Hai án tử hình trong vụ án tham ô Vinashinlines, Việt Nam
Thúy Thúy 02/25/2017 02:00 AM
Xác định hành vi của các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Vianshinlines là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội, diễn ra trong một thời gian dài, gây bất bình đối với quần chúng nhân dân, hoang mang trong dư luận xã hội, Tòa sơ thẩm đã tuyên 2 án tử, 1 án chung thân.

Chiều 22/02, sau 6 ngày xét xử và nghị án, tòa sơ thẩm thành phố Hà Nội tuyên phạt các bị cáo trong vụ án tham ô tài sản, tại Công ty Vinashin - Vinashinlines.

Trong 3 bị cáo phạm tội thâm ô tài sản, có 2 án tử hình được tuyên cho Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines và Giang Kim Đạt - nguyên Quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines. Án chung thân được tuyên cho Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines lĩnh án chung thân cùng về tội tham ô tài sản. Giang Văn Hiển, bố của Giang Kim Đạt nhận 12 năm tù về tội rửa tiền. Tòa cũng đồng ý việc đình chỉ điều tra bị can cho Đạt tại vụ tàu Hoa Sen và khởi tố Đạt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức khi dùng giấy tờ giả trốn ra nước ngoài.

Bị cáo Giang Kim Đạt. Ảnh: Thân Hoàng

Mặc dù tại tòa, các bị cáo thay đổi lời khai, các luật sư cũng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số vấn đề liên quan nhưng với những căn cứ, tài liệu điều tra, lời khai của các bị cáo, Tòa án xét thấy có đủ cơ sở để kết tội các bị cáo như cáo trạng truy tố. Theo đó, từ tháng 07/2006 đến tháng 06/2008, lợi dụng việc thực hiện dự án mua - cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã chiếm hưởng tiền hoa hồng mua tàu, tiền gửi cước giá thuê tàu tổng cộng hơn 260,5 tỷ đồng. Trong đó, 11,5 tỷ đồng tham ô từ những hợp đồng mua bán 3 con tàu của Vinashinlines, còn  249 tỷ đồng chiếm đoạt thông quan hợp đồng thuê mướn 9 con tàu của Vinashinlines. 

Bản án xác định, Trần Văn Liêm giữ vai trò khởi xướng và chủ mưu và đã chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, đã dùng để mua một số bất động sản và ô tô Mercedes.

Đối với Giang Kim Đạt, từ năm 2006 đến 2008, bị cáo là nhân viên, rồi giữ chức Quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines, có nhiệm vụ đàm phán, thương lượng mua bán tàu biển và cho thuê tàu biển nhưng bị cáo đã lợi dụng việc này để tham ô chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên đến 255 tỷ đồng. Bị cáo Đạt phạm tội với vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Liêm.

Tương tự, bị cáo Khương có nhiệm vụ quản lý về tài chính của Vinashinlines nhưng vẫn cố tình hưởng ứng bằng việc để ngoài sổ sách kế toán các khoản tiền đó, để chiếm hưởng bất chính 110.000 USD.

Về bị cáo Giang Văn Hiển phạm tối rửa tiền, bị cáo nhận thức được mục đích của Đạt nhờ mở nhiều tài khoản, tại nhiều ngân hàng khác nhau là để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng nhận thức được số tiền các công ty nước ngoài chuyển vào tài khoản đều là tiền bất hợp pháp nhưng vẫn tích cực thực hiện.

Tại thời điểm xảy ra vụ án, các bị cáo giữ các chức vụ tại Vinashinlines, toàn bộ vốn mua tàu là của Vinashin, nhưng Vinashinlines còn nợ hơn 48 triệu USD tiền mua tàu của Vianshin. Đến nay, Vinashinlines chuyển sang Vinaline, nhưng Vinashinlines vẫn nợ Vinashin, vì vậy, nguyên đơn dân sự được xác định là Vinashin.

Các bị cáo đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: Tiến Nguyên

Trong bản án được tuyên, các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nhà nước với số tiền lớn, hơn 260 tỉ đồng, gây dư luận xấu trong xã hội nên cần có mức hình phạt nghiêm khắc để đạt được mục đích răn đe, phòng ngừa chung. Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải bồi thường 260 tỉ đồng cho nguyên đơn dân sự là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), trong đó Đạt phải bồi thường 255 tỷ đồng; Liêm hơn 3 tỷ đồng và Khương hơn 1,7 tỷ đồng.

Author: Thúy Thúy

News day