Hacker tấn công tàu Hải quân Mỹ?
Bình Nguyên 08/30/2017 07:00 AM
Sau bốn vụ tai nạn tàu chiến liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến dư luận dấy lên mối nghi ngờ nguyên nhân là do hacker đứng đằng sau thực hiện các cuộc tấn công mạng nhắm vào tàu Hải quân Mỹ.

Sau mỗi vụ tai nạn, Hải quân Mỹ đã tiến hành rà soát lại hoạt động của lực lượng một cách triệt để và nghiêm khắc. Bên cạnh đó, giới phân tích đã chỉ ra những vấn đề nội tại cũng như nhịp độ hoạt động cao ở các vùng biển nhiều tàu thuyền qua lại có thể liên quan đến các vụ tai nạn.

Tuy nhiên, trang báo Business Insider đưa tin, các vụ tai nạn xảy ra trong "điều kiện vận hành cơ bản nhất" đã làm dấy lên nỗi lo ngại về những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến các con tàu và thủy thủ đoàn.

Cựu chuyên gia chiến tranh thông tin Hải quân Mỹ, nay phụ trách tình báo cho cơ quan tình báo mạng Wapack Labs, ông Jeff Stutzman đưa ra nhận xét: "Có điều gì đó đang xảy ra hơn là lỗi do con người, bởi có nhiều người để kiểm tra và cân nhắc khi tàu USS John S. McCain di chuyển qua eo biển Malacca, tuyến đường thủy vốn hẹp lại nhiều tàu thuyền. Tôi chưa có chứng cứ nhưng quý vị phải tự hỏi xem liệu có vấn đề liên quan đến điện tử hay không"?

Tấn công mạng có thể là nguyên nhân gây ra hàng loạt tai nạn xảy ra với tàu chiến của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP

Trên thực tế, những vụ tấn công mạng đang xảy ra với tần suất cao trên khắp thế giới gần đây đã khiến người ta chú ý đến chuyện an ninh hàng hải, vốn phụ thuộc nhiều vào các mạng máy tính. Trong khi đó, Hải quân Mỹ sử dụng các hệ thống hàng hải mã hóa được cho là rất khó bị tấn công hoặc phá rối. Trong vụ va chạm của tàu USS John McCain, hiện chưa phát hiện ra sai sót trong thông tin liên lạc vệ tinh.

Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ lưỡng, có thể phát hiện ra có lỗ hổng trong công nghệ hướng dẫn định vị, khiến cho các hacker có thể điều chỉnh hệ thống định vị toàn cầu (GPS), thông qua một quá trình được gọi là "lừa gạt" khiến hệ thống này định vị tàu sai sự thật.

Vấn đề này không phải mới xuất hiện gần đây, trên thực tế nó đã được thực hiện bởi một số nhóm nghiên cứu trong vài năm trở lại đây. Năm 2013, một nhóm sinh viên được giáo sư Todd E. Humphreys, một chuyên gia về hệ thống vệ tinh hàng hải, hướng dẫn đã lừa được GPS trên một chiếc du thuyền trị giá 80 triệu USD. Nhóm này đã hướng dẫn du thuyền chạy lệch hành trình hàng trăm mét mà hệ thống này không dò thấy sự thay đổi. Gần đây, ngày 22/6, khoảng 20 con tàu chạy trên biển Đen thông báo hệ thống GPS trên tàu cho biết lúc đó chúng đang ở sâu trong đất liền hơn 30 km, tại sân bay Gelendzhik của Nga.

Đó là những vụ việc đầu tiên mà người ta biết về "sự lừa gạt" hoặc hướng dẫn sai GPS. Sau đó, vụ tấn công hàng ngàn máy tính xảy ra cùng tháng đã phá hỏng việc vận chuyển đường thủy khắp thế giới. Nghiêm trọng hơn sự phá rối bình thường, con người còn có thể bị đánh lừa về vị trí địa lý ngay khi màn hình máy tính vẫn hiển thị các chỉ số bình thường. Mọi việc trông bề ngoài bình thường nhưng sự thực lại không phải vậy.

Theo ông Humphreys, trước đây, muốn thực hiện một vụ đánh lừa như vậy, người ta phải có thiết bị đắt tiền và có trình độ viết phần mềm bằng mật mã rất cao. Thế nhưng, giờ đây, người ta có thể làm điều đó với công cụ và phần mềm lập sẵn dễ dàng kiếm được.

Lực lượng Hải quân hùng hậu của Mỹ đang đứng trước các mối đe dọa từ tấn công mạng. Ảnh: Reuters

Hải quân Mỹ sử dụng phiên bản GPS được mã hóa chống nhiễu mạnh hơn nhiều để định vị các tàu chiến nhưng điều đó không có nghĩa là chúng hoàn toàn không có nguy cơ bị tấn công mạng. Các chuyến tàu thương mại dễ bị tấn công hơn trong bối cảnh số tàu hàng đi lại trên biển đã tăng gấp 4 lần trong 25 năm qua. Do đó, các vụ va chạm tàu thương mại vì hoạt động tin tặc hoặc phá rối GPS có khả năng ngày càng tăng. Ông Humphreys đưa ra nhận định: "Chúng tôi từng chứng kiến sự việc như thế. Đó thực là một cách làm vụng về. Có lẽ đó là tín hiệu xuất phát từ trong đất liền nước Nga".

Ông Dana Goward, người từng phụ trách hệ thống vận tải biển của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, cho rằng tin tặc có thể săn tìm hệ thống hàng hải không bảo đảm an toàn trên tàu thương mại hoặc tàu tư nhân, đồng thời phá rối các hệ thống dẫn đường của tàu Hải quân Mỹ. Tin tặc cũng có thể hướng dẫn sai hệ thống dẫn đường của các tàu thương mại, khiến chúng đi lệch hành trình. Ông tiết lộ hành vi phá rối và đánh lừa GPS không phải là chuyện mới mẻ mà vẫn xảy ra thường xuyên. "Quân đội Triều Tiên, Trung Quốc và Nga lâu nay vẫn được biết đến là hay phá rối GPS".

Theo báo Global Times, vụ va chạm của tàu chiến USS John S. McCain được "cư dân mạng Trung Quốc tán thưởng". Các phản ứng này "phản ánh thái độ của xã hội Trung Quốc đối với các hoạt động của Hải quân Mỹ ở biển Đông". 

Global Times nhận định, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ không làm gì để tránh các vụ va chạm ở biển Đông. Theo báo này, các hoạt động của Hải quân Mỹ chỉ nhằm mục đích kiểm soát Trung Quốc. Tàu chiến Mỹ thường xuyên liên quan đến các vụ tai nạn ở biển Đông. Một mặt, Hải quân Mỹ hành xử một cách ngạo mạn ở châu Á - Thái Bình Dương, thiếu tôn trọng các tàu thương mại khổng lồ và không có động thái tránh né kịp thời nên hậu quả là xảy ra các tai nạn nghiêm trọng. Mặt khác, tàu chiến Mỹ tuần tra khu vực này quá thường xuyên.

Hiện các lực lượng điều tra vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân của sự việc, tuy nhiên, giả thiết đưa ra có vẻ hợp lý này đặt ra các yêu cầu cải thiện các phần mềm bảo mật an ninh cao hơn nữa trong lực lượng quân đội Mỹ, để có thể tránh được sự tấn công từ các hacker. Đây quả là một cuộc chiến không hề đơn giản bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và bởi sự gia tăng xung đột của Mỹ với các quốc gia cường quốc khác. Đây có thể là yếu tố mới sẽ làm thay đổi cục diện của các cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên.

Author: Bình Nguyên

News day