Sau gần 24 giờ, Tổng thống Donald Trump mới đăng tweet về tin tức cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn thú nhận khai man với FBI. Các cố vấn của Trump nói đây là sự chậm trễ hiếm thấy ở Tổng thống, người thường xuyên phản ứng ngay lập tức với các tin tức bằng cách đăng bình luận trên Twitter.
Khoảng lặng ban đầu ấy còn nhiều người thuộc Đảng Cộng hòa tưởng rằng đó tín hiệu đáng mừng cho thấy ông Trump đã học cách tiết chế.
Tuy nhiên trái với kỳ vọng đó, vị Tổng thống nổi tiếng nóng nảy ngày 2/12 đã lại lên tiếng trên mạng xã hội. Ông Trump tuyên bố việc Flynn bị sa thải hồi đầu năm một phần là vì nói dối FBI, rồi sau đó chuyển sang lên án FBI, cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của quốc gia, là "tả tơi".
"Tệ nhất trong lịch sử! Nhưng không có gì phải sợ hãi, chúng ta sẽ làm cho nó vĩ đại trở lại", ông tuyên bố trên mạng xã hội Twitter.
Nguy cơ bị luận tội
Tổng thống Trump có lẽ đã không thể ngờ rằng bình luận của ông hôm đó lại gây ra nhiều rắc rối đến như vậy. Tiết lộ đáng chú ý nhất là việc Tổng thống "đã phải sa thải Tướng Flynn vì ông ấy nói dối Phó tổng thống và FBI".
Bình luận này ngay lập tức đặt ra câu hỏi: Khi Trump sa thải Flynn, liệu ông ta có biết Flynn đang nói dối FBI hay không? Nếu câu trả lời là có, thì phát hiện này có thể tác động lớn tới cuộc điều tra.
Vào thời điểm ông Flynn bị cách chức, Tòa Bạch Ốc chỉ thừa nhận ông này đã nói dối Phó tổng thống Mike Pence, chứ không phải FBI, về các cuộc thảo luận với đại sứ Nga Sergey Kislyak liên quan các lệnh trừng phạt Nga mà chính quyền Obama áp dụng do Moscow can thiệp bầu cử.
Những người chỉ trích Trump cho rằng nếu Tổng thống biết Flynn nói dối từ tháng 2, sau đó yêu cầu Giám đốc FBI James Comey ngừng điều tra Flynn (điều mà Comey đã xác nhận khi điều trần), thì có khả năng Tổng thống Trump đã cản trở công lý.
"Nếu đó là sự thật, ngài Tổng thống, vì sao ông chờ lâu đến vậy để sa thải Flynn? Sao ông không hành động trước khi các lời nói dối bị công khai? Và tại sao ông lại gây sức ép để Giám đốc (FBI) Comey ‘bỏ qua chuyện này?'", CNN dẫn tweet của ông Adam Schiff, quan chức hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ. Một vấn đề nữa là sau khi Tòa Bạch Ốc biết Flynn nói dối, Tổng thống Trump chờ đến 18 ngày mới quyết định sa thải ông này. Điều này cũng đặt ra nhiều nghi vấn.
"Ông Trump cứ tiếp tục thừa nhận việc cản trở công lý… thì cuộc điều tra của Mueller có thể kết thúc sớm hơn chúng ta nghĩ", ông Dan Pfeiffer, cựu cố vấn cấp cao của Barack Obama, nhận định.
Sai lầm của cấp dưới?
Đội ngũ trợ lý của Trump đã phải vật vã giải thích dòng tweet tai hại này của Tổng thống. Tòa Bạch Ốc đến nay vẫn khẳng định ông Trump không viết bình luận này. Luật sư riêng của Tổng thống, John Dowd, nói với Politico rằng ông là người soạn ra tweet đó, còn người đăng tải là Giám đốc truyền thông Dan Scavino.
Một số luật sư tư nhân không đồng tình với quan điểm này. Peter Zeidenberg, người từng làm việc trong nhóm công tố đặc biệt của Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói rằng các tweet và tuyên bố công khai của Trump "cực kỳ gây hại cho ông ta và có ích cho đội ngũ Mueller". Lời "thú nhận" của Dowd phù hợp với nhận định rộng rãi trong Đảng Dân chủ và một số thành viên Đảng Cộng hòa, cho rằng đứng sau dòng trạng thái Twitter gây tranh cãi kia không phải Trump mà là các luật sư Tòa Bạch Ốc. Khi John Dowd được hỏi ông có tin tweet này có thể khiến Tổng thống gặp rắc rối trong cuộc điều tra của Mueller hay không, Down trả lời: "Không hề".
"Khó khăn nhất trong vụ điều tra cản trở công lý này là việc chứng minh bên bị có chủ ý (cản trở công lý)", Zeidenberg nói. "Trump đang giúp cho công việc của các nhà điều tra trở nên dễ dàng".
