Hạ viện Philippines thông qua dự luật hợp pháp hóa ly hôn
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 03/24/2018 10:30 AM
Theo dự luật mới, ly hôn sẽ được hợp pháp hóa. Người nghèo sẽ được miễn trừ mọi chi phí pháp lý.

Một vấn đề tưởng chừng là rất cơ bản như là quyền được ly hôn lại là đề tài tranh cãi ở Philippines. Một đất nước nơi mà Công giáo phát triển mạnh mẽ, Philippines là một trong những quốc gia duy nhất mà việc ly hôn được coi là bất hợp pháp, cùng với Vatican - mặc dù người Hồi giáo ở miền nam Philippines có thể ly hôn vì họ được phép tuân theo luật gia đình của Hồi giáo. Có chăng chỉ ly thân là hợp pháp, nhưng lại không cho phép một cá nhân tái hôn.

Hiện tại, ở Philipines, để có thể ly hôn, cần phải trải qua một quá trình mất nhiều thời gian và tốn kém.

Hạ viện Philippines vừa thông qua dự luật cho phép ly hôn một cách dễ dàng hơn so với trước đây. Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, điều này đang chuẩn bị được thay đổi với dự luật mới được Hạ viện Philippines thông qua.

Các căn cứ để xét ly hôn là khi trong hoàn cảnh phải chịu đựng bạo lực gia đình, cặp vợ chồng có vấn đề không thể hòa giải, âm mưu ép vợ/chồng hoạt động mại dâm.

Reuters dẫn lời nữ nghị sĩ Emmi de Jesus, dự luật cho phép ly hôn sẽ giúp những người phụ nữ thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ, đặc biệt là thoát khỏi những người chồng bạo lực. Năm ngoái, một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Social Weather Stations cho thấy, 53% người dân ủng hộ hợp pháp hóa ly hôn.

Đây được xem như là một bước đi giải phóng cho rất nhiều cặp vợ chồng nghèo đang bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân tồi tệ.

53% người dân Philippines ủng hộ hợp pháp hóa ly hôn. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, dự luật đang vấp phải sự phản đối của Đức Tổng Giám mục và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, đồng thời cảnh báo những nguy hại đối với các cặp vợ chồng cũng như các gia đình, đặc biệt là trẻ em.

“Trong bối cảnh mà trong đó vấn đề ly hôn được trình bày như là một sự lựa chọn dễ dàng, các cuộc hôn nhân và gia đình sẽ bị phá vỡ một cách dễ dàng hơn”, Đức Tổng Giám mục Romulo Valles Địa phận Davao, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, cho biết.

Dự luật hiện sẽ tiếp tục phải được Thượng viện Philippines thông qua mới có thể chính thức có hiệu lực. Thậm chí ngay cả khi nó được Thượng viện thông qua, dự luật vẫn có thể bị phủ quyết bởi Tổng thống Duterte.

Author: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

News day