Giám đốc FBI James Comey bất ngờ bị cách chức
Dư Hoàng 05/11/2017 10:00 AM
Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Trump đã bất ngờ sa thải Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey, chấm dứt công việc của người đang đứng đầu cuộc điều tra vụ Nga có dính vào cuộc bầu cử Tổng thống, sau những lùm xùm liên quan đến cuộc điều tra về bê bối email của bà Clinton.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey, có hiệu lực ngay lập tức, theo lời đề nghị của Tổng chưởng lý Jeff Sessions và Phó Tổng chưởng lý Rod Rosenstein.

Trong một lá thư gửi cho ông Comey ngày 9/5, ông Trump khẳng định ông Comey "không đủ khả năng lãnh đạo FBI" hiệu quả, và việc cách chức là điều cần thiết để lấy lại "niềm tin của công chúng" vào cơ quan FBI. Cũng trong lá thư, ông Trump không đề cập gì đến vai trò của ông Comey trong cuộc điều tra liên quan đến bà Clinton. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một lá thư khác lưu hành nội bộ trong Toà Bạch Ốc, do ông Red Rosenstein, Phó Tổng chưởng lý mới tuyên thệ nhậm chức viết thì cho biết ông Comey bị sa thải do cách thức mà ông Comey điều tra bà Clinton, bao gồm cả việc tự tổ chức một cuộc họp báo đưa ra những thông tin liên quan đến bà Clinton, trong thời điểm gần sát bầu cử. 

Giám đốc FBI là chức vụ được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 10 năm, nhưng có thể bị Tổng thống Mỹ bãi nhiệm vào bất kỳ lúc nào. Ông Comey, 56 tuổi, được bổ nhiệm làm Giám đốc FBI vào tháng 9/2013 dưới thời của cựu Tổng thống Obama, bị sa thải khi mới đi được gần 1/2 nhiệm kỳ. Là một công tố viên lâu năm, từng giữ chức vụ Phó Tổng chưởng lý trong chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, ông Comey nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả lưỡng đảng khi nắm giữ ghế lãnh đạo FBI, khi được đánh giá một người độc lập và chính trực.

Uy tín của ông bắt đầu giảm trong cuộc bầu cử năm 2016, và nhiều người bắt đầu nghi ngờ sự đánh giá và sự vô tư của ông kể từ cuộc điều tra liên quan đến bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân ứng cử viên Tổng thống đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton. Vào tháng 7/2016, ông Comey khẳng định nên khép lại điều tra vụ việc này, tuy nhiên chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử vào tháng 11/2016, ông bất ngờ tuyên bố lật lại cuộc điều tra mà Đảng Dân chủ và bà Clinton cho rằng đó là nguyên nhân gây nên thất bại của bà trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Trong buổi điều trần trước Quốc hội, ông Comey nói, ông thông báo mở lại điều tra vì cho rằng các email bị phát hiện có thể làm thay đổi kết quả điều tra và nếu không thông báo lên Quốc hội thì đó sẽ là một "hành động che đậy", và ông vẫn làm như vậy nếu được lựa chọn lại. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp khẳng định FBI không cần thông báo Quốc hội về cuộc điều tra vì việc đó không sai luật và nhất là khi đó đã cận kề cuộc bầu cử Tổng thống.

Các quan chức FBI tỏ ra bất ngờ trước quyết định sa thải này của Tổng thống. Được biết, ông Comey biết tin mình bị cách chức trong lúc đang nói chuyện với nhân viên FBI tại một văn phòng ở Los Angeles, thông qua báo chí khi vô tình nhìn lên màn ảnh truyền hình. Về phía Toà Bạch Ốc, Thư ký báo chí Sean Spicer cho biết ông Comey đã được thông báo một khoảng thời gian ngắn trước đó nhưng từ chối cho biết ông Comey đã được thông báo như thế nào.

Ông Comey bị cách chức khi đang dẫn đầu cuộc điều tra liệu các cố vấn tranh cử cao cấp của ông Trump có thông đồng với Nga gây ảnh hưởng bầu cử Mỹ năm 2016 hay không.

Từ giữa trưa ngày 9/5, giới thạo tin ở thủ đô Washington DC đã cảm thấy có điều gì bất thường, khi trong cuộc họp báo thường lệ ở Tòa Bạch Ốc, phát ngôn viên Sean Spicer khi trả lời câu hỏi “Tổng thống Donald Trump có còn tín nhiệm Giám đốc FBI James Comey nữa hay không”, chỉ cho biết “tôi chưa hỏi Tổng thống về điều này”.

Vào 3 tuần trước đó, câu hỏi tương tự cũng được đặt ra ngay sau khi ông Comey ra điều trần trước Hạ viện, khẳng định ông yêu cầu cho nhân viên FBI “mở cuộc điều tra” để tìm hiểu xem nhân viên Ủy ban Vận động tranh cử của ông Trump có liên hệ gì Nga gây ảnh hưởng kết quả cuộc bầu cử không, đồng thời cho biết “không có tin tức gì” về việc cựu Tổng thống Obama chỉ thị đặt máy nghe lén ông Trump, trong thời gian ông tranh cử, như cáo buộc của Tổng thống Trump. Khi đó, phát ngôn viên Spicer ngay lập tức trả lời “Tổng thống hoàn toàn tin tưởng ở ông Comey”. 