Tòa Bạch Ốc mất kiểm soát
Phản ứng lúng túng từ Tòa Bạch Ốc trong vụ Flynn thú nhận nói dối FBI khiến cho các nhân vật thân cận với Tổng thống lo ngại về năng lực của đội ngũ trợ lý.
Những người ủng hộ Trump, các cựu trợ lý trong chiến dịch tranh cử, các cựu quan chức chính phủ bắt đầu lên tiếng cảnh báo rằng Tòa Bạch Ốc hiện không thể kiểm soát các tweet của Tổng thống, đồng thời không có chiến lược thông tin thống nhất về cuộc điều tra Nga, Politico dẫn thông tin từ các cuộc phỏng vấn 6 người thân cận Tổng thống.
Các nhân vật gần gũi với ông chủ Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng họ không lo lắng chuyện công tố viên đặc biệt Robert Mueller sẽ "bắt thóp" Tổng thống hay tìm thấy bằng chứng về sự thông đồng với Nga. Điều khiến họ sợ là những phát hiện gần như hàng ngày từ cuộc điều tra sẽ lấn át nhiệm kỳ tổng thống của Trump.
"Không có sự chỉ đạo nào cả. Không hề có một chiến lược. Họ (đội ngũ trợ lý Tổng thống) thực sự là đang thụ động ứng phó", một người nói. "Chúng ta đang ở trong tình thế hết sức nguy hiểm".
"Là người ủng hộ Trump, tôi nghĩ việc Tổng thống tweet về cuộc điều tra của Mueller chắc chắn gây phân tán cho chính quyền của ông ấy và khiến cho công chúng bị sao lãng khỏi vấn đề chính, đó là việc thông qua được cải cách thuế vào cuối năm", Dan Eberhart, giám đốc điều hành một công ty năng lượng có trụ sở ở Houston, nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa, cho biết. Tại New York tuần này, nơi ông Trump chủ trì 3 sự kiện gây quỹ, các tweet của Tổng thống trở thành chủ đề thường xuyên được nhắc tới. Một số nhà tài trợ bày tỏ quan ngại cuộc điều tra của FBI có thể khiến cho chương trình cải cách thuế bị sao nhãng.
"Thói quen tweet của Trump cho thấy ông ấy đang không nghe theo lời khuyên từ luật sư, người hẳn phải khuyên ông ấy không bình luận công khai hay riêng tư".
Các quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc, theo sự chỉ đạo của Chánh văn phòng John Kelly, nhấn mạnh rằng họ không thể - và sẽ không - kiểm soát hoạt động của Tổng thống trên mạng xã hội.
Một quan chức Tòa Bạch Ốc được hỏi đã làm gì khi Tổng thống Trump đăng cả loạt tweet gay gắt như vậy hồi cuối tuần. Người này trả lời đơn giản: "Lờ chúng đi".
Một quan chức khác cho hay nỗ lực kiểm soát thói quen dùng Twitter của Trump là "vô ích", nói thêm rằng các trợ lý cũng chẳng thể hạn chế thói quen xem TV của Tổng thống.
Các phản ứng tức giận của Trump với cuộc điều tra Nga vốn không phải điều gì mới, ông từng gọi đó là "cuộc săn phù thủy". Hồi năm ngoái, Trump khẳng định không có sự thông đồng nào giữa đội ngũ của ông với Moscow. Nhưng các đồng minh của Tổng thống cảnh báo rằng ông không thế đánh giá thấp tác động của cuộc điều tra.
Giám đốc điều hành của Newsmax Chris Ruddy, một người bạn thường xuyên trò chuyện với Trump, hôm 3/12 nói trên chương trình "This Week" của ABC News rằng cuộc điều tra của Mueller "là mối đe dọa hiện hữu đối nhiệm kỳ tổng thống của Trump".
"Ông ấy (Trump) cứ nghĩ chẳng có vấn đề gì, và (nói) chẳng đời nào có chuyện thông đồng", Ruddy nói với Politico. "Tôi cho rằng ông ấy hoàn toàn đúng. Nhưng cái mà Mueller đang tìm kiếm còn hơn cả bằng chứng thông đồng, các bản cáo trạng và biện hộ đến nay cho thấy điều đó".
Sự kiện bác sĩ người Việt bị kéo lê khỏi…
Tổng hợp các hình ảnh về bão Harvey trong vài…
Tin nóng: Bão Harvey quay lại, Houston thất thủ trước…
Tin cộng đồng: Một người đàn ông gốc Việt ở…
Vụ "United Airlines": Khi cộng đồng giận dữ lên tiếng
Tưng bừng lễ hội văn hoá châu Á Plano AsiaFest…
Tuần hành phản đối súng đạn của học sinh sau…
Bác sĩ gốc Việt bị bắn chết tại nhà ở…
Cảnh sát Mỹ ra khuyến cáo đặc biệt về "chú…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX