thời gian dài học tập và làm việc căng thẳng, chắc chắn rằng bất cứ ai cũng muốn bản thân được nghỉ ngơi thoải mái. Nghỉ ngơi ở đây đồng nghĩa với việc nạp lại năng lượng cho bản thân. Mặt khác, nó cũng có nghĩa bạn sẽ tạm dừng hết mọi việc để bắt đầu thực hiện những kế hoạch khác nhau, trải nghiệm những điều mới mẻ. Khoảng thời gian ấy thường được gọi là ‘’gap year’’.

''Gap year'' là khoảng thời gian để trải nghiệm và hiểu rõ bản thân hơn.
Ảnh: gapyear.com

Đối tượng của ‘’gap year’’ phần lớn là học sinh cuối cấp 3. Đây là giai đoạn có thể nói là khá khó khăn bởi họ phải đưa ra những lựa chọn vô cùng quan trọng mà có thể nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai sau này. Không chỉ áp lực đến từ việc thi cử, mà nó còn đến từ gia đình, nhà trường. Đặc biệt là sự lo lắng khi không biết liệu bản thân có thể đậu đại học, thực hiện được mong muốn của mình hay không. Đáng lo ngại hơn chính là việc học sinh cuối cấp thường cảm thấy hoang mang không biết bản thân thật sự yêu thích điều gì nhưng phải cố gắng đưa ra quyết định cho tương lai. Chính vì thế nên thường xuất hiện những trường hợp sinh viên bỏ ngang việc đến giảng đường, chuyển ngành học chỉ để có thời gian thư giãn, vui chơi khi chợt nhận ra nó không hợp với bản thân. Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ việc chúng ta không có đủ thời gian để trải nghiệm, để hiểu bản thân thật sự muốn gì.

Đối tượng của ''gap year'' phần lớn là học sinh cuối cấp 3.
Ảnh: greatschools.org

Không chỉ là học sinh, sinh viên mà ngay cả đối tượng đi làm cũng gặp phải trường hợp tương tự. Chẳng hạn như khi họ nhận ra công việc họ vẫn thường làm vốn không phải sở thích của họ, hoặc việc lặp đi lặp lại hằng ngày của nó càng dễ khiến con người trở nên nhàm chán. Vì thế họ sẽ tạm gác nó sang một bên để làm những điều khác mà bản thân cảm thấy thú vị hơn.

Một số ý kiến cho rằng ‘’gap year’’ ngoài tốn thời gian và tiền bạc thì không hề có bất kì lợi ích nào cả. Thay vì lãng phí thời gian cho những thứ tiêu khiển, họ cho rằng cứ lao vào học và làm việc miệt mài sẽ hữu dụng hơn bất chấp việc bản thân có muốn hay không. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là dù bản thân không thực sự yêu thích nhưng vẫn phải lặp đi lặp lại nó mỗi ngày. Nếu vậy tại sao chúng ta không tự thưởng cho mình một ‘’gap year’’ mà trong khoảng thời gian đó chúng ta có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều thứ, học hỏi những điều mình chưa biết. Chính khoảng thời gian đó sẽ giúp chúng ta dễ dàng định hướng cho tương lai của chính mình hơn cũng như hiểu rõ bản thân hơn. Một năm thỏa sức trải nghiệm đổi lại một tương lai thú vị của chính mình còn hơn chạy theo số đông để rồi nhận ra đó không phải điều mình mong muốn. Thật sự, việc chúng ta thực hiện ‘’gap year’’ ngay trong giai đoạn đầu trước khi bắt đầu một việc mới sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với khi chúng ta bỏ ngang mọi thứ để chạy theo ‘’gap year’’. Bởi khi chúng ta nhận ra bản thân cần thời gian để nhìn nhận lại mọi việc thì đó cũng đồng nghĩa thời gian mà chúng ta vẫn dành cho thứ mình không yêu thích là vô nghĩa.

Hãy cho bản thân cơ hội để trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn.
Ảnh: i-fink.com

Vậy nên ‘’gap year’’ không hề mang bất kì một ý nghĩa tiêu cực nào mà ngược lại nó còn rất hữu ích với mỗi người chúng ta, đặc biệt là học sinh cuối cấp 3. Không ai làm chủ tương lai của bạn ngoài chính bản thân bạn, vì vậy hãy làm điều mà bản thân thật sự muốn và yêu thích. Hãy thưởng cho mình một ‘’gap year’’ sau một quá trình học tập và làm việc căng thẳng để trải nghiệm những điều mới mẻ và hiểu rõ chính mình hơn.

Author: Anh Trần

News day