Lần này, mọi chuyện hoàn toàn đảo ngược khi không đầy 3 tiếng đồng hồ sau đó, Văn phòng Báo chí Tòa Bạch Ốc ra bản thông cáo cho biết Tổng thống quyết định sa thải ông Comey.

Sau khi biết chuyện ông Comey bị cách chức, phía Dân Chủ mạnh mẽ chỉ trích hành động của ông Trump, khẳng định chuyện này không khác gì bê bối “Saturday Night Masscre” của Tổng thống Richard Nixon - sa thải một công tố viên độc lập điều tra vụ Watergate năm 1973, dẫn đến sự từ chức của hai giới chức cao cấp nhất của Bộ Tư pháp.

"Ðây là kiểu Nixon", Thượng nghị sĩ Bob Casey tweet ra như vậy. Dân biểu Adam Schiff, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói rằng Tòa Bạch Ốc “can thiệp một cách thô bạo” vào cuộc điều tra. Thượng nghị sĩ Ron Wyden thành viên Uỷ ban Tình báo Thượng viện nói rằng, ông Comey “nên ngay lập tức yêu cầu một phiên điều trần công khai về tình hình cuộc điều tra mối quan hệ Nga - Trump tại thời điểm bị sa thải”.

Theo nhận định của quan sát viên Dân chủ Joseph Callahan cho biết, về mặt thủ tục, việc ông Jeff Session và ông Rod Rosenstein đề nghị sa thải ông Comey là chuyện có thật và hợp lý, nhưng đây chỉ tạo cơ hội cho Tổng Thống Trump làm điều từ lâu ông đã muốn làm. Ông Callahan nhắc lại khi còn tranh cử, ông Trump từng công khai chỉ trích ông Comey do không đề nghị truy tố bà Hillary Clinton ra tòa. Sau ngày nhậm chức, "ông Trump lại càng không ưa ông Comey" khi FBI điều tra cố vấn tranh cử của ông Trump có dính dáng đến Nga để tìm cách làm lung lạc kết quả cuộc bầu cử 2016 hay không và "chắc chắn bực bội" khi nghe ông Comey khẳng định không hề có chuyện nghe lén của cựu Tổng thống Obama theo cáo buộc của ông Trump.

Còn theo quan sát viên độc lập Charles Kelly, mặc dù với tính thẳng ruột ngựa của ông Comey không được nhiều người ưa thích, nhưng không thể chối cãi ông ta được các chính trị gia của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ quý trọng vì là người làm việc theo đúng luật pháp, chẳng nghiêng về phía nào cả. 

Giám đốc FBI bị sa thải James Comey. Ảnh: AP

Việc phía Dân Chủ có nhiều người lên tiếng cho rằng ông Comey bị nghỉ việc vì “động cơ chính trị”, yêu cầu phải thành lập ủy ban điều tra đặc biệt hoặc một công tố viên độc lập để tiếp tục điều tra về liên hệ giữa cố vấn tranh cử của ông Trump và tình báo Nga là điều không mấy ngạc nhiên, nhưng chuyện Tổng thống Trump sa thải ông Giám Ðốc FBI James Comey cũng khiến một số thành viên Cộng hòa bày tỏ sự e ngại. Đặc biệt, thời điểm đưa ra quyết định giữa lúc lưỡng đảng Quốc hội đang mở cuộc điều tra tìm hiểu về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Thượng nghị sĩ Cộng hoà kiêm Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr và Thượng nghị sĩ Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Bob Corker đều lên tiếng thắc mắc “về thời điểm và những lý do được đưa ra để sa thải ông giám đốc FBI”. 

Bên cạnh đó, vẫn có là những lời bênh vực quyết định của Tổng thống Trump, điển hình là bà Thượng nghị sĩ Susan Collins khẳng định cho biết “không ngạc nhiên” khi nghe tin ông Comey bị sa thải. Bà Collins còn nói chuyện ông Comey bị đuổi việc không hề ảnh hưởng gì đến các cuộc điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, nhấn mạnh ông Trump chỉ sa thải ông giám đốc FBI, chứ đâu có đóng cửa cơ quan FBI.

Ðây là lần thứ 2 trong lịch sử Mỹ, một giám đốc FBI bị cách chức, lần đầu tiên vào năm 1993, Tổng thống Bill Clinton cách chức ông William Sesssion liên quan đến các tố cáo về đạo đức.

Trong khi Toà Bạch Ốc thông báo sẽ nhanh chóng tìm Giám đốc FBI mới, thì ông Andrew McCabe, phó giám đốc FBI, tạm thời điều hành cơ quan này trong tư cách quyền giám đốc.

Xem thêm:

Biểu tình sau khi cựu Giám đốc FBI Comey bị sa thải, ông Comey được đề nghị điều trần trước Quốc hội

Phó Tổng chưởng lý Mỹ muốn từ chức vì bị Toà Bạch Ốc đổ lỗi

Author: Dư Hoàng

News day