Hong Kong: Phận làm nô lệ của những ông chồng bị lừa kết hôn
Ruby 05/29/2017 07:30 AM
Ngày càng nhiều người đàn ông nghèo ở Ấn Độ, Pakistan và các nước Nam Á khác "ngây thơ" đã bị lừa kết hôn với hy vọng đổi đời, rồi sau đó bị đưa sang Hong Kong, Trung Quốc để làm công không lương cho vợ.

Lao động không công cho nhà vợ

Shahid Sandhu, (tên nạn nhân đã được thay đổi), 34 tuổi cho biết, kể từ khi rời Pakistan để sang Hong Kong sống cùng người vợ mới cách đây 4 năm, anh thường xuyên bị vợ, anh em trai và bố mẹ vợ theo dõi sát từng cử động.

Mặc dù tốt nghiệp đại học tài chính tại Pakistan, nhưng từ khi sang đây gia đình vợ buộc Sandhu làm việc luôn tay, suốt 7 ngày một tuần, làm quần quật tại một công trường xây dựng vào ban ngày và như một người hầu không công vào buổi tối. Họ đánh đập, chửi mắng Sandhu bất kể khi nào anh có dấu hiệu mệt mỏi hoặc chống đối, thậm chí là bỏ đói.

Nhiều ông chồng bị rối loạn tâm lý vì bế tắc khi bị gia đình vợ ép phục vụ như nô lệ. Ảnh: SCMP

Lương của Sandhu tại Hong Kong được trả vào tài khoản ngân hàng của anh, nhưng anh vợ và vợ là người kiểm soát và lấy sạch toàn bộ số tiền người "chồng nô lệ" này kiếm ra, không cho anh này tiền và thậm chí còn dọa giết anh nếu anh cố bỏ trốn.

Những gì xảy ra với Sandhu như thể xảy ra từ thời kỳ xa xưa, song thực tế nó đang diễn ra tại một trong những nơi hiện đại hàng đầu thế giới là Hong Kong, và Sandhu không phải là cảnh ngộ duy nhất.

Tại Hong Kong, những chàng rể bị cô lập, cảm giác sợ làm hại tới gia đình ở quê và nỗi hổ thẹn vì khác biệt văn hóa khiến họ không dám đấu tranh. Nhiều người vẫn cố cam chịu, chấp nhận cuộc sống khổ sở hơn là nguy cơ bị người khác chế giễu nếu nói ra sự thật.

Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, Sandhu biết rằng những gì vợ và gia đình cô này làm với mình là sai trái, bất hợp pháp, song việc bị ngược đãi thường xuyên đã bẻ gãy ý chí của Sandhu. Người chồng nhập cư thường xuyên bị ác mộng, liên tục phải chiến đấu với tình trạng trầm cảm nghiêm trọng, cũng như sợ hãi và xấu hổ khi phải nói ra sự thật.

Các luật sư và tổ chức phi chính phủ từng tiếp xúc với những người lao động thuộc cộng đồng Nam Á tại Hong Kong cho biết, Sandhu chỉ là một trong số hàng chục trường hợp nam giới bị lừa kết hôn có dàn xếp rồi bị đưa sang Hong Kong để làm công không lương cho gia đình vợ.

Thông thường, những nam giới "ngây thơ" trở thành con mồi của vợ và gia đình tương lai kể từ khi tin tưởng vào những lời hứa về cuộc sống thiên đường, cũng như việc được trợ giúp về tài chính cho người thân ở quê nhà. Họ thường xuất thân trong gia đình nghèo, choáng ngợp trước những lời hứa hẹn về tiền bạc kiếm được ở Hong Kong. Sau đám cưới, chú rể về nhà cô dâu và ngay lập tức, giấy tờ tùy thân bị gia đình vợ cất giữ, và phải đi làm bên ngoài để kiếm tiền nuôi vợ và gia đình vợ. Một khi đã sang Hong Kong, việc bị cô lập, sợ bị báo thù, nỗi xấu hổ đã ngăn không cho họ lên tiếng. 

