Hà Nội: “Ông chủ lụa” Hoàng Khải đã bán khăn chất liệu gì?
Thùy Dương (Tổng hợp) 12/15/2017 11:00 AM
Ngày 12/12/2017, Bộ Công Thương đã ban hành kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức (Khaisilk) về các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất/gia công, xuất nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp này. Khaisilk cam kết với khách hàng sản phẩm của mình 100% silk nhưng thực chất, Khaisilk bán sản phẩm có tỉ lệ lớn chất liệu khác.

Liên quan đến vụ việc Bộ Công Thương cho biết 7/10 mẫu sản phẩm của Khaisilk có kết quả kiểm tra khác với các thông tin công bố về thành phần. Theo đó, có 6 sản phẩm được công bố là "100% silk" nhưng thực tế là "100% polyester" hoặc có "vải nền là polyamide" và "hoa văn là polyester/rayon". Ngoài ra, có 1 sản phẩm được công bố là "100 pashmina" nhưng thực tế là "49,9% rayon, 35,3% acrylic và 14,8% là wool".

Trong khi đó, trước “sóng gió” dư luận tố khăn lụa Khaisilk gắn 2 nhãn mác Trung Quốc và Việt Nam, Hoàng Khải - ông chủ Tập đoàn Khải Silk - đã thừa nhận bán lụa Trung Quốc từ giữa những năm 90 khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái.

Một trong những mẫu khăn lụa được Khaisilk ưa chuộng sử dụng để làm hình cover cho trang Facebook của thương hiệu mình. Giá tầm khoảng hơn 1 triệu đồng. Ảnh: cafef.vn
Trên một trang mạng Trung Quốc, giá sản phẩm chỉ khoảng 100 nghìn đồng, tức là bằng 1/10. Ảnh: cafef.vn

Từ năm 2012 đến nay, Khaisilk không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Chủ yếu Khaisilk mua các thành phẩm từ những cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong 3 nhãn hàng hóa "Khaisilk®", "Khaisilk cách điệu" và "Khaisilk Made in Vietnam" để kinh doanh trên thị trường.

"Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa", ông Khải cho hay.

Ông chủ lụa” cũng cho biết thêm, dù là hàng nhập từ Trung Quốc, lụa bán tại đây không phải là sản phẩm kém chất lượng, bởi hàng bán ở Khaisilk luôn được duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập.

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cửa hàng Khaisilk hồi tháng 11. Ảnh: nld.com.vn

Kết luận của Bộ Công Thương cũng chỉ ra Công ty Khaisilk còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn như: xuất trình không hợp lệ, kê khai không đúng tên hàng hóa, chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế… và không giải trình được nguyên nhân.

Một số sản phẩm của Khaisilk được phát hiện không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc. Đồng thời, có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP. HCM, cho rằng những kết luận của Bộ Công Thương đối chiếu với quy định pháp luật hình sự cho thấy có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự "Buôn bán hàng giả" đối với Công ty Khải Đức (Khaisilk) theo điều 156 Bộ Luật Hình sự (tương ứng điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018).

Theo luật sư Đức, hình phạt cho tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, bên vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.

Author: Thùy Dương (Tổng hợp)

News day