Các nhà hoạt động có thuật ngữ riêng để nói về những người đàn ông này: Những chú rể nô lệ.

Vỡ mộng

Ác mộng cuộc sống của Sandhu khác xa với cuộc sống nhung lụa mà người đàn ông 34 tuổi này tưởng tượng ra bà mối vẽ lên cảnh kết hôn với một người phụ nữ sinh ra ở Pakistan nhưng sống ở Hong Kong.

Được hứa hẹn rằng gia đình vợ tương lai giàu có sẽ giúp Sandhu và cha mẹ nghèo khó của anh, vốn là nông dân sống ở vùng Punjab (Pakistan), Sandhu đã bỏ việc tại một ngân hàng ở Pakistan, một công việc có mức lương thấp, để cưới vợ và sang Hong Kong vài tháng sau đó bằng visa "sống dựa". 

Hạnh phúc khi kết hôn chưa kịp thấy đâu, thì vợ và gia đình vợ ngay lập tức cất hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của Sandhu vào két sắt (việc làm bị coi là trái luật), và nói Sandhu sẽ phải làm việc tại một công trường xây dựng 6 ngày một tuần để kiếm tiền nuôi vợ và gia đình. Hàng đêm và vào ngày nghỉ, Sandhu phải làm việc nhà, cũng như bị ngược đãi cả về tinh thần và thể xác khi chống đối.

"Tôi luôn bị đối xử tệ. Dù đã tốt nghiệp đại học nhưng tôi luôn bị gọi là đồ thất học, gã người rừng. Có lần, tôi quát lại thì bị họ đánh. Sau đó, tôi từ bỏ mọi thứ".

Sandhu cũng như nhiều ông chồng nô lệ khác, vì sợ bị trục xuất và xấu hổ khi nói ra sự thật, nên dù bị kiểm soát 24/24h họ cũng không dám báo cảnh sát dù bị ngược đãi.

Một người đàn ông nghèo Pakistan ngủ trên vỉa hè Hong Kong. Ảnh: EPA

Sandhu là một trường hợp may mắn khi đã tìm cách liên lạc được với Richard Aziz Butt, một nhà cố vấn về nhập cư của cộng đồng Nam Á tại Hong Kong, sau khi lấy được số điện thoại của ông này từ một đồng nghiệp ở chỗ làm. Sandhu cho biết anh "cần thoát khỏi đây", nhưng lại không dám tới gặp cảnh sát. 

"Tôi gọi anh ta là chú rể nô lệ. Hôn nhân của anh ta được sắp đặt và Sandhu được đưa tới Hong Kong để làm việc như một cái máy kiếm tiền cho gia đình vợ", Butt nói.

Ông Butt đã gặp hơn 100 đàn ông Nam Á bị đưa sang Hong Kong thông qua những cuộc hôn nhân sắp đặt kể từ năm 1997, và 20% trong số đó là những chú rể nô lệ. Thị thực của họ thường do gia đình vợ tương lai nộp trực tiếp, không qua luật sư hay tư vấn để mọi việc không bị ai chú ý.

Không chỉ nam giới, nhiều phụ nữ từ các gia đình nghèo di cư đến Hong Kong thông qua các cuộc hôn nhân sắp đặt cũng bị biến thành nô lệ.

Nurul Qoiriah, người đứng đầu Văn phòng Hong Kong của Tổ chức Di cư Quốc tế, cho biết: “Những kẻ này có thể sử dụng nhiều biện pháp (ép buộc, kiểm soát) để ngăn nạn nhân báo cáo hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác, bao gồm việc đe dọa trả thù người thân của nạn nhân và cô lập họ”. Theo luật lệ Hong Kong, bên sắp đặt hôn nhân nếu có sai phạm có thể bị phạt 14 năm tù hoặc phạt tiền 150.000 đô la Hong Kong.

Tổng hợp

Author: Ruby

News day